Câu hỏi liên quan bệnh Herpes sinh dục

06-09-2024 19:13 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Herpes sinh dục (mụn rộp sinh dục) là bệnh do Herpes Simplex Virus (HSV) gây ra những mụn nước ở vùng sinh dục. Herpes sinh dục là bệnh dễ lây truyền, chủ yếu lây qua quan hệ tình dục, dễ tái đi tái lại nhiều. Bệnh cần được chữa trị kịp thời, tránh lây nhiễm rộng và biến chứng.

Mụn rộp sinh dục (Herpes): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, phòng ngừaMụn rộp sinh dục (Herpes): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, phòng ngừa

SKĐS - Bệnh mụn rộp sinh dục hay còn gọi là Herpes sinh dục là bệnh lý nhiễm khuẩn đường sinh dục do Virus Herpes Simplex (HSV) gây ra. Bệnh Herpes sinh dục lây nhiễm qua đường tình dục, có thể mắc tái đi tái lại nhiều lần khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sống.

1. Đông y có chữa được bệnh Herpes sinh dục

Hiện tại, chưa thấy Đông y có bài thuốc nào thực sự hiệu quả trong việc phòng ngừa, điều trị bệnh Herpes sinh dục. Một số mẹo vặt đăng tải trên mạng xã hội là chưa được kiểm chứng và không tin cậy về tính hiệu quả. Vì vậy người bệnh Herpes sinh dục không nên áp dụng các mẹo vặt trên mà để lỡ cơ hội chữa trị, bệnh Herpes sinh dục sẽ tiến triển nặng và lây lan nhanh hơn.

2. Nhận biết dấu hiệu mắc Herpes sinh dục thường gặp

Virus HSV gây bệnh Herpes sinh dục dễ lây lan nhất thông qua mụn rộp hoặc vết loét nhưng vẫn lây truyền ngay cả khi người bệnh không có mụn rộp, vết loét hoặc các triệu chứng khác. Sự xuất hiện của mụn rộp là dấu hiệu Herpes sinh dục bùng phát. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ nhận định, trung bình đợt bùng phát đầu tiên sẽ xuất hiện 4 ngày sau khi nhiễm virus. Triệu chứng ở cơ quan sinh dục:

Với nam giới mắc Herpes sinh dục, mụn rộp sẽ xuất hiện trên dương vật, bìu, mông, vùng da xung quanh hoặc gần hậu môn.

Với nữ giới mắc Herpes sinh dục, mụn nước sẽ xuất hiện ở vùng âm đạo, hậu môn, mông hoặc các vùng da lân cận.

Ngoài các dấu hiệu ở cơ quan sinh dục, người bị Herpes sinh dục còn có thể mắc kèm các triệu chứng chung ở toàn thân như:

Mụn rộp có thể xuất hiện trong miệng, trên môi, mặt và bất kỳ nơi nào khác tiếp xúc với vùng da nhiễm bệnh.

Khu vực nhiễm bệnh thường bắt đầu ngứa hoặc ngứa ran trước khi mụn nước thực sự xuất hiện.

Các mụn nước vỡ tạo thành vết loét hở và chảy dịch.

Một lớp vảy xuất hiện tại vị trí vết loét trong vòng 1 tuần sau khi bùng phát.

Các tuyến bạch huyết bị sưng lên. Các tuyến bạch huyết này có tác dụng chống nhiễm trùng và viêm nhiễm trong cơ thể.

Herpes sinh dục gây đau đầu, đau nhức cơ thể và sốt.

Triệu chứng ở mỗi người bệnh Herpes sinh dục khác nhau. Khi có một vài dấu hiệu trên thì người bệnh nên đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Câu hỏi liên quan bệnh Herpes sinh dục- Ảnh 2.

Biểu hiện bệnh Herpes sinh dục.

3. Cách chữa trị bệnh Herpes sinh dục phù hợp

Virus HSV thường có 2 nhóm: HSV-1 thường gây bệnh ở da, niêm mạc phần trên của cơ thể như mắt mũi miệng môi. Nhóm HSV-2 gây bệnh ở da niêm mạc đường sinh dục. Cách phân chia này chỉ có tính tương đối vì trong các bệnh về đường sinh dục người ta cũng có thấy sự có mặt HSV-1 và trong những bệnh ở ngoài đường sinh dục người ta cũng thấy có HSV-2. Muốn phân biệt rõ 2 nhóm này phải dùng xét nghiệm dựa trên glycoprotein đặc chủng của từng nhóm.

