Câu chuyện viết bằng tấm lòng nhân ái

20-05-2015 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Giờ đây, vợ chồng Vừ Mí Co và Giàng Thị Sống đã trở về với cuộc sống lam lũ nơi bản làng. Nhưng câu chuyện về đứa con Vừ Mí Chá mới 15 tháng tuổi bị rắn cắn...

Giờ đây, vợ chồng Vừ Mí Co và Giàng Thị Sống đã trở về với cuộc sống lam lũ nơi bản làng. Nhưng câu chuyện về đứa con Vừ Mí Chá mới 15 tháng tuổi bị rắn cắn trong tình trạng nguy kịch được cứu sống nhờ tấm lòng nhân ái của các y, bác sĩ và cộng đồng vẫn là niềm vui khôn tả không chỉ trong lòng vợ chồng nghèo này mà nó còn là câu chuyện được người dân trong bản Phia Liềng truyền tai nhau như một cổ tích giữa thời hiện đại này.

Cái khó của vợ chồng người Mông nghèo khi sức khỏe con nguy kịch

Anh Vừ Mí Co xúc động kể lại: “Lúc ở bản cõng con vượt hơn 3km đường rừng xuống đến trạm y tế xã, vợ chồng mình cũng lo lắm. Con bị rắn cắn qua 1 ngày, cái tay đã sưng to, mặt mũi tím tái, quấy khóc. Đến trạm y tế, cán bộ lại chuyển nó lên Bệnh viện Bảo Lâm, rồi lại sang Hà Giang. Bác sĩ Hà Giang cũng lắc đầu bảo phải chuyển về Hà Nội. Mình sợ con chết lắm. Nhưng không có tiền, không biết chữ, tiếng phổ thông cũng biết ít nên không dám đưa con về Hà Nội chữa... Vậy mà nhờ sự cứu chữa của bác sĩ và những người tốt bụng, con mình đã khỏe mạnh và trở về bản làng. Biết ơn bác sĩ nhiều lắm”.

Vừ Mí Co và Giàng Thị Sống là một cặp vợ chồng người dân tộc Mông trú tại bản Phia Liềng xa lơ xa lắc của xã Nam Cao, huyện vùng cao Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Mới 27 tuổi mà vợ chồng nghèo đã có tới 3 mặt con: đứa lớn 6 tuổi, đứa thứ hai 4 tuổi và đứa út là Vừ Mí Chá mới 15 tháng tuổi. Đẻ nhiều, đẻ dày nên cái khó cứ quẩn quanh làm gia đình họ chưa bao giờ được loại ra khỏi danh sách hộ đói nghèo của xã. 2 năm về trước, vợ chồng bàn nhau quyết định vay mượn họ hàng một ít tiền và dắt hai con đi tìm vùng đất sâu trong núi chưa có người khai phá để dựng nhà căn nhà liếp, phát nương gieo hạt kiếm kế sinh nhai những mong thay đổi cuộc đời. Nhưng mới qua vụ ngô đầu, ruộng nương chưa được cải tạo màu mỡ, Sống lại sinh thêm con nhỏ, làm cho cuộc sống đói nghèo càng bám chặt gia đình.

Co bảo: “Mình lấy vợ lúc hai mươi tuổi, người Mông ở bản vùng cao này tuổi đấy mới lấy vợ lấy chồng là muộn đấy. Nhưng vì nhà nghèo quá, lại không được đi học, không biết chữ, bố mẹ không có tiền mua bạc trắng, trâu bò đi hỏi vợ cho. Lúc gặp Sống, hai đứa cùng tuổi, cùng nhà nghèo nên hai bên bố mẹ cũng thương mà cho về ở với nhau. Lấy về rồi thì phải tự lo cuộc sống cho mình, bố mẹ không lo cho nữa”. Vậy là lấy nhau trong cảnh trắng tay, nương rẫy ít, rồi sinh con đứa nọ gối đứa kia nên đôi vợ chồng nghèo ngày càng nghèo hơn.

Sống bảo, ngoài việc quẩn quanh với nương rẫy, nhà cửa thì thi thoảng lắm mới ra chợ phiên mua bán những đồ thiết yếu, còn xuống chợ huyện thì là mơ ước xa xôi lắm, ít khi được thực hiện. Vì nhà nghèo không có ngựa, không có xe máy, đến cái ngô một năm cũng thiếu mấy tháng ăn nên Nhà nước phải cho gạo. Mà nhà ở cách xa xã tới gần một giờ đi bộ. Từ xã về đến chợ huyện cũng hơn 15 cây số. Rồi phải ở nhà trông con nhỏ nên ít được xuống huyện. Chỉ có chồng lâu lâu mới xuống chợ phiên bên Mèo Vạc mua dầu về thắp sáng và muối để ăn thôi chứ chả được đi xa bao giờ.

