Hà Nội

Cậu học trò mò cua nuôi bà nội với ước mơ làm bác sĩ

14-01-2014 14:30 | Tin nóng y tế
google news

Giờ bà đã 84 tuổi, không đủ sức để “gánh” Chiến nữa nên sau mỗi giờ học, cậu học trò lớp 5 đó lại lang thang khắp các cánh đồng bắt cua. Cua lớn thì bán lấy tiền đong gạo, cua nhỏ Chiến đem nuôi quanh nhà...

Khi Chiến còn nhỏ, mỗi lần quang gánh đi làm đồng là bà nội lại để cháu một đầu, lúa một đầu tất tả đi trong nắng. Giờ bà đã 84 tuổi, không đủ sức để “gánh” Chiến nữa nên sau mỗi giờ học, cậu học trò lớp 5 đó lại lang thang khắp các cánh đồng bắt cua. Cua lớn thì bán lấy tiền đong gạo, cua nhỏ Chiến đem nuôi quanh nhà...

Em là Lê Văn Chiến, học sinh lớp 5A, trường tiểu học Ngọc Sơn –Thanh Chương (Nghệ An).

“Mồ côi” khi vừa 4 tháng tuổi

Chỉ vì không chịu được cuộc sống khó khăn “ăn bữa nay lo bữa mai” nên giữa bố mẹ Chiến thường xảy ra cãi vã. Sau khi chia tay, cả hai đã bỏ đi biệt xứ khi em vừa tròn 4 tháng.

 	Chiến và bà bên “góc học tập”

Chiến và bà bên “góc học tập”

Ngày mẹ bỏ đi, Chiến khát sữa khóc ngằn ngặt không nín. Thương đứa cháu côi cút, bà Lê Thị Hường (bà nội Chiến) đã ẵm cháu đi xin sữa khắp làng trên xóm dưới. Những lúc không có sữa thì bà chắt nước cơm để đút cho cháu.

Tuổi thơ của em không được làm nũng trong lòng mẹ, không có kem bảy màu, không siêu nhân, tàu lượn. Chiến lớn lên với những bát nước cơm trắng đục, với những lần ngồi trên gánh để cùng bà ra đồng, với những giọt nước mắt lặng lẽ của bà khi đêm xuống vì thương đứa cháu đã bơ vơ khi còn quá nhỏ.

Bà vừa làm bố, lại vừa làm mẹ nuôi dạy Chiến, câu đầu tiên em nói không phải là “bố ơi”, “mẹ ơi” mà là “bà ơi”.

Lúc Chiến còn nhỏ, mỗi lần ra đồng là bà lại để cháu vào 1 đầu đòn gánh rồi gánh theo. Giờ Chiến đã lớn, bà nội nay đã già nên sau mỗi buổi học em lại lang thang khắp các cánh đồng bắt cua về bán lấy tiền trang trải cuộc sống của hai bà cháu.

Vui nhất là nhìn những chú cua lớn lên hằng ngày.

Chúng tôi đến thăm em trong một buổi trưa muộn. Vừa đi học về cậu bé gầy gò khuôn mặt đen sạm đó đã lúi húi vào bếp thổi cơm, chờ bà đưa rau má hái ngoài đồng về để nấu bữa trưa.

 	Vui nhất là thấy cua lớn hằng ngày

Vui nhất là thấy cua lớn hằng ngày

Bà nội Chiến năm nay đã 84 tuổi, cứ cúi xuống là bà lại hoa mắt, đau lưng nhưng vì thương cháu ngày nào cũng lấm lem ngoài ruộng nên bà vẫn ra đồng, ai thuê gì làm nấy, khi thì nhổ có, khi lại hái rau. Có khi tiền công của bà là mấy mớ rau hai bà cháu về luộc ăn trừ bữa.

Biết bà vất vả nên từ nhỏ Chiến đã rất ngoan, sau mỗi buổi học em lại về nhà ăn vội bát cơm rồi mang giỏ ra đồng bắt cua. Buổi chiều nếu bận học em lại tranh thủ đi mấy tiếng ban đêm.

Đôi chân nhỏ nhắn của em đã đi qua không biết bao nhiêu cánh đồng bất kể trời nắng hay mưa, Sau khi đi về, những con cua to em đưa cho bà đi bán, còn cua nhỏ em lại nuôi quanh nhà để chờ chúng lớn hơn.

Tiền bán cua mỗi ngày từ 20 đến 30 ngàn đồng, với em đó là một số tiền không hề nhỏ. Số tiền đó em để dành để mua chiếc xe đạp cũ, để mua chiếc bút bi mới, mua bìa đậu phụ cho bà ăn cơm kẻo bà yếu răng...

Ước mơ làm bác sĩ

Chăm chỉ đi bắt cua là thế nhưng Chiến chưa bao giờ sao nhãng việc học, bốn năm học ở trường tiểu học Ngọc Sơn là cả bốn năm em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm nay em còn được nằm trong danh sách đi thi học sinh giỏi của trường. Ở lớp bạn bè, thầy cô đều yêu mến Chiến vì em không những học giỏi mà còn hòa đồng, ngoan ngoãn.

Chưa bao giờ Chiến sao nhãng việc học tập

Nhắc đến cậu học trò giỏi giang, hiếu thảo, cô Lê Thị Hồng Hạnh, hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Sơn kể: “Thương nhất là nhiều hôm em nhịn đói đi học nên ngất trên lớp, khi được các cô bế vào phòng y tế và lấy sữa cho uống em mới tỉnh lại. Thấy các cô lo lắng, nước mắt em cứ chảy dài”.

Để có chỗ ở, hai bà cháu đã mượn nhà của một người bà con đi làm ăn xa, ngôi nhà thấp lè tè cứ mưa là dột và chiếc xe đạp cũ là tài sản lớn nhất của hai bà cháu.

Nhìn “góc học tập” của cậu học sinh giỏi không ai khỏi chạnh lòng, dưới chân chiếc giường ngủ để một cái rương gỗ đựng áo quần, còn nắp rương được em tận dụng làm bàn học, nuôi dưỡng ước mơ làm bác sĩ.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Lê Văn Chiến, học sinh lớp 5A, trường tiểu học Ngọc Sơn –Thanh Chương (Nghệ An). Số điện thoại cô giáo em Chiến, cô Hạnh 0986726359.

Nguồn: Vietnamnet

 

 


Ý kiến của bạn