Tùy theo nhiễm Herpes ở đường sinh dục (HSV-2) hay ở ngoài đường sinh dục (HSV-1) mà cách dùng thuốc có khác nhau.

Nhiễm Herpes ngoài đường sinh dục (HSV-1) và cách chữa trị

HSV1 xâm nhập qua đường miệng hay qua da tổn thương. Sau đó, HSV-1 sẽ nằm trong hạch thần kinh cảm giác và ở đó suốt đời. Khi có điều kiện thuận lợi như: cơ thể mệt mỏi, giảm sức đề kháng, bị căng thẳng, bị các bệnh khác như: sốt cảm cúm, cảm lạnh, da bị tổn thương (lở loét ở miệng), da bị kích thích thì HSV-1 sẽ gây bệnh.

Đa số người bệnh Herpes không có biểu hiện bệnh điển hình mà chỉ thấy đám da màu đỏ, có vết trợt da, nứt da. Trường hợp khác có dấu hiệu bệnh điển hình: có các đám mụn nước trên nền da màu đỏ, các mụn nước lõm ở giữa có thể bội nhiễm hóa mủ; bệnh tiến triển nặng sau khoảng 3 - 4 ngày rồi đỡ dần trong vài ngày sau đó.

Herpes là bệnh lành tính, tuy nhiên cũng có thể gây ra các biến chứng nếu không được điều trị đúng phương pháp. Các biến chứng có thể kể đến như: Cứng gáy, đau đầu, sợ ánh sáng (biểu hiện viêm não do HSV-1). Sốt mệt mỏi nhược cơ đau cơ. Rối loạn chức năng hệ thần kinh tự động. Liệt mặt. Viêm não màng não (có thể gây tử vong), viêm nướu răng, viêm giác mạc, hồng ban đa dạng…

Cách điều trị HSV-1:

Thuốc dùng toàn thân: các kháng sinh acyclovir, valacyclovir, famciclovir. Thuốc bôi tại chỗ: acyclovir (cream 5%).

Mục đích dùng thuốc là để làm giảm các triệu chứng và làm giảm các nguy cơ tái phát. Nguyên tắc là dùng thuốc toàn thân hoặc tại chỗ càng sớm càng tốt. Tùy theo giai đoạn bệnh mà liều lượng thuốc toàn thân có thay đổi. Riêng thuốc tại chỗ chỉ bôi khi bắt đầu có triệu chứng hay có thương tổn đầu tiên. Thường cách 4-5 giờ bôi một lần và nên bôi trong 5-10 ngày. Không làm dây thuốc vào niêm mạc mắt.

Súc miệng bằng nước muối pha loãng để làm sạch làm êm dịu vết thương.

Dùng thuốc giảm đau nhẹ như uống paracetamol hay bôi gel xylocain.

Nhiễm Herpes sinh dục (HSV2) và cách chữa trị

Virus HSV-2 gây ra mụn rộp sinh dục, thường lây truyền qua đường tình dục. Các triệu chứng của bệnh Herpes sinh dục dễ nhận biết là: ngứa ngáy, bỏng rát, khó chịu tại một số vùng da, niêm mạc cơ quan sinh dục. Sau đó tại đây nổi lên các mụn chứa đầy nước, nhân mụn có mủ trắng, da quanh nốt mụn bị tấy đỏ. Các nốt mụn rộp này có thể tồn tại trong khoảng 1 - 2 tuần, sau đó bắt đầu đóng vảy cứng và dần biến mất mà không cần điều trị. Thực chất lúc này virus HSV mới chỉ tạm "lui" ở ẩn trong một thời gian, sau đó khoảng vài tháng, tình trạng bệnh lại tái diễn.

Điều trị HSV-2 cần lưu ý một số điểm sau:

Thuốc thường dùng điều trị cho bệnh nhân Herpes sinh dục do HSV-2 là acyclovir dạng uống. Dạng tiêm chỉ dùng cho những người có bệnh trầm trọng. Dạng dùng ngoài hầu như không cải thiện đáng kể tình trạng bệnh.

Thuốc acyclovir tác dụng cho tất cả những người bệnh có triệu chứng, kiểm soát được các triệu chứng đợt đầu tiên, đợt tái phát cũng như khống chế các triệu chứng đó hàng ngày. Tuy nhiên, thuốc không loại trừ được HSV-2 tiềm tàng, không làm thay đổi được tần suất, nguy cơ, độ nặng của các đợt tái phát sau khi ngừng thuốc, không làm khỏi bệnh vĩnh viễn. Do đó bệnh nhân Herpes sinh dục do HSV-2 cần dùng thuốc lâu dài, theo chỉ định của bác sĩ. Tùy trường hợp mà cách dùng acyclovir có thay đổi cho phù hợp.

4. Bệnh Herpes sinh dục có dễ lây truyền?

Bệnh Herpes sinh dục do Herpes Simplex Virus (HSV) gây ra hay còn gọi là mụn rộp sinh dục là một bệnh có tính chất lây truyền mạnh.

Bệnh Herpes sinh dục rất dễ lây lan cho người khác, người mắc bệnh chính là nguồn truyền nhiễm chính. Bất kỳ ai cũng có thể mắc HSV, bất kể tuổi tác. Virus có thể lây nhiễm ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng và có thể lây truyền qua nước bọt và sự phát tán virus từ mô có vẻ khỏe mạnh. Phần lớn virus HSV lây truyền qua hình thức tiếp xúc trực tiếp với mụn nước hoặc các vết thương hở trên cơ thể người bệnh được tạo thành sau khi mụn nước bị vỡ.

Cách lây truyền của virus HSV-1 và HSV-2 như sau:

Với HSV-1

HSV-1 có thể lây truyền thông qua hình thức tiếp xúc trực tiếp với mụn rộp, vết thương hở tại vị trí mụn nước bị vỡ, nước bọt cũng như các chất tiết khác trong cơ thể người bệnh. Các hình thức tiếp xúc trực tiếp bao gồm:

Hôn nhau. Quan hệ tình dục qua đường miệng. Các tiếp xúc da chạm da khác.

Lưu ý:

Nhiều trường hợp bị lây nhiễm virus gây bệnh Herpes do chạm tay vào mặt hoặc bộ phận sinh dục ngay sau khi tiếp xúc các vết mụn rộp của người bệnh.

Hiện tượng nổi mụn rộp ở trẻ em xảy ra sau khi bị người nhiễm virus HSV hôn hoặc chạm tay vào mặt.

Virus gây bệnh Herpes cũng lây truyền qua việc uống chung đồ uống, sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như dao cạo râu, son dưỡng môi,… Tuy nhiên khả năng xảy ra điều này tương đối thấp.

Với HSV-2

Tương tự với HSV-1, HSV-2 có thể lây truyền thông qua hình thức tiếp xúc trực tiếp với mụn rộp, vết thương hở tại vị trí mụn nước bị vỡ, nước bọt cũng như các chất tiết khác trong cơ thể người bệnh. Các hình thức tiếp xúc trực tiếp bao gồm:

Hôn nhau. Quan hệ tình dục qua đường miệng. Quan hệ tình dục không an toàn. Sử dụng chung đồ chơi tình dục. Các tiếp xúc da chạm da khác tại vị trí nhiễm virus.

Trẻ sơ sinh có mẹ đang hoặc từng nhiễm virus HSV gây bệnh Herpes sinh dục có nguy cơ bị lây nhiễm từ trong bụng mẹ hoặc trong thời gian bú mẹ.

Câu hỏi liên quan bệnh Herpes sinh dục- Ảnh 3.

Thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn để phòng ngừa bệnh Herpes sinh dục.

5. Một số yếu tố rủi ro làm tăng khả năng mắc bệnh Herpes sinh dục

Trường hợp dễ bị lây nhiễm virus gây bệnh Herpes sinh dục là: Tiếp xúc với bộ phận sinh dục qua quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn không sử dụng biện pháp an toàn. Phụ nữ có nguy cơ mắc Herpes sinh dục cao hơn.

