Câu chuyện của một nhà toán học

02-06-2017 08:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - PGS.TS. Phan Nhật Tĩnh là cán bộ giảng dạy ở Bộ môn Toán Ứng dụng thuộc Đại học khoa học Huế. Hiện gia đình ông ở nhà số 121...

PGS.TS. Phan Nhật Tĩnh là cán bộ giảng dạy ở Bộ môn Toán Ứng dụng thuộc Đại học khoa học Huế. Hiện gia đình ông ở nhà số 121, phố mang tên người cụ nội hiển hách của ông là chí sĩ Phan Bội Châu, thành phố Huế. Và trong khuôn viên ngôi nhà vườn gần Bến Ngự ấy là nơi trưng bày hiện vật, hình ảnh cuộc đời hoạt động của nhà yêu nước Phan Bội Châu, ngoài vườn còn có hai ngôi mộ đặt song song hai yếu nhân của phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX: Phan Bội Châu - Tăng Bạt Hổ.

Tình bạn cảm động giữa nhà yêu nước Phan Bội Châu và một bác sĩ Nhật Bản

Năm cậu bé Phan Nhật Tĩnh 7 tuổi thì cha bị bom mất trong Tết Mậu Thân (1968). Sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà mà “Ông già Bến Ngự từng sống trong suốt 15 năm cuối đời, Phan Nhật Tĩnh đã được nghe những người lớn tuổi trong nhà kể nhiều về cuộc đời bôn ba tìm đường cứu nước của cụ nội tại Nhật Bản. Ông đã đi nhiều nước trên thế giới song chưa một lần đặt chân lên đất nước mặt trời mọc. Thế rồi dịp may hiếm có đã tới. Giữa năm 2016 vừa qua, ông được trao đổi nghiên cứu tại đại học Sofia, Tokyo. Trong chuyến đi này, ông đã từ Tokyo lặn lội tìm về Fukuroi và đã có một khám phá mới về tình bạn cảm động giữa cụ nội mình với một bác sĩ người địa phương tên là Asaba Sakitaro.

Fukuroi nằm trên tuyến đường xe lửa Tokaido, chỉ là một thị trấn nhỏ bị chìm khuất bởi phía Đông có thành cổ nổi tiếng Kakegawa, còn phía Tây là hai thành phố sầm uất Hamamatsu và Nagoya. Nhưng với Phan Nhật Tĩnh, khi bước chân đến Fukuroi, bỗng trong lòng ông trào dâng cảm giác xốn xang khó tả. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến giờ Fukuroi hầu như không bị ảnh hưởng bởi làm sóng đô thị hóa. Dãy phố chỉ lác đác cửa hàng buôn bán, dưới bóng những cây matsu (tùng bách) tuổi hàng mấy trăm năm, chỉ toàn những ngôi nhà xây gạch, mái ngói xám điển hình ở nông thôn Nhật Bản. Song tâm điểm chú ý của nhà toán học Việt lúc này là ngôi chùa Jorinji (Thường Lâm tự).

PGS. Phan Nhật Tĩnh bên tấm bia tri ân BS. Asaba Sakitaro của cụ Phan Bội Châu ở chùa Jorinji, Fukuroi.

PGS. Phan Nhật Tĩnh bên tấm bia tri ân BS. Asaba Sakitaro của cụ Phan Bội Châu ở chùa Jorinji, Fukuroi.

Ông Amma Yukiho trạc ngoài 70 tuổi, là chủ tịch Hiệp hội Asaba. Lần nào sang Việt Nam ông cũng vào Huế viếng mộ nhà chí sĩ, tình bạn vong niên giữa ông và PGS. Phan Nhật Tĩnh ngày càng nồng hậu. Họ đã cảm nhận rõ được một điều: có sợi dây vô hình bền chặt kết nối hai dân tộc Nhật - Việt, bắt đầu từ buổi bình minh của phong trào Đông Du.

