Câu hỏi liên quan đến bệnh lao ở mắt

04-10-2024 11:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lao ở mắt là biến chứng hiếm gặp của bệnh lao, xảy ra khi trực khuẩn lao từ các ổ lao khác trong cơ thể (thường từ ổ lao phổi) di chuyển đến mắt qua đường máu. Trực khuẩn lao sẽ gây viêm nhiễm và phá hủy các mô ở mắt, dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

1. Đông y có chữa được bệnh lao ở mắt không?

Tuy hiếm gặp hơn lao phổi nhưng lao ở mắt vẫn là bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực người bệnh. Trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis là tác nhân chính gây bệnh lao ở mắt và có thể gây đa dạng tổn thương ở mắt.

Trên cơ sở nền tảng về lý luận về âm dương, ngũ hành, Đông y luôn xem xét cơ thể con người như một hệ thống thống nhất. Do đó, khi điều trị bệnh, Đông y không chỉ tập trung vào triệu chứng mà còn chú trọng đến việc cân bằng các yếu tố của cơ thể, tăng cường sức đề kháng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Một số phép trị Đông y thường sử dụng để điều trị lao ở mắt bao gồm:

Bổ thận, ích khí: Tăng cường chức năng thận, bồi bổ khí huyết, giúp cơ thể có đủ năng lượng chống lại bệnh tật.

Thanh nhiệt, giải độc: Giúp cơ thể loại bỏ độc tố do vi khuẩn gây ra, giảm tình trạng viêm sưng.

Hoạt huyết, tán kết: Cải thiện tuần hoàn máu đến mắt, giúp các mô mắt được nuôi dưỡng tốt hơn, thúc đẩy quá trình phục hồi.

Để đảm bảo sử dụng thuốc Đông y an toàn và hiệu quả, cần tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.

2. Bệnh lao ở mắt có nguy hiểm không?

Bệnh lao được cho là ảnh hưởng đến phổi ở 80% người bệnh, 20% còn lại gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác, bao gồm cả mắt. Bệnh lao ở mắt là tình trạng nhiễm trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis ngoài phổi với các biểu hiện đa dạng, tổn thương có thể xuất hiện ở bất kỳ mô nào của mắt.

Câu hỏi liên quan đến bệnh lao ở mắt- Ảnh 1.

Lao ở mắt khó chẩn đoán vì có triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác của mắt. (Ảnh minh họa).

Bệnh lao ở mắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như:

- Mất thị lực là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh lao mắt, có thể xảy ra do sẹo giác mạc, tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào mạn tính,...

- Bệnh có thể lan rộng đến các bộ phận khác của mắt như thủy tinh thể, võng mạc, gây tổn thương nghiêm trọng các tổ chức này.

- Bệnh lao ở mắt thường đi kèm với bệnh lao ở các cơ quan khác như phổi, hạch bạch huyết... gây suy giảm sức khỏe tổng thể người bệnh.

Vì triệu chứng đa đạng và rất dễ nhầm với bệnh lý khác của mắt, nên bệnh lao ở mắt rất khó chẩn đoán sớm, dẫn đến việc điều trị muộn, khi các tổn thương đã lan tỏa và nặng.

3. Đối tượng nào có nguy cơ mắc lao ở mắt?

Lao ở mắt có nguy cơ cao xuất hiện ở những đối tượng sau:

- Người mắc lao phổi: Những người đã từng mắc hoặc đang mắc bệnh lao phổi có nguy cơ cao bị bệnh lao lan sang mắt qua đường máu.

- Người sống chung với người mắc bệnh lao: Đây là nguyên nhân phổ biến vì bệnh lao có thể lây truyền qua đường hô hấp từ người bệnh lao phổi sang người khác trong cùng gia đình hoặc cộng đồng. Những người đang gặp vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là đang mắc các bệnh lý có liên quan đến hệ hô hấp.

- Người có hệ thống miễn dịch suy giảm như mắc HIV/AIDS, đái tháo đường, cơ thể suy kiệt,…

- Người dùng thuốc chống thải ghép sau khi được cấy ghép nội tạng, người dùng thuốc điều trị ung thư,...

- Người sống trong không gian chật hẹp, kém lưu thông không khí.

- Trẻ nhỏ không được tiêm vaccine phòng bệnh lao (vaccine BCG).

