Câu hỏi liên quan đến mòn răng

12-10-2024 18:10 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mòn răng là sự mất tổ chức của răng do nguyên nhân toàn thân hoặc tại chỗ. Bệnh gây nhiều phiền toái cho người bệnh khi ăn uống hoặc nghỉ ngơi, nếu không được chữa trị tận gốc dựa vào nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh thì rất dễ thất bại.

1. Mòn răng là gì?

Mòn răng là tình trạng mất đi lớp men răng do bị mài mòn, xảy ra nhanh hơn ở những người trẻ tuổi. Men răng một khi đã mất thì không được thay thế một cách tự nhiên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới mòn răng, liên quan đến thói quen ăn uống, chăm sóc răng miệng và các bệnh lý mà người bệnh mắc phải.

Câu hỏi liên quan đến mòn răng- Ảnh 1.

Khi răng bị mòn mặt nhai rất dễ gây sâu răng cho người bệnh.

2. Đông y có chữa được mòn răng?

Đông y có nhiều phương pháp giúp hạn chế tình trạng mòn răng, một trong số đó là sử dụng các cây và vị thuốc dân gian giúp ngăn ngừa sâu răng cũng như hạn chế tình trạng trào ngược acid dạ dày - một trong những nguyên nhân khiến răng bị mòn. Đây là những dược liệu dễ dàng tìm kiếm, có sẵn trong vườn nhà. Đặc biệt nó rất hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị mòn mòn răng như: Lá trầu không, rễ cau, nha đam, dầu đinh hương, bạc hà, tỏi, nghệ, mật ong...

3. Mòn răng có lây truyền không?

Mòn răng không lây truyền từ người bệnh sang người lành.

4. Đối tượng có nguy cơ dễ bị mòn răng

Các yếu tố làm tăng khả năng bị mòn men răng bao gồm:

Thói quen vệ sinh răng miệng kém;

Thói quen sử dụng thức uống có tính acid;

Ăn vặt nhiều, ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường;

Căng thẳng, tress quá độ, gây nghiến răng khi ngủ;

Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh lý tại vùng răng miệng như khô miệng, giảm tiết nước bọt.

5. Mòn răng gây hậu quả gì?

Câu hỏi liên quan đến mòn răng- Ảnh 2.

Thực phẩm chua làm tăng nguy cơ gây mòn răng.

Răng bị mòn không chỉ mà còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng như:

5.1. Mòn răng gây mất thẩm mỹ:

Khi mòn men răng, răng sẽ có màu vàng nâu, gây mất thẩm mỹ, khiến nhiều người mất tự tin trong giao tiếp.

5.2. Tổn thương khớp hàm:

Khi răng bị mòn mặt nhai, lớp men răng đã bị mất đi vĩnh viễn và không thể tự tái tạo, sẽ làm giảm khả năng nhai, nghiền nát thức ăn. Tình trạng này nếu để lâu không điều trị sẽ khiến cơ nhai, khớp hàm hoạt động nhiều hơn và gây ra tình trạng co thắt cơ, tổn thương khớp.

5.3. Mòn răng ảnh hưởng đến khả năng ăn, nhai:

Khi răng mòn thì hiệu suất nhai sẽ giảm, do đó hệ thống cơ nhai sẽ phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến hiện tượng cơ nhai co thắt, lâu ngày làm tổn thương khớp hàm.

Bên cạnh đó, việc giảm khả năng ăn nhai như nghiền, cắn thức ăn cũng dễ dẫn đến các bệnh về tiêu hóa.

5.4. Răng nhạy cảm, ê buốt:

Khi răng bị mòn nhiều sẽ làm lộ lớp ngà răng gây ê buốt. Ngoài ra, mòn nhiều còn có thể gây viêm tủy và chết tủy răng.

5.5. Sâu răng:

Khi lớp men răng bị mòn và ngà răng lộ ra ngoài, sâu răng rất dễ xảy ra, nhất là khi ăn nhiều thực phẩm có acid cao.

5.6. Viêm tủy, mất răng:

Khi răng bị mòn, nhất là khi bị mòn mặt nhai nặng có thể làm tổn thương tủy răng và dẫn đến viêm tủy, chết tủy răng.

6. Bị mòn răng nên ăn uống như thế nào?

Khi bị mòn răng, nên tránh thực phẩm và đồ uống có tính acid, ăn thực phẩm mềm, uống nước lọc và hạn chế caffeine cũng như cồn. Sử dụng ống hút khi uống đồ uống có axit để giảm tiếp xúc với răng.

7. Có cách nào để giảm thiểu tình trạng mòn răng?

Để giảm thiểu tình trạng mòn răng, nên sử dụng kem đánh răng cho răng nhạy cảm, tránh thực phẩm có tính acid như: chanh và soda; chải răng nhẹ nhàng với bàn chải mềm và thường xuyên thăm khám bác sĩ nha khoa theo lịch định kỳ.

8. Có thể phục hồi răng bị mòn không?

Răng bị mòn có thể phục hồi bằng cách sử dụng các phương pháp như trám răng, lớp phủ bảo vệ hoặc điều chỉnh thói quen chăm sóc răng miệng. Tuy nhiên, mức độ phục hồi phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của răng.

9. Cách phòng tránh mòn răng

Để phòng bệnh răng miệng nói chung và mòn răng nói riêng, cần thực hiện các biện pháp sau:

Câu hỏi liên quan đến mòn răng- Ảnh 3.

Chải răng đúng cách giúp phòng ngừa mòn răng.

  • Cần phải súc miệng bằng nước lọc ngay sau khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống có chứa acid;
  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm.
  • Tập thói quen dùng chỉ nha khoa thay vì tăm xỉa răng để làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn.
  • Tránh hoặc giảm thiểu việc ăn uống có chứa nhiều acid, nên ăn các thức ăn mềm, không dùng thức ăn quá lạnh, quá chua,…
  • Hàng ngày cần uống nhiều nước, đặc biệt là giữa các bữa ăn.
  • Khám răng định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh lý về răng miệng. Nên khám từ lứa tuổi 5-6 tuổi trở đi thì càng có khả năng dự phòng mòn răng sớm.

10. Chi phí khám, điều trị mòn răng như thế nào?

Mặc dù mòn răng không nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng mòn răng gây ra nhiều khó chịu như khiến răng ê buốt, giảm khả năng ăn nhai… của người bệnh, khiến người bị mòn răng ăn không ngon, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Câu hỏi liên quan đến mòn răng- Ảnh 4.

Khi thấy các triệu chứng mòn răng cần đi khám càng sớm càng tốt để được chữa trị kịp thời. (Ảnh minh họa)

Việc đi khám, chữa trị mòn răng ở những cơ sở nha khoa, bệnh viện chuyên khoa uy tín là rất quan trọng.

Hiện có nhiều cách chữa mòn răng từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào tình trạng mòn răng của mỗi người mà có các chi phí khác nhau như:

  • Khám sàng lọc.
  • Chụp X-quang.
  • Nhổ răng.
  • Diệt tủy.
  • Trám răng.

Vì thế, tùy thuộc vào tình trạng mòn răng của mỗi người, sự lựa chọn dịch vụ của bệnh nhân về cơ sở y tế, chi phí cho khám, điều trị… Thông thường chi phí khám, chữa mòn răng dao động từ 100.000 đồng - 7.000.000 đồng.

Nếu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định hiện hành.


BS. Nguyễn Thị Hằng
Ý kiến của bạn