Lệch khớp cắn là tình trạng không tương xứng, lệch tâm giữa răng hàm trên so với răng hàm dưới hay 2 hàm trên - dưới không cắn khít với nhau, các răng mọc lệch lạc, không đều và không thẳng hàng. Điều này gây ảnh hưởng đến độ thẩm mỹ của cả khuôn mặt, đồng thời gây khó khăn trong quá trình nhai và phát âm.
1. Đông y có chữa được lệch khớp cắn không?
Lệch khớp cắn là một bệnh chủ yếu do yếu tố di truyền và do các thói quen xấu từ nhỏ như: Tật mút ngón tay, tật đẩy lưỡi hay do thói quen ngậm ti giả… Do vậy, điều trị lệch khớp cắn là phẫu thuật hàm và niềng răng. Bệnh không điều trị bằng Đông y.
2. Lệch khớp cắn có di truyền không?
Lệch khớp cắn là bệnh có tính di truyền. Lệch khớp cắn sẽ di truyền giữa những người trong gia đình bởi vì cấu trúc phần mặt gây ảnh hưởng tới khớp cắn như: hàm, mắt, miệng,…
3. Lệch khớp cắn có nguy hiểm?
Lệch khớp cắn là bệnh lý về răng miệng, tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái trong cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Nó ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, bao gồm: Ảnh hưởng tâm lý về vấn đề thẩm mỹ, chức năng nhai, xé thức ăn bị cản trở. Do vậy việc chỉnh khớp cắn từ sớm sẽ giúp người bệnh hạn chế được những tác hại liên quan tới vấn đề thẩm mỹ và cải thiện chức năng nhai, giúp đảm bảo chất lượng sống.
4. Đối tượng dễ mắc lệch khớp cắn
Lệch khớp cắn xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên vì nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do di truyền, do tật xấu từ nhỏ như mút ngón tay, ngậm ti giả...vì vậy đối tượng dễ mắc lệch khớp cắn nhiều nhất vẫn là trẻ em.
5. Độ tuổi nào chữa lệch khớp cắn tốt nhất?
Theo khuyến cáo của các bác sĩ nha khoa, độ tuổi để chữa lệch khớp cắn là từ 10 – 15 tuổi vì lúc này trẻ bắt đầu thay răng sữa thành răng vĩnh viễn nên có thể phát hiện được các vấn đề lệch khớp cắn. Ngoài ra, ở độ tuổi này răng và xương hàm đang phát triển nên còn khá mềm nên dễ can thiệp, dễ tác động điều trị lệch khớp cắn cho trẻ.
Bên cạnh đó, điều trị các bệnh về khớp cắn ở độ tuổi này ít gây đau đớn, tiết kiệm thời gian hơn và không phải tái điều trị khi đã trưởng thành.
6. Cách nào phát hiện lệch khớp cắn tại nhà?
Để phát hiện lệch khớp cắn, khi con bước vào thời kỳ thay răng, cha mẹ cần chú ý tới những hành vi xấu của con có thể dẫn đến khớp cắn lệch.
- Trẻ có các tật xấu kéo dài như: Mút ngón tay, thói quen ngậm ti giả, cắn vật dụng. Các hiện tượng này khá dễ dàng phát hiện nếu cha mẹ để ý và quan sát bé khi bé vui chơi.
- Một số trẻ mắc các bệnh về mũi kéo dài và viêm xoang thường rất dễ dẫn đến khớp cắn sai, lệch răng hàm trên và hở răng. Cha mẹ cần để ý bé lúc đêm ngủ, quan sát bé thật kỹ để phát hiện kịp thời.
- Khung hàm của bé không bình thường so với những đứa trẻ khác. Khi bố mẹ quan sát bé ở trạng thái ngậm miệng và nhai nuốt, nếu cha mẹ thấy bé có phần khó khăn và bất thường, khuôn mặt nhất là phần miệng và cơ hàm có phần lệch lạc không cân đối thì có thể bé đã bị khớp cắn sai.
7. Lệch khớp cắn có phòng tránh được không?
Lệch khớp cắn có thể phòng trách được. Cách phòng tránh đơn giản nhất chính là việc cha mẹ quan sát các thói quen của bé thật kỹ. Nếu bé có biểu hiện các hiện tượng như trên thì phải khắc phục ngay cho bé. Cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở bé để loại bỏ tật xấu.
Ngoài ra có một số tật liên quan đến bệnh lí như thở miệng, nghiến răng vào ban đêm, cha mẹ cần tìm hiểu kĩ nguyên nhân để chữa dứt điểm các bệnh này.
8. Điều trị lệch khớp cắn thế nào?
Đến nay, với sự phát triển của chỉnh hình răng mặt, điều trị lệch khớp cắn nói chung đã có nhiều cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc điều trị lệch khớp cắn do xương hàm vẫn là một thử thách đối với các bác sĩ chỉnh nha.
Để điều trị lệch khớp cắn, cần đánh giá sự tăng trưởng và hướng tăng trưởng của xương hàm. Dựa vào tuổi bệnh nhân để lựa chọn phương pháp điều trị:
+ 3 đến 7 tuổi: điều trị dự phòng.
+ 4 đến 12 tuổi: điều trị chỉnh hình.
+ 11đến 18 tuổi: điều trị chỉnh răng
+ Sau 18 tuổi: phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị lệch khớp cắn bao gồm: Phẫu thuật hàm, nhổ bớt răng và nắn chỉnh răng bằng khí cụ chuyên dụng.
9. Chi phí khám và điều trị lệch khớp cắn như thế nào?
Theo Bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023, chi phí khám lệch khớp cắn cơ bản tại các cơ sở y tế chuyên khoa dao động từ 318.000 đồng - 4.556.000 đồng (chưa bao gồm chi phí nẹp vít). Ngoài ra, còn tùy thuộc vào chỉ định thêm cần thiết khác của bác sĩ.
Về điều trị, dựa trên kết quả đánh giá mức độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định biện pháp điều trị phù hợp.