Câu hỏi liên quan đến bệnh loét giác mạc

29-09-2024 15:13 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm loét giác mạc là một bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp ở nước ta. Đây là một bệnh nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây thủng giác mạc, viêm nội nhãn, thậm chí phải múc bỏ nhãn cầu, gây mù lòa.

1. Đông y có chữa được loét giác mạc?

Các bài thuốc Đông y có tác dụng hỗ trợ điều trị loét giác mạc, giúp giảm viêm, giảm đau nhức; hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng; giúp bổ mắt, tăng cường thị lực, giảm bớt các triệu chứng khô mắt, mỏi mắt, nhìn mờ…

Tuy nhiên, vì loét giác mạc có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng đối với thị lực nên các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không chủ quan, cần đi khám chuyên khoa Mắt ngay để được đánh giá cụ thể và có phương pháp điều trị kịp thời.

Câu hỏi liên quan đến bệnh loét giác mạc- Ảnh 1.

Hình ảnh loét giác mạc.

2. Các dấu hiệu nhận biết loét giác mạc

Khi bị viêm loét giác mạc người bệnh sẽ thấy mắt có các dấu hiệu sau:

  • Đỏ mắt;
  • Đôi mắt khi sưng nề,
  • Mắt cộm chói;
  • Đau nhức mắt;
  • Sợ ánh sáng;
  • Chảy nước mắt;
  • Rất khó mở mắt.
  • Thị lực người bệnh giảm nhiều;
  • Trường hợp nặng mắt chỉ còn cảm nhận được ánh sáng...

Khi có các dấu hiệu trên, nhất là sau chấn thương mắt, người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở nhãn khoa.

3. Loét giác mạc có nguy hiểm không?

Viêm loét giác mạc có thể chữa khỏi được nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách, viêm loét sẽ tiến triển làm tổn thương vào sâu giác mạc, gây loét giác mạc, sẹo giác mạc - 2 biến chứng phổ biến nhất; sau đó lan sang các vùng khác của mắt, làm giảm thị lực, có thể mù lòa.

Do đó, khi có triệu chứng viêm loét giác mạc, cần đi khám ở chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Câu hỏi liên quan đến bệnh loét giác mạc- Ảnh 2.

Một số dấu hiệu viêm loét giác mạc.

4. Viêm loét giác mạc có lây không?

Viêm loét giác mạc là bệnh lây nhiễm, có thể lây khi người bệnh dụi mắt, khi đó vi khuẩn, virus, nấm sẽ theo tay người bệnh tiếp xúc với người khác hoặc các vật thể xung quanh. Nguy cơ lây bệnh sẽ cao hơn nếu sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm với người mắc bệnh.

5. Biến chứng khi bị loét giác mạc

Viêm loét giác mạc nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể gây ra những biến chứng:

5.1. Viêm loét giác mạc gây tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp là một biến chứng thường gặp khi bị viêm loét giác mạc, khi đó áp lực trong mắt tăng cao hơn bình thường. Nếu đau nhức nhiều, kéo dài có thể làm teo thị thần kinh, người bệnh mù vĩnh viễn.

5.2. Viêm nội nhãn

Viêm loét giác mạc có thể gây viêm nội nhãn, tức là nhiễm trùng lan tỏa ra phần sau nhãn cầu. Đây là một biến chứng nặng, khó điều trị bảo tồn được nhãn cầu và có thể gây teo nhãn cầu.

5.3. Thủng giác mạc

Loét giác mạc nếu không được điều trị đúng và kịp thời ổ loét có thể lan rộng và xuống sâu, gây thủng giác mạc. Trường hợp nặng có thể phòi tổ chức nội nhãn và phải phẫu thuật để bỏ mắt.

5.4. Gây nhãn viêm giao cảm cho mắt bên kia

Đây là một biến chứng hiếm gặp, làm cho mắt lành cũng bị viêm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thị lực.

