Hà Nội

Câu chuyện của bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

06-04-2020 18:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi thân với gia đình của nhà giáo Dương Thắng có con là thạc sĩ, bác sĩ Dương Quốc Bảo - Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa. Ngay khi Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 (hôm 6/3), bác sĩ Bảo được huy động vào đội trực chiến của bệnh viện.

Kíp trực gồm có 9 nhân viên y tế, làm việc trong khu cách ly với nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho những người nghi nhiễm COVID-19, là những người tiếp xúc gần với ca dương tính được phát hiện tại Hà Nội (F1, F2). Bác sĩ Bảo cũng là người tư vấn (bằng tiếng Anh) cho ông bà Butler người Anh, đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17, được đưa vào cách ly tại BV Đống Đa... Cả hai vợ chồng đều là bác sĩ. Riêng bác sĩ Bảo thì 24/24 giờ ở bệnh viện để chăm sóc, điều trị người bệnh. Cứ 9 ngày mới một lần được về với con. Khi vợ đi trực thì hai con phải gửi ở nhà để bà ngoại, tuổi đã cao trông nom ngày này qua ngày khác. Nghe mà thương quá đi mất.

Tôi gọi điện hỏi thăm bác sĩ Bảo. Lúc đó là 12 giờ 45. Bác sĩ không nghe máy. 15 phút sau bác sĩ nhắn lại: “Em đang họp khoa, khoảng 2 giờ sau em gọi lại...”. Tự nhiên thấy rưng rưng, “giờ này vẫn còn chưa được nghỉ”.

Sau đó cuộc nói chuyện của tôi và bác sĩ Bảo có đoạn như sau:

“Thực thì những người như em cũng có điều kiện để kén chọn tìm cho mình một vị trí làm việc để có thu nhập tốt hơn nhưng hiện tại em đã công tác trong ngành truyền nhiễm được hơn 10 năm, cũng coi như có “duyên” với nghề, em vẫn tâm niệm rằng mình cần sống có ích cho xã hội. Nước mình nhiều người bệnh còn rất nghèo, điều kiện kinh tế eo hẹp, khó có điều kiện đến các bệnh viện tư, họ còn cần đến những người thầy thuốc như bọn em. Đó là động lực khiến bọn em tiếp tục công việc của mình...”.

Tôi biết, suốt quá trình dịch bệnh xảy ra, thời gian ở bệnh viện của bác sĩ Bảo ngày càng nhiều. Bảo đã tham gia các kíp chống dịch tại bệnh viện, đã cách ly tại bệnh viện để cùng chăm sóc những người bệnh, những người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Xác định đây là một bệnh mới, nguy hiểm với mức độ lây lan cao, nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế khá lớn, họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chống nhiễm khuẩn, mặc quần áo bảo hộ để có thể tránh lây nhiễm cho bản thân và đồng nghiệp cũng như người thân trong gia đình. Nhìn bộ bảo hộ khi làm việc của Bảo và của các bác sĩ trong khoa chống dịch của các bệnh viện, tôi lại thêm một lần cay mắt: vừa nặng, vừa bức bối, rất ức chế mà phải mặc thế suốt trong thời gian làm việc, nếu cởi ra mặc lại vừa rắc rối vừa mất nhiều thời gian...

Bức thư của ông bà Butler người Anh viết cảm nhận về những ngày cách ly tại Bệnh viện Đống Đa.

Bức thư của ông bà Butler người Anh viết cảm nhận về những ngày cách ly tại Bệnh viện Đống Đa.

Lời khuyên chân thành của bác sĩ trong mùa dịch COVID-19

Cũng với tất cả lo lắng của mình, tôi xin bác sĩ Dương Quốc Bảo một lời khuyên chân thành. Anh nói: “Không chỉ với riêng cô, em mong tất cả mọi người tuân thủ tốt những khuyến cáo của Bộ Y tế, tránh hoang mang, lo lắng, làm theo những thông tin thất thiệt trên mạng để gây hại cho bản thân. Đừng chủ quan, hãy thực hành tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay và cách ly cộng đồng trong thời điểm này, tuân thủ nghiêm túc là tránh được gánh nặng quá tải cho hệ thống y tế của chúng ta. Qua giai đoạn này, có lẽ mọi người sẽ thêm tin tưởng, tôn trọng hơn những “chiến sĩ áo trắng”, từ đó các y bác sĩ có thể  yên tâm làm việc trong tâm trạng thoải mái, không sợ bị hành hung, chửi mắng hay kỳ thị như trong thời gian gần đây...”.

Các bạn thấy thế nào khi nghe câu nói này? Một thạc sĩ, bác sĩ có kỹ năng, có tình yêu thương con người sẵn lòng làm việc trong một điều kiện còn chưa đầy đủ mà chỉ mong có được tâm trạng thoải mái...?

Nghe bác sĩ Bảo nói thế, tôi cập nhật luôn với bác sĩ những thông tin mà tôi có qua tương tác trên facebook. Dường như tất cả bạn bè của tôi, bạn bè của những người bạn của tôi nữa, con số có thể lên tới hàng triệu người trong những ngày này đều dành rất nhiều tình cảm với ngành y, với đội ngũ những người tham gia chống dịch. Tôi kể về các chương trình ủng hộ tài chính và vật dụng y tế của các doanh nghiệp, các văn nghệ sĩ, của nhân dân, của thanh niên và thiếu nhi đang diễn ra rất sôi nổi. Hơn lúc nào hết, các anh chị đang được tôn vinh.

Bức ảnh trong bài là bức thư của ông bà Butler người Anh, cùng chuyến bay với BN 17, cách ly tại Bệnh viện Đống Đa. Họ được các bác sĩ tại đây chăm sóc chu đáo, được bác sĩ Dương Quốc Bảo tư vấn bằng tiếng Anh. Trong bức thư có đoạn: “Trang thiết bị của bệnh viện ở đây rất khác với ở Anh, tuy nhiên chúng tôi đã có tất cả những gì chúng tôi cần. Chúng tôi đã phải khá vất vả vì vấn đề ngôn ngữ cho đến khi tìm được một bác sĩ nói được tiếng Anh, người đã giúp chúng tôi rất nhiều và cung cấp đầy đủ thông tin... Chúng tôi rất hiểu thực tế này, đây là điều cần làm trong hoàn cảnh hiện nay và chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả cán bộ ở đây đã chăm sóc chúng tôi rất tốt”.


Nhà văn Trần Thị Trường
Ý kiến của bạn