Tôi là một giáo viên bộ môn dạy lớp em năm ngoái, khi em học lớp 10. Qua thầy Bùi Văn Phúc là giáo viên chủ nhiệm, tôi được biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn và được thầy Phúc đề nghị nhà trường miễn giảm hoàn toàn các khoản đóng góp cho nhà trường. Nhưng khó khăn đến mức nào thì tôi không được rõ. Nhất là năm nay tôi lại không dạy lớp em nên tất cả bình lặng trôi qua.
Sự việc chỉ nóng lên khi trong một cuộc họp hội đồng nhà trường vào tháng 9/2011, Ban giám hiệu và Công đoàn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nêu ra một trường hợp học sinh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn mà cô Đặng Nguyệt Anh - giáo viên dạy văn phát hiện qua bài văn nghị luận em làm nộp cô và phát động phong trào nhà giáo trường Ams đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Nguyễn Trung Hiếu vẫn sẵn lòng sẻ chia với người cùng cảnh ngộ. |
Thật không thể tưởng tượng giữa Hà Nội, trong cơn bão giá mà 5 người chỉ trông chờ vào hơn 4 triệu đồng hưu trí của 2 ông bà nội Hiếu. Hơn 4 triệu đồng đó lại không chỉ để ăn uống sinh hoạt hàng ngày mà còn để dành thuốc thang chữa bệnh tật cho mẹ và ông nội Hiếu.
Mắt tôi muốn rơi lệ khi nhớ đến câu hỏi bỏ lửng của Hiếu trong bài văn của em “Nếu ông mất thì sao?”. Thật tội nghiệp, em đang tuổi cắp sách đến trường mà đã phải sớm lo toan. Và thương thay ông nội Hiếu ốm liệt giường nằm đấy đã 3 năm mà còn nặng gánh trần ai bởi lương hưu của ông là nguồn sống chính cho cả nhà Hiếu.
Tôi đã xin phép gia đình em Hiếu: Chúng tôi là giáo viên dạy cháu, chúng tôi rất muốn giúp cháu và gia đình. Tôi xin được đăng tải bài văn của cháu để bạn đọc biết và chia sẻ hoàn cảnh gia đình với cháu.
Vượt qua kì vọng của tôi, hàng chục báo đã lấy, đăng tải lại bài viết này và một làn sóng quyên góp rộng rãi trên toàn quốc đã diễn ra ngay sau đó để sẻ chia hoàn cảnh với Hiếu.
Nhiều quỹ tài trợ gửi đến nhưng cậu học trò nghèo lại có một cử chỉ làm không ít người ngạc nhiên là chỉ xin dành phần nhỏ để thuốc thang cho mẹ, còn lại sử dụng để giúp đỡ các bạn học sinh khó khăn khác thông qua chương trình “Thắp sáng bản em” mà em đang tham gia làm tình nguyện, xây dựng tủ sách cho trẻ em Mường Tè. Hiếu cho rằng em có thể tự lo được cho mình và hứa cố gắng học tốt, sống tốt để không phụ lòng tốt của mọi người.
Tôi cứ nghĩ và tìm cách lí giải về điều này. Cái gì đã làm nên tấm lòng nhân ái của cậu học trò nghèo ấy?
Ông bà nội cháu đứng tên chủ sở hữu ngôi nhà đang ở hiện nay, dù biết gia cảnh túng bấn nhưng vẫn quyết tâm giữ lại ngôi nhà như phần quà cuối cùng để dành cho Hiếu – đứa cháu đích tôn của ông bà. Tôi trộm liên tưởng đến câu chuyện Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Ông già nghèo phải nhịn ăn nhưng vẫn quyết một mực giữ lại mảnh đất để cậu giáo con ông khi trở về có đất ở.
Bố, mẹ Hiếu trong gia cảnh túng bấn vẫn quyết tâm dành cho con những điều tốt nhất có thể, luôn sát cánh động viên con trong học tập. Mẹ biết Hiếu luôn lo cho mình đã động viên Hiếu cố gắng mà học, “Con học giỏi thì mẹ sẽ khỏe”.
Và Hiếu hết lòng lo cho mẹ. Bài văn em viết Thư gửi mẹ mà với em lại chỉ là những tự sự trải lòng, em viết cho mẹ mà lại sợ mẹ biết sẽ buồn hơn, lo hơn…
Một gia đình mà tất cả những cá nhân trong đó đều biết lo cho nhau như thế thì làm sao không thể không có Hiếu, một học sinh nghèo đang cố nỗ lực học tập trang bị tri thức để thoát nghèo; còn rảnh lúc nào là tham gia tình nguyện giúp đỡ những mảnh đời, số phận éo le. Và khi có tiền tài trợ thì nghĩ ngay đến việc sẻ chia cho những người cùng cảnh ngộ khó khăn khác …
Vũ Quốc Lịch (Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam)