Hà Nội

Câu hỏi liên quan đến bệnh nhồi máu não

27-10-2024 19:11 | Tra cứu bệnh

SKĐS- Nhồi máu não xảy ra khi động mạch não bị hẹp hoặc tắc, dẫn đến sự thiếu hụt oxy và chất dinh dưỡng tới các tế bào não. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

1. Đông y có điều trị được nhồi máu não?

Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho biết, theo Y học cổ truyền, những biểu hiện của nhồi máu não có nhiều điểm tương đồng với chứng bệnh trúng phong.

Nguyên nhân gây nhồi máu não thường do chính khí cơ thể hư suy, phong tà thừa cơ xâm nhập. Hoặc do ăn uống không điều độ ảnh hưởng chức năng của tỳ, dẫn đến đàm thấp tích tụ.

Ngoài ra, bệnh còn do giận dữ, lo sợ quá mức, lao lực, bệnh lâu ngày, can thận hư suy mà hóa nhiệt sinh phong làm cho kinh lạc nửa người bế tắc, khí huyết vận hành không thông.

Điều trị bằng Đông y thường áp dụng khi tình trạng người bệnh đã ổn định, tổn thương não ngưng tiến triển.

Phép trị chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng do tổn thương não gây ra cũng như điều chỉnh những rối loạn gây bệnh trước đó. Tùy vào biểu hiện của người bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp.

Câu hỏi liên quan đến bệnh nhồi máu não- Ảnh 1.

Bán hạ, vị thuốc trong Bán hạ bạch truật thiên ma thang hỗ trợ sau đột quỵ nhồi máu não.

2. Những biểu hiện của nhồi máu não?

Theo BS. Nguyễn Đức Minh - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một người có nguy cơ bị nhồi máu não khi có một số biểu hiện sau:

Đột ngột xuất hiện các triệu chứng thần kinh: đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn; liệt khu trú (liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ); rối loạn hoặc mất ý thức; rối loạn cơ tròn (bí đái, tiểu không tự chủ, táo bón); rối loạn thần kinh thực vật (thay đổi mạch, huyết áp, nhiệt độ); co giật; rối loạn tâm thần. Tùy vị trí tổn thương sẽ có nhóm các tổn thương tương ứng vùng não chi phối bị tắc mạch.

Nếu bị nhồi máu diện rộng hoặc xuất huyết não trên nền nhồi máu, người bệnh có thể xuất hiện biến chứng hôn mê, phù não, nguy cơ tụt kẹt não và chết não.

Nếu nghi ngờ nhồi máu não, có thể nhận biết bằng cách kiểm tra người bệnh qua dấu hiệu FAST, cụ thể:

F (Face - mặt): Yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng sẽ thấy một bên mặt chảy sệ, không thể cử động được, cười méo mó.

A (Arm - cánh tay): Khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Người bệnh không thể giơ hai tay lên cao qua khỏi đầu. Đây là một trong những dấu hiệu đột quỵ phổ biến nhất.

S (Speech - lời nói): Người bệnh nói khó, nói ngọng, dính chữ; dùng từ ngữ không thích hợp hoặc câm lặng.

T (Time - thời gian): Nếu kiểm tra thấy nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu của nhồi máu não thì cần gọi cấp cứu ngay và ghi nhớ thời gian triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Thời gian chính là yếu tố quan trọng quyết định đến sự sống còn của bệnh nhân.

Câu hỏi liên quan đến bệnh nhồi máu não- Ảnh 3.

Cách kiểm tra người bệnh nhồi máu não qua dấu hiệu FAST.

3. Nhồi máu não có nguy hiểm không?

Nhồi máu não là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Nhồi máu não không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo TS.BS. Nguyễn Văn Doanh, nhồi máu não là tình trạng động mạch não bị tắc nghẽn, lúc này một bộ phận não bị suy giảm chức năng và hoạt động bị rối loạn.

Nhồi máu não sẽ gây ra những tổn thương cho tế bào thần kinh. Các biến chứng nhồi máu não thường gặp là: liệt, méo miệng, nói ngọng, lở loét do nằm lâu,…

Một số biến chứng có thể gặp ở người bị nhồi máu não:
Liệt vận động: Theo thống kê, có đến 90% người bị nhồi máu não bị liệt nửa người và giảm khả năng vận động. Đây là di chứng nặng nhất sau tai biến nhồi máu não.

Người bệnh bị hạn chế khả năng vận động như: liệt mặt, liệt nửa người, liệt tay, liệt chân khiến khó thực hiện các hoạt động thường ngày, phải cần đến sự giúp đỡ của gia đình.