Ngày 23/2/1905, nhà nho yêu nước cấp tiến Phan Bội Châu dẫn đoàn xuất dương đầu tiên gồm 3 người (Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ) lên đường sang Nhật theo lộ trình Hải Phòng - Hồng Kông - Côbê - Yokohama. Đoàn ngụ tại Bính Ngọ hiên trong khu phố Tàu ở Yokohama. Tại đây, Phan Bội Châu không ngờ được gặp Lương Khải Siêu, người mà Phan đã từng hâm mộ khi đọc các trước tác của ông qua Tân văn, Tân thư. Trong cuộc bút đàm hai ngày đêm tại Trí Hòa đường, Lương khuyên Phan rằng, Việt Nam muốn giành lại nền độc lập cần phải có 3 điều kiện: thực lực, sự viện trợ bên ngoài và thanh thế của Nhật Bản. Thực lực bao gồm dân trí, dân khí và dân tài. Cũng tại Trí Hòa Đường, Phan Bội Châu được gặp và bút đàm với nhà cách mạng Tôn Trung Sơn vừa đi vận động cách mạng trong cộng đồng người Hoa ở Hoa Kỳ ghé lại Yokohama. Quay về nước, Phan bàn bạc và được sự nhất trí cao của các đồng chí trong Duy Tân Hội về kế hoạch Đông Du. Vậy là, cầu viện không thành, Phan chuyển hướng sang cầu học. Phong trào Đông Du, thực chất là phong trào đưa thanh niên ưu tú sang Nhật Bản du học, chuẩn bị nhân tài cho đất nước. Đến cuối năm 1908, số người Việt Nam Đông Du đã lên đến trên dưới 200. Với những hoạt động tích cực của Phan Bội Châu, Nhật Bản trở thành mảnh đất ươm nhân tài cho công cuộc cứu nước của ta và cũng là không gian chính trị thuận lợi cho các nhà cách mạng Việt Nam viết những trước tác gửi về nước để gọi hồn dân tộc, góp phần chấn hưng dân khí với Phan Chu Trinh trong nước.

Chính quyền thuộc địa Pháp nhanh chóng nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn đe dọa nền thống trị của chúng. Giữa năm 1907, Pháp - Nhật đã đi tới sự thỏa hiệp bằng một hiệp ước được hai bên ký kết tại Pari và có hiệu lực vào đầu năm 1909. Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng giải tán tổ chức Đông Du, trục xuất Phan Bội Châu, cựu hoàng Cường Để và lưu học sinh ra khỏi đất Nhật. Một tình thế hoàn toàn bất lợi cho những nhà cách mạng và lưu học sinh Việt Nam lại diễn ra trong lúc tài chính cạn kiệt. Phan Bội Châu đã giải quyết khó này theo hai hướng: những lưu học sinh có khả năng ở lại thì mai danh ẩn tích, tìm kế sinh nhai, tiếp tục học thành tài để về sau giúp nước; thông qua mối quan hệ tốt đẹp đã được xây dựng, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những Mạnh Thường Quân trong người Nhật. Được biết, trong số lưu học sinh của chúng ta có trường hợp Nguyễn Thái Bật đã bị ngất vì kiệt sức trên đường đến Tokyo nhập học, được bác sĩ Nhật là Asaba Sakitaro cứu sống và còn giữ liên lạc với bác sĩ. Vì thế, thông qua Nguyễn Thái Bật, Phan Bội Châu đánh bạo viết thư nhờ bác sĩ mở rộng lòng nghĩa hiệp. Không ngờ, thư viết đi buổi sáng, buổi chiều đã có hồi âm tốt lành. BS. Asaba Sakitaro gửi cho cụ Phan món tiền 1.700 yên kèm những lời chứa chan tình cảm: “Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần, đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”. Phan Bội Châu đã rơi lệ trước tấm lòng hào hiệp của người bác sĩ Nhật Bản chưa từng gặp mặt. Món tiền đó Phan giành để lo liệu, thu xếp cho số lớn lưu học sinh về nước. Mấy hôm sau, Phan Bội Châu đến tận nhà BS. Asaba Sakitaro ở Kozu để cảm tạ. Chủ khách nâng chén rượu mừng, hẹn ngày tái ngộ. Nhưng, đau đớn thay, con người nghĩa hiệp đó không sống đến ngày tái ngộ! Ngày 25/9/1910, Asaba Sakitaro bị bệnh phổi và bất ngờ về trời khi mới 43 tuổi. Sau khi ra khỏi nhà tù Quảng Đông, tháng 5/1917, Phan Bội Châu bí mật trở lại Nhật Bản và được biết ân nhân của phong trào Đông Du đã mất. Chưa có gì đền đáp, cụ Phan lặn lội đến tận quê hương Asaba, thắp nén hương trước mộ và hẹn năm sau quay lại...

