Cầu dàn thép chống ùn tắc giao thông
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chế tạo 3 cầu dàn Bailey dự phòng xử lý sự cố về cầu, tổ chức giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Theo Hà Nội, dự án chế tạo các cầu dàn Bailey để dự phòng, có thể triển khai lắp đặt trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ… để kết nối giao thông khu vực 2 bên sông.
Bên cạnh đó, dự án này cũng dự phòng để xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng cầu do thiên tai hoặc cầu yếu trong quá trình khai thác nhằm kịp thời giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn và kết nối thuận tiện khi xảy ra sự cố cầu, hoặc khi phát sinh nhu cầu tổ chức giao thông trên địa bàn Hà Nội. Hà Nội giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư với mức kinh phí dự kiến gần 15 tỷ đồng, thực hiện năm 2025-2026.

Cầu vượt thép là giải pháp chống ùn tắc hiệu quả.
Chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và thành phố về tính chuẩn xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu trình bày trong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình thẩm định, phê duyệt.
Cầu Bailey là loại cầu thép di động đã được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau. Đặc điểm quan trọng nhất của cầu này là đạt được nhiều nhịp, khả năng chịu tải, cấu kiện nhẹ, tiện dụng, dễ tháo lắp, có thể hoàn thành nhanh chóng bằng các công cụ và nhân lực đơn giản.
Theo chuyên gia cầu đường Phạm Trọng Đạt, cầu Bailey là một loại hình cầu di động, cho phép người sử dụng sản xuất, gia công trước, có thiết kế đơn giản và không đòi hỏi các thiết bị nặng trong cơ cấu. Cầu Bailey có những điểm ưu việt như: Cầu tạm Bailey phù hợp với mọi địa hình Việt Nam; tốc độ thi công, lắp ghép nhanh và thông cầu trong thời gian ngắn nhất; kết cấu cầu mang tính chất gọn, dễ dàng vận chuyển đến mọi công trình địa hình ở Việt Nam; rất linh hoạt cho mọi công trình, dễ dàng tháo ráp và tái sử dụng cầu tạm Bailey; chi phí sử dụng cầu tạm Bailey thấp.
Chuyên gia đánh giá, phương án xây cầu vượt thép là giải pháp cấp bách được thành phố Hà Nội lựa chọn trước thực trạng nhiều nút giao đã trở nên quá tải, trong lúc chưa đủ điều kiện làm hoàn chỉnh các nút giao. Dù chỉ là những cầu vượt nhẹ song vẫn cơ bản đáp ứng cho các phương tiện đi qua mỗi ngày, góp phần giải quyết những "điểm đen" ùn tắc ở Hà Nội.
Giải quyết các điểm đen ùn tắc của Hà Nội
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải đánh giá, cầu vượt thép đã đóng góp cho việc giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội một cách đáng kể, đặc biệt là các nút giao quan trọng, những tuyến đường giao cắt có lưu lượng giao thông lớn.
"Tuy nhiên với lượng xe liên tục tăng, nhiều cầu đã quá tải, do đó thành phố cần sớm đầu tư hoàn chỉnh các nút giao hoặc kết hợp cầu vượt thép với hầm chui để giải quyết ùn tắc", ông nói.
Về lâu dài, thành phố cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ, trong đó có phát triển giao thông công cộng. Chỉ có phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt kết hợp với nhau mới đáp ứng được nhu cầu đi lại lớn của người dân...
Theo chuyên gia, ùn tắc giao thông ở Hà Nội nguyên nhân chính xuất phát từ quy hoạch bất hợp lý. Bởi vậy, giải pháp bài bản phải rà soát và hợp lý hóa quy hoạch thành phố. Khi có quy hoạch chất lượng, cần có cơ chế giám sát, quản lý, thực hiện tốt quy hoạch.
Hiện nay, quy hoạch giao thông vẫn đang hướng tới mục tiêu phục vụ phương tiện cơ giới. Đó là sai lầm vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ con người di chuyển, chứ không phải để phục vụ phương tiện.
Số liệu thống kê mới nhất về công tác đếm xe trên địa bàn cho thấy, lượng phương tiện đi trên đường Nguyễn Trãi đang cao gấp 2,5-3,2 lần so với thiết kế. Con số này trên đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển là gấp 4,3-4,9; trên đường Lê Văn Lương gấp 2,7-3,3; đường Xuân Thủy - Cầu Giấy gấp 2,1-2,6 lần; đường Láng cao gấp 1,2-1,8…
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thủy, Hà Nội và TPHCM đóng góp tới 30 - 40% GDP, riêng vấn nạn ùn tắc đã gây thiệt hại cho 2 TP này hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm. Vì vậy không thể để bị nghẽn, tắc mãi, mà chiến lược và tầm nhìn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải coi giao thông đô thị là yếu tố "đi trước", nó cũng quan trọng và quyết định không khác gì "chiến lược đường cao tốc" hiện nay, đó là vấn đề mang tầm cỡ quốc gia chứ không chỉ riêng cho khu vực đô thị.
Chỉ tính trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hạ tầng giao thông, thậm chí treo giải cả trăm nghìn USD để tổ chức các cuộc thi, với mong muốn tìm ra các giải pháp hữu hiệu chống ùn tắc, đưa giao thông Hà Nội trở nên thông thoáng hơn.
Vấn đề ùn tắc của Hà Nội đến từ mất cân bằng lớn giữa "cung" (là mạng lưới giao thông gồm cả đường bộ, phương tiện giao thông công cộng), và cầu. Cung hạn chế nhưng "cầu" là do gia tăng dân số nhanh chóng cả sinh học và cơ học (khi người dân tỉnh khác lập nghiệp ở Hà Nội ngày càng tăng). Song song với đó là sự chuyển đổi từ xe máy sang ô tô diễn ra mạnh mẽ nhưng nguồn cung thì không đáp ứng nổi.