Rối loạn ngôn ngữ: Mất tiếng hoặc nói ngọng là chứng bệnh thường gặp nhất sau cơn đột quỵ do nhồi máu não. Nguyên nhân là do vùng não đảm nhận chức năng ngôn ngữ đã bị tổn thương và không được điều trị kịp thời. Người bệnh thường nói ngọng hoặc nói lắp, nói không rõ tiếng, mất tiếng, không biểu đạt được ý nghĩ. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong giao tiếp, hạn chế việc hòa nhập với cộng đồng.

Suy giảm nhận thức: Người bệnh sau khi bị nhồi máu não sẽ bị suy giảm nhận thức, nghiêm trọng hơn là mất trí nhớ. Nhiều trường hợp phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hồi phục được. Tuy nhiên, người bệnh khó trở lại minh mẫn như trước đây.
Rối loạn thị giác: Dấu hiệu thị lực sau khi bị nhồi máu não là nhìn mờ một bên hoặc cả hai bên mắt.
Rối loạn tiểu tiện: Người trải qua cơn nhồi máu não sẽ không tự chủ được tiểu tiện và đại tiện. Ngoài ra, nhồi máu não cũng có thể dẫn đến một vài biến chứng phổ biến khác như mất cảm giác, khó nuốt, đau đầu, buồn nôn, co giật,…

Câu hỏi liên quan đến bệnh nhồi máu não- Ảnh 4.

Nhồi máu não là một biến chứng tim mạch nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao.

4. Nhồi máu não có hồi phục được không?

Tùy thuộc vào mức độ bệnh, thời gian cấp cứu mà người bệnh nhồi máu não có khả năng hồi phục khác nhau. Cụ thể:

Đối với những bệnh nhân trẻ tuổi, tình trạng bệnh nhẹ, chỉ liệt một nửa cơ thể thường có cơ hội phục hồi cao hơn so với bệnh nhân đã liệt toàn thân.

Đối với người cao tuổi, người bệnh bị vỡ mạch máu não… thì tỷ lệ hồi phục là rất thấp.

Mặc dù khả năng phục hồi 100% đối với bệnh nhân nhồi máu não là rất khó, tuy nhiên nếu được chăm sóc đúng cách, tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ, kết hợp dinh dưỡng và phương pháp vật lý trị liệu, người bệnh có thể phục hồi 90-95%.

Ngoài ra, để gia tăng tỷ lệ sống và cơ hội phục hồi về sau, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời trong khoảng "thời gian vàng" với các phương pháp thích hợp.

5. Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não như thế nào?

Sau khi trải qua giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân nhồi máu não cần rất nhiều thời gian để có thể hồi phục. Thời điểm này, người nhà cần đặc biệt lưu ý cách chăm sóc bệnh nhân cho phù hợp:

Theo dõi sát sao tình trạng người bệnh và báo cho bác sĩ khi có bất thường về huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tê bì chân tay…

Cho người bệnh uống thuốc đúng liều, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ.

Hỗ trợ người bệnh thực hiện các bài tập đơn giản như nâng cánh tay, co chân... giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp.

Chế độ dinh dưỡng của người bệnh nhồi máu não cần đầy đủ. Tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Người bệnh nhồi máu não có nguy cơ bị liệt cao, đại tiểu tiện không tự chủ nên dễ dẫn tới viêm nhiễm đường tiết niệu. Việc vệ sinh cá nhân của người bệnh gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Bên cạnh việc giúp người bệnh đánh răng, rửa mặt, lau người, thay quần áo…, thì sau khi bệnh nhân đại, tiểu tiện, người nhà vệ sinh sạch sẽ để tránh viêm nhiễm.

Tình trạng viêm, loét da rất thường xảy ra ở những vị trí tỳ đè nhiều như vùng lưng, mông, gót chân, bả vai… do người bệnh nằm một chỗ quá lâu. Do đó, người chăm sóc cần lưu ý cho người bệnh nằm đệm hơi, đệm nước; thường xuyên trăn trở người bệnh kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng vùng bị tỳ đè giúp máu huyết lưu thông, hạn chế tình trạng loét da do nằm quá lâu.

Nằm lâu và ít vận động khiến người bệnh nhồi máu não gặp phải những vấn đề về đường hô hấp như viêm phổi, đường thở bị tắc nghẽn do ứ đọng đờm dãi… Do đó, cần cho người bệnh ngồi dậy mỗi ngày, đồng thời xoa và vỗ nhẹ vùng lưng nhằm giúp người bệnh dễ khạc đờm hơn.

Nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaNhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS- Nhồi máu não còn được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi động mạch não bị hẹp, tắc nghẽn, dẫn đến thiếu cung cấp máu lên não. Điều này khiến một phần não bị suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vị trí và kích thước của vùng não bị nhồi máu.


Tuệ Anh
Ý kiến của bạn