6. Đối tượng nguy cơ viêm loét giác mạc

Viêm loét giác mạc là một bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào. Các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:

  • Người sử dụng kính áp tròng.
  • Người có chế độ dinh dưỡng kém, thiếu vitamin A.
  • Người lao động ở các môi trường có nhiều khói, bụi, dị vật như công trường lao động, xưởng gỗ, cơ sở hàn, điện,…
  • Người sống ở môi trường vệ sinh kém, nguồn nước không đảm bảo
  • Người hay dụi mắt, không có thói quen rửa tay trước khi chạm vào mắt.
Câu hỏi liên quan đến bệnh loét giác mạc- Ảnh 3.

Tăng nhãn áp là một biến chứng của viêm loét giác mạc.

7. Cần phải làm gì khi bị viêm loét giác mạc?

  • Khi có dấu hiệu bệnh, cần đi khám ngay tại cơ sở chuyên khoa Mắt để kịp thời điều trị sớm.
  • Không được tự ý mua thuốc tra nhỏ mắt, nhất là thuốc có chứa corticoid.
  • Đến khám ngay tại cơ sở chuyên khoa mắt để kịp thời điều trị sớm.
  • Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý uống hoặc nhỏ thêm thuốc khác không được bác sĩ kê đơn.

8. Các biện pháp điều trị loét giác mạc

Điều trị loét giác mạc bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

8.1. Điều trị nội khoa

Tuân theo nguyên tắc chung là kết hợp sử dụng các thuốc điều trị nguyên nhân bệnh và các thuốc làm giảm triệu chứng.

Các thuốc điều trị nguyên nhân:

  • Nếu loét giác mạc do vi khuẩn: nếu làm được kháng sinh đồ thì sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ, nếu không thì sử dụng kháng sinh phổ rộng.
  • Nếu loét giác mạc do virut: dùng các thuốc chống virut đặc hiệu do bác sĩ chỉ định
  • Nếu loét giác mạc do nấm: dùng các thuốc chống nấm đặc hiệu do bác sĩ chỉ định

8.2. Điều trị ngoại khoa

Nếu tình trạng loét giác mạc tiến triển nặng, điều trị nội khoa không có kết quả, các bác sĩ có thể cân nhắc các phương pháp ngoại khoa:

Phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, múc nội nhãn.

Câu hỏi liên quan đến bệnh loét giác mạc- Ảnh 4.

Khám mắt thường xuyên để tầm soát các bệnh về mắt. (Ảnh minh họa)

9. Cách phòng bệnh viêm loét giác mạc

Để phòng viêm loét giác mạc cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Cần điều trị kịp thời và dứt điểm các bệnh mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm loét giác mạc như bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ), bỏng mắt...
  • Khi ra đường hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ bị chấn thương mắt cần đeo kính bảo hộ.
  • Mang kính mát khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi cát, bụi và hạn chế sự tiếp xúc của mắt với tia cực tím.
  • Khi đi trên đường bụi về có thể dùng nước muối sinh lý (loại dùng để nhỏ mắt) để nhỏ rửa sạch mắt.
  • Không dùng tay dụi mắt, không tự lấy dị vật khi có vật lạ xâm nhập vào mắt. Nên đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt để kiểm tra và lấy dị vật bởi các bác sĩ chuyên khoa.
  • Đeo kính áp tròng đúng cách và vệ sinh kính sạch trước và sau khi đeo. Khi có tình trạng cộm xốn, đau nhức cần đi kiểm tra ngay.
  • Hạn chế làm việc với máy tính, điện thoại vì có thể làm mắt bị khô và giảm sức đề kháng của mắt với các yếu tố gây bệnh.
  • Có chế độ ăn uống cân bằng, chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học, tập luyện để tăng sức đề kháng cho cơ thể nói chung và đôi mắt nói riêng.

10. Chi phí khám và điều trị loét giác mạc như thế nào?

Chi phí khám mắt cơ bản tại các cơ sở y tế chuyên khoa dao động từ 150.000 đồng - 500.000 đồng. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế sẽ được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.

Về điều trị, dựa trên kết quả đánh giá mức độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định biện pháp phù hợp.

Loét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhLoét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Loét giác mạc là tình trạng giác mạc bị nhiễm trùng khiến các mô giác mạc bị phá hủy, các tổ chức khác tại đây bị tổn thương dẫn tới một hoặc nhiều ổ loét. Bệnh để lại hậu quả rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các di chứng, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa.


BS. Nguyễn Thị Hằng
Bác sĩ
Ý kiến của bạn