Quan hệ tình dục với nhiều đối tác. Người có số lượng bạn tình càng nhiều sẽ có tỷ lệ mắc Herpes sinh dục càng cao.

Có bạn tình mắc bệnh Herpes sinh dục nhưng không dùng thuốc điều trị.

6. Nhiễm Herpes sinh dục khi đang mang thai có thể truyền bệnh cho con?

Hầu hết những người nhiễm HSV gây bệnh Herpes sinh dục không biết mình mắc bệnh nếu không có triệu chứng rầm rộ. Trong các trường hợp lây nhiễm HSV qua đường tình dục, nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi quan hệ tình dục không được bảo vệ bằng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác.

Trong thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ yếu hơn, sẽ nhiễm dễ HSV hơn những người khác. Phụ nữ mang thai bị bệnh Herpes trước đây sẽ có nguy cơ trung bình tái phát khoảng 3 lần trong thai kỳ.

Những bà mẹ bị Herpes sinh dục nguyên phát có nguy cơ lây truyền virus cho trẻ sơ sinh cao hơn so với những bà mẹ bị Herpes sinh dục tái phát. Nếu phụ nữ mang thai bùng phát Herpes sinh dục khi sinh con, điều này có thể khiến em bé tiếp xúc với cả hai loại virus HSV và có thể khiến trẻ có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là tác động tiềm ẩn của Herpes sinh dục đối với thai kỳ, vì trong một số trường hợp, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Phụ nữ nhiễm HSV trong thời gian mang thai có thể truyền virus cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đa số trường hợp HSV sẽ lây truyền cho trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ sinh thường do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết âm đạo có chứa virus và rất hiếm khi lây truyền qua nhau thai.

Việc truyền virus HSV sang trẻ sơ sinh có thể gây ra những tác động lớn. Mức độ nhiễm trùng do bệnh Herpes gây cho trẻ có thể từ phát ban trên da, ảnh hưởng đến mắt và miệng, nhiễm trùng não hoặc nhiễm trùng khắp cơ thể.

Trong những trường hợp ít phổ biến hơn, virus HSV có thể được truyền sang thai nhi trong tử cung. Điều này có thể gây nhiễm trùng não, gan, mắt, phổi và các cơ quan quan trọng khác... Có quan điểm cho rằng nhiễm HSV khi mang thai có thể làm tăng nhẹ khả năng sảy thai và sinh non…

Hầu hết trẻ sơ sinh nhiễm HSV sẽ không biểu hiện triệu chứng ngay lập tức. Các dấu hiệu nhiễm HSV ở trẻ sơ sinh bao gồm sốt nhẹ, phát ban hoặc mụn nước, bú kém, co giật và hôn mê. Các triệu chứng có thể bắt đầu từ 2 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc và bệnh có thể xấu đi nhanh chóng.

Nếu phụ nữ phát hiện mắc Herpes sinh dục trong quá trình mang thai, cần trao đổi thẳng thắn với bác sĩ điều trị để được tư vấn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn virus HSV lây truyền sang thai nhi. Nếu người mẹ có mụn rộp dọc theo đường sinh, các bác sĩ đề xuất phương pháp sinh mổ thay vì sinh thường qua đường âm đạo.

7. Chi phí khám chữa bệnh Herpes sinh dục

Herpes sinh dục là bệnh dễ lây truyền và tái phát. Vì vậy khi có biểu hiện mắc bệnh Herpes người bệnh thì cần đi khám chuyên khoa da liễu ngay để được điều trị sớm nhất, tránh biến chứng và lây nhiễm rộng.

Thuốc acyclovir và các thuốc kháng virus điều trị Herpes sinh dục khá đắt. Cách dùng trên từng bệnh nhân có liều lượng khác nhau số ngày khác nhau và có chênh lệch khá lớn về tiền. Cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để có cách dùng phù hợp với bệnh tật và hoàn cảnh kinh tế của từng người.

Để đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.

Trường hợp người bệnh có BHYT thì khi đi khám chữa bệnh được BHYT chi trả theo quy định hiện hành.


BS. Đức Phong
bác sĩ
Ý kiến của bạn