Ông Amma Yukiho dẫn PGS. Phan Nhật Tĩnh vào thăm chùa Jorinji cổ kính. Hầu hết các nghĩa trang ở Nhật là nghĩa trang Phật giáo, được đặt trong khuôn viên chùa. Các ngôi mộ trong chùa Jorinji đều được xây cất bằng đá đen nguyên khối, chân mộ tạc đài hoa sen, ngụ ý những người an nghỉ tại đây đều đã siêu thoát, đắc đạo. Ngôi mộ BS. Asaba Sakitaro được đặt ở khu trung tâm, cạnh đấy sừng sững tấm bia tri ân do chính cụ Phan Bội Châu dựng. Tấm bia tri ân cao 2,7m, rộng 0,87m, bệ cao 1m. Mặt bia khắc chữ theo lối cổ phong. Ngồi dưới chân bệ bia cùng vị khách Việt Nam, ông Amma kể tiếp câu chuyện liên quan đến tấm bia.

Đó là mùa xuân năm 1918, mùa hoa anh đào nở, Phan Bội Châu cùng một đồng chí là Lý Trọng Bá quay lại, trình bày việc làm bia tưởng niệm cho trưởng làng Okamoto Sanjiro nghe. Trưởng làng biết trong túi Phan hàn sĩ chỉ có số tiền ít ỏi, nên đề xuất huy động sức người, sức của dân làng. Công việc được tiến hành khẩn trương và tấm bia đá đã được hoàn tất trong vòng một tháng. Công trình đó được tạo nên bởi ý tưởng cùng 100 yên của cụ Phan và công sức của dân làng Umeyama. Hôm khánh thành bia, cả làng mở tiệc ăn mừng. Mặt trước tấm bia khắc chữ Hán cổ do chính cụ Phan cầm bút lông viết trên mặt đá và người thợ Nhật tạc: “Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang. Ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Than ôi! Nay chúng tôi sang mà đâu thấy Ngài, trời xanh, biển thẳm, cúi ngưỡng nào biết tỏ cùng ai, đành ghi mối xúc cảm này nơi bia đá...”.

Vậy là, qua phong trào Đông Du thập niên đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu đã đặt nền móng cho tòa lâu đài hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Trong bản Tự thuật, cụ đã trân trọng ghi lại: “Tôi đặc biệt viết ra đây để truyền lại cho đồng bào Việt Nam biết nghĩa cử của những người bạn Nhật Bản như thế này mãi mãi”.

Bệnh gút chào thua...

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế năm 1984, Phan Nhật Tĩnh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Rồi năm 1997 ông có bằng thạc sĩ, năm 2001 có học vị tiến sĩ toán học, lĩnh vực chuyên sâu là lý thuyết tối ưu. Những năm gần đây, ông cùng thầy hướng dẫn luận văn là GS.TSKH. Nguyễn Xuân Tấn thuộc Viện Toán học Việt Nam, có nhiều thành công trong nghiên cứu, các công trình của ông đều đặn đăng trên các tạp chí toán học có uy tín trong nước và quốc tế. Ông đã trở thành nhà toán học có tên tuổi của Đại học Khoa học Huế.

Là nhà toán tối ưu, trong đời thường Phan Nhật Tĩnh còn được bạn bè thân mật gọi là “Nhà... bóng bàn”. Sự thể thế này. Khi ngoài 40 tuổi, ông bị bệnh gút, các khớp đốt ngón tay, ngón chân đỏ tía và sưng tấy. Bác sĩ đã chỉ ra căn nguyên bệnh và cách chữa, cách phòng, ngoài uống thuốc, bác sĩ khuyên ông nên năng vận động. Có điều trùng hợp khá thú vị, thầy Nguyễn Xuân Tấn cũng bị bệnh gút và cũng yêu thích môn bóng bàn. Hình như tình yêu này của thầy đã lây sang trò. Đều đặn hằng ngày, cứ sau giờ làm việc buổi chiều, ông Tĩnh lại đến câu lạc bộ thể thao thành phố và đã tiến bộ từng ngày. Lối đánh của ông là phòng thủ bền bỉ, khi có điều kiện là tung ra cú giật hoặc bạt “cháy lưới”. Các thầy, cô ở trường và kể cả sinh viên những khóa gần đây, không có ai chơi bóng bàn hay được như thầy Tĩnh. Mới rồi ra Hà Nội thực hiện chương trình nghiên cứu ở Viện Toán cao cấp của GS.Ngô Bảo Châu hàng mấy tháng trời, ông không quên thủ sẵn cây vợt trong cặp. Cứ hết giờ là từ Viện Toán cao cấp đặt tại khuôn viên Trường đại học Bách khoa, ông đi xe máy đến Nhà văn hóa phường Hạ Đình thuộc quận Thanh Xuân, nơi có một câu lạc bộ bóng bàn để “tỉ thí”. Mải làm việc và chơi đều đặn thể thao, căn bệnh gút bị “thua” từ lúc nào!


Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn