Câu chuyện nhiễm trùng do vi khuẩn ăn thịt người

01-08-2019 15:12 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vừa qua báo chí của Mỹ đưa tin một phụ nữ ở bang Florida đã tử vong do bị vi khuẩn ăn thịt người xâm nhập qua vết thương bị cắt ở chân khi đi dạo trên bãi biển.

Người phụ nữ này đã tử vong ngày 27 tháng 6 năm 2019 sau 2 tuần bị nhiễm trùng, viêm hoại tử từ vết thương. Vậy vi khuẩn ăn thịt người là loại vi khuẩn gì mà nguy hiểm như vậy?

Các thông tin về bệnh lý mắc phải

Theo thông tin từ gia đình của người phụ nữ trên cho biết, khi đi dạo trên bãi biển nằm ở phía tây bang Florida vô ý vấp ngã và bị thương do một vết cắt ở chân. Một nhân viên cứu hộ đã xử trí sơ cứu ban đầu tại hiện trường và băng bó vết thương theo đúng quy định. Tuy nhiên những ngày sau đó, chung quanh vết thương có triệu chứng bị đau nhức và càng ngày càng trở trở nên tồi tệ nên nạn nhân phải vào bệnh viện để điều trị. Tại bệnh viện, nạn nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng lây lan nhanh do vi khuẩn ăn thịt người tấn công từ vết thương ở chân và tử vong sau đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC (Centers for disease control and prevention) Hoa Kỳ thống kê mỗi năm cả nước này có khoảng 1.200 trường hợp bệnh nhân bị viêm hoại tử da, cân cơ và cơ do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, vi khuẩn xâm nhập phổ biến nhất vào cơ thể người qua vết thương ở trên da như vết cắt hoặc vết cào, vết bỏng hay thậm chí bị vết côn trùng đốt. Bệnh lý viêm hoại tử da, cân cơ và cơ có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn và suy đa phủ tạng. Các bác sĩ cho rằng ngay cả khi được phát hiện, chẩn đoán và điều trị; 1/3 trường hợp bệnh nhân có thể bị tử vong vì tình trạng nhiễm trùng lan rộng.

Cũng trong thời gian trước đó, các thông tin về loại vi khuẩn ăn thịt người gây tử vong cho một số người tại Mỹ do vi khuẩn này tấn công từ vết thương cắt da hay trầy xước ở tay chân khi có hoạt động vui chơi, tắm biển, bơi lội... dẫn đến tình trạng viêm hoại tử da, cân cơ và cơ lan rộng gây nên những hậu quả nguy hại nghiêm trọng; mặc dù có các trường hợp được cứu chữa không nguy hiểm đến tính mạng nhưng hầu hết đều mang những thương tật nặng nề. Các nhà khoa học xác định vi khuẩn ăn thịt người có tên Aeromonas hydrophila, viết tắt là AH thường hiện diện ở sông, suối, ao, hồ, bể bơi, thậm chí ngay cả trong nước biển và đất...

Câu chuyện nhiễm trùng do vi khuẩn ăn thịt ngườiVi khuẩn ăn thịt người có tên Aeromonas hydrophila

Tại nước ta, vi khuẩn này cũng đã được phát hiện với hàng chục trường hợp bị nhiễm, trong đó một số có biểu hiện triệu chứng lâm sàng gần giống với các trường hợp được thông báo tại Mỹ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ghi nhận qua nhiều năm có những trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn AH, trong đó có các trường hợp bị vết cắt ở chân tay khi lao động, làm việc hay bơi lội dưới nước; bệnh nhân lội dưới cống nước thải, khu vực nước ngâm bè tre nứa; thậm chí cả khi đánh bắt cá bị ngạnh cá đâm vào tay gây viêm hoại tử và nhiễm trùng huyết...

Mặc dù một số bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng lâm sàng giống bệnh lý nhiễm vi khuẩn AH nhưng do trước đó đã sử dụng kháng sinh nên khi xét nghiệm không phát hiện được vi khuẩn. Bệnh viện cũng ghi nhận các trường hợp bệnh nhân nhập viện từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau; phần lớn là bệnh nhân nam ở nhóm tuổi lao động kể cả người lớn tuổi do nhiễm trùng huyết với vi khuẩn AH, tất cả có đặc điểm chung là suy đa phủ tạng; một số bị xơ gan với triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt tăng dần; một số khởi đầu chỉ sốt, tiêu chảy, sau đó nhanh chóng rơi vào tình trạng hoại tử lan rộng ở trên da và các tổ chức khác rồi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng và rất ít bệnh nhân được cứu sống.

Vi khuẩn ăn thịt người phát hiện tại Việt Nam
Vi khuẩn ăn thịt người Aeromonas hydrophila (AH) được phát hiện tại Việt Nam năm 2009. Trong thời gian năm 2009 đến 2013 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận có hàng chục trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn AH nhập viện điều trị từ nhiều địa phương khác nhau. Theo thống kê, riêng trong 2 năm 2010 và 2011, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 10 bệnh nhân; trong đó 7 trường hợp tử vong tại bệnh viện, 1 trường hợp bệnh rất nặng được gia đình xin cho về, chỉ có 2 trường hợp được chữa trị khỏi. Gần đây ngày 12/4/2013, một bệnh nhân 40 tuổi ở Tiền Hải, Thái Bình nhập viện do nhiễm trùng huyết với vi khuẩn AH bị sốc nhiễm khuẩn nặng, viêm hoại tử cánh tay trái; trước đó có biểu hiện sốt và chỉ một ngày sau bị sưng nề cẳng tay trái, lan ra khắp cánh tay rồi lên vai; sau 10 ngày điều trị bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc nhiễm khuẩn và nhiễm trùng huyết nhưng còn bị hoại tử toàn bộ cánh tay trái phải chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia để ghép da.
Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ăn thịt người AH cũng đã xuất hiện tại một số địa phương khác trong cả nước nhưng chưa có số liệu cần thiết để tổng hợp cung cấp thông tin.

Các bác sĩ ở bệnh viện cũng cho rằng mặc dù một số trường hợp bệnh nhân nhiễm vi khuẩn AH được ghi nhận tại đây có biểu hiện triệu chứng viêm hoại tử ở cổ, ngực, chân, tay, ngực và bụng nhưng không phải là thể bệnh được phát hiện trên nhiều bệnh nhân ở Mỹ. Người ta gọi vi khuẩn gây bệnh là vi khuẩn ăn thịt người có lẽ do vi khuẩn AH khi xâm nhập vào cơ thể, chúng có khả năng làm viêm hoại tử da, cân cơ, cơ lan rộng; suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm khuẩn diễn biến một cách nhanh chóng với rất nhiều nguy cơ dẫn đến tử vong.

Đặc điểm vi khuẩn Aeromonas hydrophila

Vi khuẩn Aeromonas hydrophila (AH) là loại trực khuẩn gram âm nên chúng có khả năng gây bệnh nặng như các loại trực khuẩn gram âm khác gồm vi khuẩn hoại thư sinh hơi, Shigella, Salmonella, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa... Đồng thời chúng còn có ngoại độc tố giống vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả nên khi bị mắc bệnh sẽ có ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và có triệu chứng lâm sàng của bệnh tả thể nhẹ.

Vi khuẩn AH thường hiện diện trong nước ngọt hoặc nước lợ bẩn, nước bùn hoặc cống rãnh... và chủ yếu gây bệnh cho các loài tôm. cá, ếch, nhái, bò sát; tuy nhiên nếu những người có nguy cơ cao như da bị vết cắt, trầy xước, mụn nhọt, lở loét... có tiếp xúc với nguồn nước bẩn thì rất dễ nhiễm bệnh với loại vi khuẩn này.

Thể bệnh lâm sàng được biểu hiện tùy theo đường nhiễm vi khuẩn. Nếu uống phải nước bẩn có vi khuẩn hay do ngoại độc tố của chúng tiết ra, sau khi qua đường ruột chúng có thể gây nhiễm trùng huyết và suy đa phủ tạng, đặc biệt xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Nếu bị nhiễm qua da, vi khuẩn xâm nhập vết thương gây viêm hoại tử da, cân cơ, cơ; gây nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng với nguy cơ tử vong cao; đồng thời có thể gây nhiễm trùng đường mật dẫn đến nhiễm trùng huyết dễ dàng ở các bệnh nhân xơ gan và lẽ dĩ nhiên cũng thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch. Để chẩn đoán xác định bệnh một cách chắc chắn, cần phải thực hiện xét nghiệm nuôi cấy bệnh phẩm, phân lập được vi khuẩn hoặc xác định vi khuẩn bằng kỹ thuật sinh học phân thử PCR (polymerase chain reaction).

Điều trị và phòng bệnh

Theo các nhà khoa học, vi khuẩn AH vẫn còn có thể nhạy cảm với các loại kháng sinh thông thường như sulfamide, chloramphenicol, tatracycline, ciprofloxacine...; tuy vậy chúng vẫn có khả năng kháng lại một số kháng sinh họ penicilline và chephalosporine.

Vi khuẩn cũng dễ dàng bị tiêu diệt bởi các loại hóa chất diệt khuẩn thông thường. Trên thực tế, mặc dù vi khuẩn còn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh và dễ dàng bị tiêu diệt với các loại hóa chất diệt khuẩn thông thường nhưng do bệnh diễn biến nhanh, bệnh nhân bị viêm hoại tử nhiều tổ chức, bộ phận của cơ thể do đó dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng và thường chiếm tỷ lệ tử vong cao.

Hiện nay nhờ các phương tiện và kỹ thuật cấp cứu hồi sức hiện đại có đáp ứng hiệu quả nên có thể hạn chế bớt các trường hợp tử vong dù rằng sau khi điều trị khỏi, người bệnh vẫn phải chịu những di chứng nặng nề do hậu quả biến chứng của bệnh để lại.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo không nên hoặc hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn nhất là khi trên da bị vết thương, vết cắt, trầy xước, lở loét, mụn nhọt... Khi da bị tổn thương, cần xử lý sạch các vết cắt, vết thương làm rách da, mụn nhọt và vết trầy xước... bằng xà phòng và nước sạch; làm sạch tổn thương, để khô ráo, băng che vết thương bằng băng khô, sạch cho đến khi lành; đối với các vết thương sâu hoặc nghiêm trọng khác, cần đến cơ sở y tế để xử lý vết thương đúng quy định; trường hợp bị nhiễm nấm ở chân cũng phải được chăm sóc kỹ để tránh nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Nếu da có vết thương hở hoặc bị nhiễm trùng da, cần tránh thời gian tiếp xúc với bồn tắm nước nóng, hồ bơi, nguồn nước tự nhiên ở ao, hồ, sông, suối, biển... Đồng thời cần vệ sinh môi trường nước sinh hoạt, không để nước bị nhiễm bẩn và thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập qua đường tiêu hóa.

Những người do điều kiện phải làm các nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn như công nhân vệ sinh thoát nước cống rãnh, nuôi tôm cá tại các ao hồ có nước bẩn... cần sử dụng trang bị phòng hộ lao động phù hợp để bảo vệ.

Các trường hợp đi tắm biển hoặc hồ bơi... bị tổn thương ở da do vết cắt với nhiều nguyên nhân khác nhau cũng cần quan tâm chăm sóc, xử lý vết thương kịp thời, phù hợp nhằm ngăn ngừa nhiễm loại vi khuẩn ăn thịt người xâm nhập vào cơ thể để có thể dẫn đến tình trạng nguy kịch làm ảnh hưởng đến tính mạng như một số bệnh nhân ở Mỹ đã được thông báo.

Lời khuyên của thầy thuốc
Mặc dù vi khuẩn Aeromonas hydrophila (AH) thường được gọi là vi khuẩn ăn thịt người nhưng không đến nỗi khủng khiếp như tên gọi của nó.
Theo các nhà khoa học, loại vi khuẩn này vẫn còn nhạy cảm với một số loại thuốc kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn thông thường nhưng do bệnh diễn biến khá nhanh, phức tạp gây viêm hoại tử da, cân cơ, cơ, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng... nên nguy cơ dẫn đến tử vong là điều không thể tránh khỏi nếu phát hiện, chẩn đoán muộn và xử trí can thiệp điều trị không kịp thời.
Vì vậy đừng bao giờ xem thường các vết cắt, trầy xước, vết thương ở da khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn kể cả nước ao, hồ, sông, suối, biển, bể bơi... cũng như ăn uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi bị tổn thương ở da, cần xử lý chăm sóc vết thương cẩn thận; nếu có dấu hiệu nghi ngờ phải đến cơ sở y tế để được phát hiện sớm, nên cấy máu và thực hiện các xét nghiệm cần thiết xác định vi khuẩn; đồng thời làm kháng sinh đồ để điều trị theo thuốc kháng sinh có hiệu quả ngay từ đầu trước khi quá muộn.


BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn