Vệ sinh răng miệng thường xuyên chỉ là một phần trong các biện pháp bảo vệ men răng, chống sâu răng. Để có một hàm răng khỏe, men sáng đẹp chịu ảnh hưởng từ cách ăn uống của người mẹ khi mang thai đến quá trình chăm sóc răng sữa, răng vĩnh viễn...
Men răng từ đâu mà có?
Men răng có vị trí ngoài cùng của răng, giúp răng chịu được tác động của acid, kiềm, nóng, lạnh. Fluor và calci là hai yếu tố kiến tạo nên men răng. Khi uống, fluor sẽ nạp vào cấu trúc răng đang hình thành trong bề dày xương hàm, chưa mọc; sau khi răng đã mọc fluor cũng có thể ảnh hưởng "từ bên ngoài" vào lớp men răng. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ lúc mang thai khẩu phần ăn thiếu calci và fluor hay khi còn nhỏ không được cung cấp đủ hai chất này thì sẽ bị thiểu sản men năng (men răng không được mịn, có những đám màu trên mặt răng) hoặc thiểu sản ngà răng (ngà răng bị khiếm khuyết khiến cho răng bị trắng đục hay xanh tái, phần trên răng bị màu xám đen phần dưới có màu vàng nhợt nhạt).
Để giúp kiến tạo và bảo vệ răng, cần dùng đủ fluor trong khẩu phần ăn uống. Fluor giúp vào việc kiến tạo men răng (như nói trên). Khi men răng bị mòn bởi acid, lớp men răng chớm bị sún (chưa bị sâu) thì fluor giúp vào việc "tái khoáng", tạo ra một "bề mặt" men cứng chắc phòng sâu răng. Fluor chống lại các mảng bám và vi khuẩn ẩn nấp trong các mảng đó, bảo vệ làm cứng chắc men răng đã hình thành. Để có đủ fluor cần dùng nước uống đã fluor hoá (với nồng độ 0,7- 1ppm) hoặc cung cấp đủ nhu cầu fluor mỗi ngày (trẻ em 0,2mg và người lớn 0,5mg tính từ mọi nguồn). Súc miệng, hay chải kem đánh răng có fluor thì fluor sẽ bám lên mặt men răng có hiệu lực tại chỗ.
Các yếu tố nào ảnh hưởng đến men răng?
Acid trong thức ăn: Vi khuẩn tác động lên phần đường bột có trong thức ăn tạo ra các acid. Acid sẽ làm mòn, phá huỷ men răng. Giữ vệ sinh trăng miệng sẽ hạn chế sự hình thành và làm sạch các mảng bám (cao răng) trên mặt và ở các hốc răng, giảm bớt số vi khuẩn ẩn nấp trong các mảng bám từ đó giảm tạo ra các acid có hại cho men răng. Nên 6 tháng một lần, lấy sạch cao răng.
Thuốc tetracyclin: mẹ khi mang thai cho con bú dùng nhiều tetracyclin, trẻ em dưới 12 tuổi dùng nhiều thuốc này, răng bị màu nâu từ nhẹ đến nặng. Do vậy không dùng tetracyclin cho các đối tượng này.
Quá nhiều fluor: Dùng nước uống có nồng độ cao hơn mức quy định (hơn 2ppm) nhất là dùng nước nhiễm fluor nặng ( từ 4ppm trở lên) hoặc dùng thuốc fluor quá liều, kéo dài sẽ làm đục men răng, nếu dùng như thế trong thời kì hình thành men sẽ làm cho răng lốm đốm nâu đen hay đen. Để tránh quá liều, cần kiểm tra fluor trong nước và không bao giờ dùng cùng lúc hai dạng thuốc chứa fluor có tác dụng toàn thân mà chỉ dùng một dạng thuốc toàn thân kết hợp với dạng có tác dụng tại chỗ. Việc dùng loại fluor có tác dụng toàn thân phải có chỉ định của thầy thuốc.
Kim loại trám vào răng bị ôxy hoá làm răng có màu xanh xám. Kim loại bọc răng (vàng) không thể bọc kín toàn bộ răng mà có các kẻ, "mảng bám" sẽ hình thành tại các kẻ, làm đổi men răng (theo cơ chế trên). Với người trám răng, bọc răng càng cần giữ vệ sinh răng miệng tốt.
Tẩy trắng răng không đúng kỹ thuật: bị đổi màu: Khi răng đổi màu nhẹ, cần khám kỹ, chữa răng sâu trước, sau đó soi mòn men răng bằng acid phorphoric trong khoảng 60 giây, thổi khô, rồi tẩy răng bằng carbamidperoxid (gọi là tẩy răng sống). Khi răng bị nhiễm màu trầm trọng, cần thiết có thể mài mòn răng, đắp toàn bộ mặt răng bằng chất composite với quang trùng hợp bằng đèn halogen. Đây công việc chuyên khoa, đòi hỏi các thầy thuốc có trình độ, có tay nghề, có các thiết bị chuyên dùng trong môi trường vệ sinh chuẩn. Tẩy trắng không đúng kỹ thuật sẽ làm hỏng thêm men răng.
Cũng như nhiều bệnh lý khác thì thiểu sản men răng cũng là bệnh có tính di truyền. Bố mẹ có hàm răng khỏe đẹp thì con cái có nhiều cơ hội thừa hưởng và ngược lại. Bên cạnh đó thì việc không điều trị kịp thời và triệt để các bệnh răng miệng cũng sẽ làm cho men răng xấu đi.
Làm thế nào để bảo vệ răng tốt nhất?
Răng sữa hay răng vĩnh viễn đều có thể sâu do: chất đạm, vi khuẩn có sẵn trong nước bọt, kết hợp với đường bột tạo thành "mảng bám răng" gọi là "bựa răng" hay "cao răng". Các vi khuẩn ẩn náu trong các "mảng bám" tác động lên các chất đường bột trong các lần ăn tiếp theo, chuyển chúng thành acid mài mòn, phá huỷ men răng gây sâu răng.