Câu hỏi liên quan đến bệnh lỵ amip đường ruột

16-09-2024 11:55 | Tra cứu bệnh

Lỵ amip đường ruột là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa do amip lỵ có tên là Entamoeba histolytica gây ra. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Chế độ ăn cho người bệnh lỵ amip đường ruộtChế độ ăn cho người bệnh lỵ amip đường ruột

SKĐS - Để chữa lỵ amip đường ruột, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng giúp bệnh nhân nhanh hồi phục.

1. Đông y hỗ trợ điều bệnh trị lỵ amip đường ruột?

Y học cổ truyền xếp lỵ amip đường ruột vào chứng "lỵ tật". Nguyên nhân gây bệnh là do ăn uống không vệ sinh sạch sẽ, công năng vận hóa của tỳ vị bị rối loạn mà gây ra bệnh.

Sự kết hợp giữa Đông y và Tây y góp phần điều trị bệnh lỵ amip đường ruột khá hiệu quả.

Trong dân gian còn dùng một số vị thuốc Đông y như hạt và vỏ của cây mộc hoa trắng, thừng mực lá to, sừng trâu, vỏ cây hậu phác, chiêu liêu, hoàng cầm, lá mơ long, rau ram, hoa dâm bụt trắng… để điều trị bệnh lỵ amip đường ruột.

Câu hỏi liên quan đến bệnh lỵ amip đường ruột- Ảnh 2.

Entamoeba histolytica là tác nhân gây bệnh lỵ amip đường ruột.

2. Bệnh lỵ amip đường ruột có lây không?

Lỵ amip đường ruột là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và đường ăn uống:

2. 1. Lỵ amip đường ruột lây trực tiếp từ người sang người qua đường ăn uống

Các nghiên cứu cho thấy, người mang vi khuẩn là nguồn lây bệnh chính gồm:

  • Người mắc bệnh lỵ cấp tính.
  • Người có bệnh lỵ mạn tính.
  • Người lành mang vi khuẩn.

Trong đó, bệnh nhân bị lỵ cấp tính là nguồn lây bệnh nguy hiểm nhất. Vì trong thời gian bị bệnh, họ thải ra một khối lượng lớn vi khuẩn qua phân ra ngoài.

Người lành mang vi khuẩn gây bệnh là những người trước đây đã tiếp xúc với bệnh nhân, bàn tay họ đã bị nhiễm khuẩn, nhưng chưa phát thành bệnh, họ cũng là nguồn thải ra vi khuẩn và gây bệnh cho người khác.

2.2. Bệnh lỵ amip đường ruột lây gián tiếp qua đường tiêu hóa

Cụ thể, vi khuẩn lỵ nhiễm vào thức ăn, nước uống, khi người lành bị nhiễm bệnh khi ăn phải những thức ăn này.

Bên cạnh đó, ruồi nhặng, gián, kiến, thạch sùng… được xem là những loài động vật trung gian lây truyền bệnh lỵ trực trùng.

Ngoài ra, quan hệ tình dục cũng có thể lây truyền bệnh do sự tiếp xúc trực tiếp hoặc không trực tiếp giữa miệng và hậu môn.

3. Lỵ amip đường ruột có nguy hiểm?

Lỵ amip đường ruột là bệnh nguy hiểm. Nếu phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Bệnh nhân khỏi bệnh và không để lại di chứng. Nếu không điều trị, sẽ có những biến chứng tại chỗ hoặc xa hơn.

3.1. Biến chứng tại ruột:

Câu hỏi liên quan đến bệnh lỵ amip đường ruột- Ảnh 3.

Lồng ruột là một biến chứng của lỵ amip đường ruột.

Người bệnh lỵ amip có thể gặp biến chứng cực kỳ nguy hiểm như:

  • Thủng ruột: Niêm mạc và lớp dưới niêm mạc đại tràng bị phá hủy nặng gây thủng ruột, viêm phúc mạc, là biến chứng gây tử vong. Bệnh nhân đau bụng dữ dội, sốt cao, co cứng thành bụng.
  • Xuất huyết tiêu hóa
  • Lồng ruột
  • Viêm loét đại tràng
  • Viêm ruột thừa do amip.

3.2. Biến chứng ngoài ruột:

Biến chứng ngoài ruột có thể gặp là:

  • Áp-xe gan, phổi, quanh thận do amip từ gan tới;
  • Tổn thương ngoại tâm mạc do vỡ mủ áp-xe gan vào màng tim;
  • Viêm ngoại tâm mạc phản ứng hay có mủ;
  • Viêm bàng quang;
  • Bệnh amip não, amip da; amip sinh dục - tiết niệu...

4. Ai có nguy cơ mắc bệnh lỵ amip đường ruột?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh lỵ amip, tuy nhiên, những đối tượng dưới đây thường có nguy cơ cao hơn:

  • Người từng đi du lịch đến những vùng nhiệt đới có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
  • Người nhập cư, du khách đến từ các vùng nhiệt đới có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
  • Những người đang sinh sống trong khu vực có điều kiện vệ sinh kém.
  • Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

5. Các biện pháp phòng ngừa lỵ amip đường ruột

Để phòng bệnh lỵ amip đường ruột hiệu quả, cần thực hiện triệt để một số biện pháp sau đây:

5.1. Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Câu hỏi liên quan đến bệnh lỵ amip đường ruột- Ảnh 4.

Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi xử lý, chế biến thực phẩm để phòng ngừa lỵ amip đường ruột.

  • Thực hiện vệ sinh tay sạch sẽ trước khi xử lý, chế biến thực phẩm, ăn uống và sau khi đi vệ sinh hoặc xử lý phân.
  • Rửa tay bằng xà phòng, chà xát trong vòng ít nhất 20 giây, sau đó rửa lại với nước sạch, lau khô bằng khăn giấy dùng 1 lần hoặc máy sấy chuyên dụng.
  • Ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa, điển hình là tiêu chảy cần đi khám tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

5.2. Giữ gìn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường sống

  • Áp dụng công thức xử lý thực phẩm đúng chuẩn: Chọn nguyên liệu sạch, luôn giữ tay và dụng cụ chế biến sạch sẽ, tách biệt thực phẩm sống và chín, nấu kỹ trước khi ăn, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
  • Chỉ uống nước đun sôi hoặc nước uống đóng chai có nguồn gốc đảm bảo.
  • Tránh uống đồ uống có đá không rõ nguồn gốc.
  • Cách ly người nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh không có triệu chứng với việc chế biến thực phẩm, chăm sóc trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch.
  • Quan hệ tình dục an toàn cho nhóm nguy cơ cao về hành vi tình dục có thể làm lây nhiễm bệnh.
  • Bảo vệ nguồn nước công cộng.
  • Xử lý môi trường: xử lý phân hợp vệ sinh.
  • Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.
  • Điều trị cho người lành mang trùng kèm theo lời khuyên về vệ sinh cá nhân để tránh tái nhiễm.

+ Đối với người đã nhiễm bệnh:

Cần quan tâm xử lý phân, quần áo, chăn màn của người bệnh.

+ Đối với người lành mang trùng, người tiếp xúc:

Cần quản lý chặt những người hành nghề chế biến, phục vụ ăn uống, chăm sóc trực tiếp bệnh nhân đối với những người nhiễm amip. Chỉ cho phép hành nghề trở lại sau khi hoàn tất hóa trị liệu.

Xét nghiệm phân người sống chung nhà với bệnh nhân và người tiếp xúc nghi nhiễm.

6. Các xét nghiệm lỵ amip đường ruột và chi phí điều trị

Để chẩn đoán người bệnh mắc lỵ amip, một số xét nghiệm có thể được bác sĩ chỉ định tiến hành để chẩn đoán chính xác, bao gồm:

Câu hỏi liên quan đến bệnh lỵ amip đường ruột- Ảnh 5.

Xét nghiệm máu giúp xác định tình trạng lây lan nhiễm trùng ra ngoài ruột và các cơ quan khác.

Xét nghiệm phân:

Người bệnh cần cung cấp mẫu phân trong vài ngày để sàng lọc ký sinh trùng.

Xét nghiệm máu:

Xét nghiệm máu giúp xác định tình trạng lây lan nhiễm trùng ra ngoài ruột và các cơ quan khác. Ký sinh trùng khi lan ra khỏi ruột, nguy cơ cao sẽ không còn xuất hiện trong phân.

Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp CT):

Mục đích chính là kiểm tra các tổn thương trên gan hay lây lan đến các cơ quan khác trong ổ bụng và toàn thân.

Phương pháp nội soi đại tràng:

Được thực hiện để kiểm tra tổn thương của ký sinh trùng trên đại tràng.

Trên thực tế, mỗi loại xét nghiệm sẽ có mức giá khác nhau, tùy thuộc vào số lượng mẫu bệnh phẩm, thời gian trả kết quả xét nghiệm cũng như mức hưởng BHYT theo từng nhóm đối tượng.

Bên cạnh đó chất lượng dịch vụ, đơn vị thực hiện, trình độ chuyên môn của bác sĩ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến mức giá.

Nếu người bệnh có tham gia BHYT thì sẽ được bảo hiểm y tế chi trả theo đúng quy định. Trường hợp đi khám đúng tuyến, BHYT sẽ thanh toán 80% chi phí xét nghiệm ký sinh trùng. Trường hợp đi khám trái tuyến, người bệnh chỉ được hưởng 40% chi phí do BHYT thanh toán.

Thuốc điều trị bệnh lỵ amip đường ruộtThuốc điều trị bệnh lỵ amip đường ruột

SKĐS - Lỵ amip đường ruột xảy ra do sự xâm nhập của ký sinh trùng Entamoeba histolytica. Bệnh có thể không có triệu chứng, hoặc gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như tiêu chảy, đau bụng... Việc dùng thuốc điều sớm và kịp thời giúp tránh gây ra các hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe.


BS. Nguyễn Thị Hằng
Bác sĩ
Ý kiến của bạn