Sự đói nghèo càng trở nên cùng quẫn hơn khi vào chiều ngày 1/4/2015, vợ chồng Co cõng đứa con út là Vừ Mí Chá mới 15 tháng tuổi cùng lên rừng làm nương. Để con tự chơi ngoài mé rừng, vợ chồng Co cặm cụi làm rẫy. Bỗng thấy con khóc ré, vợ chồng chạy lại mới phát hiện ra thằng bé tự chơi với con rắn lạ nên bị cắn. Co thương con lắm cũng chỉ biết lấy dao giết chết con rắn và đem con về nhà. Còn Sống thì lo lắng cả đêm cũng chỉ biết ôm con vào lòng vỗ về ru ngủ vì chị biết trong nhà không có nổi một trăm nghìn đồng thì biết tính sao đây. Nhưng sáng hôm sau, thấy thằng bé không muốn bú, người nóng, vết cắn ở khe ngón tay áp út bị sưng phồng, tím lên cả cánh tay, vợ chồng Co mới ôm con chạy xuống trạm y tế xã. Vừa nhìn thấy cháu bé, cán bộ y tế xã đã lắc đầu và viết giấy cho vợ chồng Co đưa con lên bệnh viện huyện. Co hoang mang chạy về bản vay khắp anh em trong họ được một ít tiền và gửi lại hai đứa con lớn cho người anh chăm sóc, rồi hai vợ chồng ôm đứa bé lên bệnh viện huyện. Khám cho con xong, các bác sĩ cũng ngay lập tức chuyển cấp cứu về Bệnh viện  Đa khoa tỉnh Hà Giang (vì huyện Bảo Lâm giáp ranh và đường đi sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, gần hơn rất nhiều so với Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng).

Co nhớ lại, khoảng 8h tối ngày 2/4 thì xe Bệnh viện Bảo Lâm chở vợ chồng cùng đứa con sang đến Bệnh viện tỉnh Hà Giang. Bác sĩ Học sau một đêm thức theo dõi, tiêm, truyền cho con, sáng ra cũng lắc đầu bảo hai vợ chồng: “Cháu bị rắn độc cắn, bố mẹ không biết cách sơ cứu bước đầu và chuyển đến cơ sở y tế muộn nên chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể. Bệnh viện đã tích cực dùng huyết thanh chống độc và xử trí bằng mọi biện pháp nhưng cánh tay phải đã sưng to, xuất huyết lan lên đến vùng cổ. Tính mạng cháu bé rất nguy kịch và cần chuyển khẩn cấp lên tuyến trung ương...”. Nghe bác sĩ nói, vợ chồng Co chỉ biết lặng lẽ nhìn nhau rồi nhìn bác sĩ, lắc đầu: “Nhà nghèo quá, không có tiền lại không biết tiếng phổ thông, không biết ở dưới đó như thế nào, chưa đi bao giờ nên sợ lắm. Thôi bác sĩ không cứu được thì vợ chồng sẽ đưa nó về bản tìm thuốc rừng chữa thôi...”.

Bé Vừ Mí Chá được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Bé Vừ Mí Chá được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Sức mạnh được nhân lên từ tấm lòng nhân ái

Câu nói của cặp vợ chồng người Mông nghèo như lưỡi dao cứa vào ruột gan bác sĩ Trần Văn Học - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Anh vội vã điện sang Bệnh viện huyện Bảo Lâm thảo luận với đồng nghiệp. Nhưng bố mẹ Chá nói rồi, với họ, vùng đất Thủ đô nhộn nhịp đó xa lạ lắm, bất đồng ngôn ngữ, không tiền trong túi nên họ sẽ không đưa con đi. Anh lại đặt mình vào hoàn cảnh vợ chồng Co. Nếu anh lạc giữa một thủ đô nước ngoài xa lạ, không có tiền trong túi, không biết tiếng bản địa thì sẽ làm sao? Anh đem câu chuyện chia sẻ với một người bạn đang có mặt chứng kiến hoàn cảnh cháu bé. Vậy là những dòng chữ xúc động cùng với tấm ảnh và hoàn cảnh gia đình cháu bé được gửi lên trang fecbook cá nhân. Chỉ trong chưa đầy mười lăm phút, những lời bình luận và tin nhắn tới tấp bay về. Những cán bộ y tế trong bệnh viện, những cá nhân hảo tâm quanh vùng đã đến tận nơi động viên, tặng gia đình cháu tiền và đưa ra những giải pháp chuyển tuyến, nguyện chung sức giúp đỡ gia đình cháu từ cả hai phía Hà Giang và Hà Nội. Xúc động trước sự trực tiếp thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn của nhiều người, vợ chồng Co mới gật đầu đồng ý chấp thuận chuyển tuyến cho bé Vừ Mí Chá. Đến 2h sáng ngày 4/4, cháu Chá và cả gia đình đã về đến Bệnh viện Bạch Mai và được đưa vào buồng cấp cứu. Ngay trong buổi sáng ngày hôm đó đã có nhiều cá nhân, các nhóm thiện nguyện đến giúp đỡ chăm sóc cháu bé, hỗ trợ bố mẹ Chá đường đi lối lại trong bệnh viện. Các bác sĩ khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng nhanh chóng hội chẩn liên khoa và đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhi bị rắn cắn. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, cháu Chá vào BV Bạch Mai vào rạng sáng ngày thứ 7, 4/4/2015 trong tình trạng nguy kịch, cánh tay bị rắn cắn đã sưng nề, tím đỏ. Ngay lập tức, BV đã tiến hành hội chẩn liên khoa và xác định đây là loại rắn Khô Mộc, có nọc tố kịch độc gây ra tổn thương nghiêm trọng, không chỉ gây phù nề cho bệnh nhi mà vi trùng độc hại có nguy cơ xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Tình trạng bệnh vô cùng nghiêm trọng, nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhi sẽ xuất huyết toàn cơ thể gây tử vong. Vì vậy, các bác sĩ đã kịp thời đưa ra phác đồ điều trị truyền huyết thanh, tiêm kháng sinh và truyền máu để cứu cháu bé.

Song hành với những nỗ lực về chuyên môn của các bác sĩ, cộng đồng facebook vẫn liên tục cập nhật tình hình, thông tin về sức khỏe của cháu Chá. Những lời quan tâm, chia sẻ và kêu gọi ủng hộ cháu Chá liên tục được phát đi. Bác sĩ Bình - đại diện Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay trong ngày thứ 2 bệnh viện đã tiếp đón hàng trăm người đến thăm, động viên và ủng hộ cả bằng vật chất và tinh thần cho cháu bé. Những tấm lòng đó bao gồm cả phóng viên báo, đài, nhà sư, học sinh, sinh viên, cán bộ, các nhà kinh doanh, người nước ngoài... Điều đặc biệt là hoàn cảnh của bệnh nhi nghèo Vừ Mí Chá không chỉ nhận được sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông của các tầng lớp trong xã hội mà Chá còn nhận được sự đồng cảm, quan tâm của Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngay trong ngày 6/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có công văn chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai tạo điều kiện và bằng mọi khả năng cao nhất để cứu chữa cho cháu bé. Đích thân Bộ trưởng cũng đã đến thăm và kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ gia đình cháu. Để tạo điều kiện cho cộng đồng xã hội bày tỏ sự quan tâm, giúp đỡ bệnh nhi nghèo, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức cuộc họp báo để công khai các giải pháp chữa trị và giúp đỡ cháu bé, bố trí phòng riêng để mọi người đến thăm hỏi gia đình cháu mà không bị ảnh hưởng đến hoạt động chữa trị cho Chá. Cùng với đó, bệnh viện cũng giúp đỡ cặp vợ chồng nghèo từng bữa ăn, giấc ngủ trong bệnh viện. Những thông tin về bệnh tình của Vừ Mí Chá liên tục được BV Bạch Mai cập nhật cho báo giới. Hoàn cảnh cháu bé bị rắn cắn nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt từ phía cộng đồng mạng xã hội và báo chí. Những lời động viên chia sẻ, những hành động nghĩa tình liên tục được phát đi. Chỉ sau 4 ngày điều trị tại BV Bạch Mai, sức khỏe của bệnh nhi Chá đã được cải thiện rõ rệt, bố mẹ Chá cũng nhận được số tiền ủng hộ kỷ lục lên đến trên 500 triệu đồng.