Câu hỏi liên quan đến bệnh lao ở mắt- Ảnh 2.

Tiêm vaccine BCG cho trẻ từ khi còn nhỏ là cách phòng bệnh lao hiệu quả.

4. Cách chăm sóc người bệnh lao ở mắt tại nhà

Chăm sóc người bệnh lao mắt tại nhà là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Mục tiêu chính là giúp người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị, giảm thiểu các biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh lao ở mắt:

- Nhắc nhở người bệnh uống thuốc đều đặn, đúng giờ theo chỉ định của thầy thuốc. Theo dõi tác dụng phụ của thuốc: Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào, báo ngay cho thầy thuốc. Không tự ý ngưng thuốc ngay cả khi không thấy còn triệu chứng bệnh.

- Vệ sinh, rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý: giúp loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Khuyến khích người bệnh đeo kính râm khi đi ra ngoài. Không dụi mắt vì có thể làm trầy xước giác mạc và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

- Khám mắt định kỳ để theo dõi tiến trình điều trị và phát hiện sớm các biến chứng nhằm xử lý kịp thời.

- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là những nơi người bệnh thường xuyên sinh hoạt. Nơi ở đảm bảo đủ ánh sáng, lưu thông khí tốt, không gian sống trong lành.

- Hạn chế tiếp xúc với người lạ để tránh nguy cơ lây nhiễm thêm các bệnh khác.

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người bệnh: ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước, chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Hạn chế ăn đồ cay nóng, chất kích thích vì có thể gây kích ứng mắt.

- Không tự ý dùng bất kỳ thuốc nào khác ngoài chỉ định điều trị của thầy thuốc.

- Cần theo dõi sát sao tình trạng của người bệnh, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.

5. Người bệnh cần phải làm các xét nghiệm nào để chẩn đoán lao ở mắt?

Lao ở mắt là một bệnh lý có rất nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở mắt. Tổn thương lao ở mắt rất đa dạng, hầu hết các mô ở mắt đều có thể bị tổn thương do lao. Do vậy, khi chẩn đoán lao mắt, ngoài việc khám kỹ về lâm sàng thì bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm:

Câu hỏi liên quan đến bệnh lao ở mắt- Ảnh 3.

Nuôi cấy phân lập chẩn đoán bệnh lao.

Công thức máu, tốc độ máu lắng Tets Tuberculin ở da (dương tính khi đường kính trên 5mm).

Chụp X-quang phổi: kiểm tra tình trạng lao ở phổi, màng phổi PCR: Với sự phát triển của các kỹ thuật sinh học phân tử chẩn đoán, việc phát hiện DNA của vi khuẩn thông qua PCR đã trở thành phương pháp được lựa chọn. PCR cho kết quả nhanh hơn so với biện pháp nuôi cấy vi khuẩn.

Hiện nay, việc phát hiện DNA mycobacterial đã được thực hiện thành công với nhiều loại mô không phải tế bào. Trong thập kỷ qua, đã có một số báo cáo về PCR được sử dụng để phát hiện bệnh lao ở một loạt các mô mắt, bao gồm da mí mắt, kết mạc, dịch nước và dịch thủy tinh thể, mô màng đệm cố định, dịch tiết dưới màng cứng và màng biểu mô,…

6. Lưu ý trường hợp lao ở mắt trên người bệnh đái tháo đường

Người bệnh đái tháo đường khi bị mắc thêm bệnh lao mắt cần đặc biệt lưu ý đến việc điều trị và chăm sóc sức khỏe vì cả hai căn bệnh này đều ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị thích hợp.

Một số lưu ý bao gồm:
- Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị lao, dùng thuốc kháng lao đúng liều lượng, đều đặn, đúng giờ, điều trị liên tục theo chỉ định của thầy thuốc.
- Kiểm soát đường huyết bằng cách đo đường huyết thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập đều đặn và tuân thủ phác đồ điều trị đái tháo đường.
- Khám mắt định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh và phát hiện sớm các biến chứng.
- Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý.

Người bệnh đái tháo đường đường mắc lao mắt cần được theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa, khôn nên tự ý điều trị tại nhà. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh lao mắt có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: mất thị lực, tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào mạn tính,…

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh lao phổiCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh lao phổi

SKĐS - Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể nhưng đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, gọi là bệnh lao phổi.


BS. Thanh Liêm
Ý kiến của bạn