Với chiều cao 2m25 khi mới 19 tuổi, Trần Ngọc Tú đột ngột xuất hiện trong làng thể thao Việt như một “khủng long” có một không hai. Đến với thể thao, võ sĩ mồ côi từng trải qua vô khối nghịch cảnh này đã tìm thấy một chỗ bấu víu gần như duy nhất cho hi vọng về một cuộc sống bình thường, cho dù nó hãy còn rất mong manh.
Nỗi đau mất mẹ và kiếp phu hồ
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở xứ Thanh, Ngọc Tú sớm phải nhận nỗi đau mồ côi khi người mẹ đang khỏe mạnh bất ngờ qua đời vì bạo bệnh. Bốn anh chị em Tú từng trải qua những thời gian đói tới vàng cả mắt. Người cha quanh năm suốt tháng làm thợ hồ xa nhà chỉ với mong ước đủ nuôi đàn con nhỏ nheo nhóc nhưng không nổi vì thu nhập quá bèo bọt. Khổ nhất là Tú với một chiều cao, trọng lượng quá khổ không biết bao nhiêu lần khóc không ra nước mắt vì quá đói.
Vượt qua nghịch cảnh, Trần Ngọc Tú đã không ngừng vươn lên phấn đấu để trở thành võ sĩ chuyên nghiệp.
Mới 14 tuổi, thời điểm đã cao tới 1m80, Tú đã phải bỏ học để theo bố cùng anh trai đi làm phu hồ, đơn giản chỉ được ăn no, rồi có thêm chút tiền gửi về nuôi em. Cùng với đội thợ của bố, Tú phiêu bạt khắp Bắc - Nam. Cái lưng của Tú giờ bị gù một cách dị thường cũng bởi luôn phải xách bê những xô vữa, chồng gạch quá nặng. Thói quen đi chân đất và ngủ trên sàn cũng xuất phát từ việc Tú luôn phải nằm co quắp ngủ dưới nền đất của những lều thợ dựng tạm.
Khi Ngọc Tú làm phu hồ, vì thấy cậu bé có chiều cao quá tốt, lại ngoan nên nhiều người đã giới thiệu với một số đội bóng rổ, bóng chuyền. Người “khổng lồ” từng thử việc tại đội bóng rổ Joton ở TP.HCM và đội bóng chuyền Dầu khí Việt Nam tại Hà Nội song đều bị loại chỉ trong một thời gian ngắn. Dù có hình thể lý tưởng nhưng lại gặp hạn chế lớn về nền tảng thể lực, sức bật cùng khả năng di chuyển. Phải đến khi đến với đội pencak silat Vĩnh Phúc, Tú mới chứng tỏ được sự phù hợp và sức vươn, từng đoạt HCĐ giải trẻ toàn quốc 2015.
Tại đây, Ngọc Tú được hưởng một khoản duy nhất là tiền ăn 135 nghìn đồng/ngày mà không có tiền công hay tiền đẳng cấp do mới tập luyện, lại chưa có thành tích. Mức 135 nghìn đồng thực sự chưa đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng bằng 3-4 lần bình thường của Tú. Bình thường mỗi bữa Tú ăn tới 8 bát cơm mà vẫn thòm thèm. Thi thoảng các thầy lại phải bỏ tiền túi giúp Tú một khoản để tiêu hay về quê vào dịp lễ Tết.
Thể thao là chỗ bấu víu duy nhất
Có thể thấy với “khủng long mồ côi”, thể thao là chỗ bấu víu duy nhất cho hy vọng về một cuộc sống bình thường. “Thể thao đã cứu sống tôi, cả theo đúng nghĩa đen”, Ngọc Tú tâm sự trong sự nghẹn ngào. Trước khi được đưa về tập luyện ở đội silat Vĩnh Phúc khi đang làm phu hồ cách đây 2 năm, thực sự tôi chỉ sống ngày nào biết ngày ấy, vạ vật và khổ sở ở cái lán của đội thợ hồ nơi đất khách quê người. Tôi còn không dám ăn, chỉ để no bụng, vì sức ăn của mình làm mất phần của vài người khác. Khi đó tôi yếu tới mức không chống đẩy nổi 1 cái, chỉ đi bộ cũng mệt đứt hơi. Nhờ thể thao, tôi mới có sức khỏe tốt, có thể tập luyện tốt. Tôi cũng hiểu rằng thể thao là chỗ bấu víu duy nhất cho hy vọng về một cuộc sống bình thường và mỗi ngày là một cuộc chiến đấu. Chỉ tiếc rằng, mọi nỗ lực của tôi đã không đáp ứng được kỳ vọng của các thầy, khiến tôi quyết định chia tay đội để tìm một cơ hội mới và trước hết khởi động lại với công việc phu hồ”.
Thật may mắn cho Ngọc Tú, mới đây, đội Vovinam TP.HCM đã trao cho chàng trai cao 2m15 xứ Thanh cơ hội mới. Vào đất Sài thành, Tú không chỉ được nuôi ăn ở, tạo điều kiện tập luyện thi đấu tốt mà còn lần đầu tiên có tiền công cho mỗi buổi tập với thu nhập có thể trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Với nền tảng sẵn có qua 2 năm gắn bó với môn võ silat, lại sở hữu chiều cao cùng đôi chân dài ngoại hạng, Tú đang có khởi đầu rất tốt với vovinam. Niềm vui của Tú còn nhân lên nhiều lần khi được chọn là nhân vật của chương trình “Giấc mơ Chiến thắng”. Ngoài khoản 5 triệu đồng hỗ trợ từ Ban Tổ chức, mà theo Tú là “lớn với bản thân mình tới mức trong mơ cũng không thấy” còn là một nguồn động viên tinh thần vô giá cho hành trình dài phía trước. Tú tự hứa với các thầy, với chương trình, với chính mình sẽ chiến đấu tới cùng để trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp. Tú bảo, chưa bao giờ mình cảm nhận rõ thể thao chính là cái ngã rẽ và chỗ bấu víu cuối cùng cho hy vọng về một cuộc sống bình thường như bây giờ.
Tú đang đặt ra cho mình một mục tiêu rất cao để phấn đấu sau 1 năm: đủ trình độ để dự tranh và có thành tích tại giải vovinam toàn quốc.