Cái kết có hậu của bệnh nhi trong cơn hiểm nghèo

Sau 10 ngày liên tục theo dõi chặt chẽ, đo lượng nước tiểu, dịch vào dịch ra và tiến hành điều trị tiêu diệt vi trùng, thải độc trong máu, đến sáng ngày 14/4, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhi Vừ Mí Chá trong tình trạng cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Niềm vui rưng rưng trong khóe mắt đôi vợ chồng người dân tộc Mông quen cuộc sống lam lũ nơi bản làng heo hút. Mẹ của Chá cho biết: “Có ngủ mơ mình cũng không tưởng tượng ra con mình lại được cứu sống và nhanh khỏi đến thế. Lúc ở bản đi, mình cứ nghĩ 2 vợ chồng mình người dân tộc nghèo, không có tiền, không biết chữ, không biết đường đi lối lại thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bơ vơ nơi xa lạ. Nhưng đi đến nơi nào cũng nhận được sự hỏi thăm, hướng dẫn, chăm sóc tận tình của mọi người. Những người mình chưa biết mặt, chưa biết tên, lời họ nói mình cũng không hiểu hết. Vậy mà họ vẫn tình nguyện giúp đỡ vợ chồng mình. Chỉ thấy vui cái bụng và biết ơn các bác sĩ nhiều lắm, cảm ơn cả cái sự quan tâm của mọi người gần xa...”.

Còn Vừ Mí Co nhìn nụ cười cùng cái tay đau của con đã lên da non và đang liên tục vui đùa như lúc chưa bị rắn cắn mà vẫn không tin là con mình đã hoàn toàn khỏi bệnh. Chỉ đến khi nghe bác sĩ Nam - Phó khoa Nhi, người trực tiếp điều trị và thăm nom con mình hàng ngày thông báo ngày mai Chá sẽ được cùng bố mẹ trở về với bản làng, Co mới tin điều đó là sự thật. Co vui mừng đem một phần tiền các nhà hảo tâm tặng cho con mình để tặng lại cho những bệnh nhi nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang nằm điều trị tại khoa. Co nghĩ, nhà mình nghèo, con mình bị bệnh, người thân ở bản chả giúp được gì, toàn người xa lạ thương tình giúp đỡ. Giờ con khỏi bệnh rồi, tiền mình cũng nhận được của nhiều người. Vì vậy, mình cũng chia bớt cho những người khó khăn như mình để các trẻ nhỏ sớm khỏi bệnh và được trở về nhà như con mình. Lòng tốt này mình học được từ các bác sĩ và từ những tấm lòng thiện nguyện của mọi người đối với gia đình mình.

Co càng vui mừng hơn khi nỗi lo không biết đường trở về bản của hai vợ chồng đã được lãnh đạo BV Bạch Mai đoán định trước và sẵn sàng giúp đỡ. Đến 01h sáng 15/4, BV Bạch Mai đã cho xe và y tá đưa cả gia đình về đến xã an toàn.

Trao đổi với tôi, người đàn ông dân tộc Mông không khỏi xúc động: “Lúc rời bản đi, hai vợ chồng lo lắng bao nhiêu thì khi về lại vui mừng bấy nhiêu. Tất cả là nhờ sự cứu chữa tận tình của bác sĩ, sự giúp đỡ của mọi người gần xa. Mình không nói được tiếng phổ thông nhiều, nhưng mình muốn gửi lời cảm ơn từ tận đáy lòng đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Giang và các nhà hảo tâm gần xa đã giúp con mình cùng gia đình qua cơn hoạn nạn. Mình cũng xin hứa sẽ dùng số tiền mà các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện ủng hộ con vào những việc thật ý nghĩa để chăm sóc tốt cho cả 3 đứa con và phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo, làm giàu bền vững.

Nhìn cặp vợ chồng người Mông vẫn không thôi xúc động khi kể về những ký ức hơn chục ngày sống nơi bệnh viện, tôi biết trước mắt, cuộc sống của hai vợ chồng nghèo và 3 đứa con thơ còn vô vàn khó khăn. Nhưng trong lòng họ đang tràn đầy nghị lực và niềm vui sống vươn lên. Bởi hơn ai hết, họ đang cảm nhận rõ nhất về một câu chuyện được viết nên bởi tấm lòng nhân ái mà gia đình họ vừa nhận được trong cuộc sống hôm nay. Tấm lòng nhân ái đó chính là sợi dây nối miền biên viễn xa xôi này lại gần hơn với vùng xuôi nhộn nhịp sau lưng.

Kim Huệ (Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang)

 

 


Ý kiến của bạn