Câu chuyện của bác sĩ 21 năm trực Tết ở bệnh viện

10-02-2016 22:10 | Y tế
google news

SKĐS - Đã có 21 cái tết tôi trực ở bệnh viện. Trong 21 năm trời ấy, tôi đã nhìn thấy hàng vạn niềm hạnh phúc của người bệnh, nhưng cũng cảm thấy sự kiệt sức của nhân viên y tế...

Bác sĩ trực Tết- Bệnh viện Việt Đức. Nguồn video: VOV/Bác sĩ Nội trú/YouTube

Đã có 21 cái tết tôi trực ở bệnh viện. Trong 21 năm trời ấy, tôi đã nhìn thấy hàng vạn niềm hạnh phúc của người bệnh, nhưng cũng cảm thấy sự kiệt sức của nhân viên y tế khi phải đối mặt với khối lượng công việc vô cùng lớn trong điều kiện làm việc hết sức khắc khổ.

Cái tết đầu tiên là thời kì sinh viên năm thứ 2, tôi được phân công đi trực ngoại ở Bệnh viện Saint Paul. Công việc của sinh viên trực là giúp bác sĩ khám bệnh, làm hồ sơ bệnh án, tham gia làm tiểu phẫu và phụ mổ. Liên tục 24 tiếng đồng hồ không được ngủ nghỉ, đến ăn cũng phải tranh thủ cho thật nhanh, điều đó đã làm cho tôi kiệt sức vào 8 giờ sáng hôm sau. Từ bệnh viện trở về kí túc xá, tôi hoàn toàn mất phương hướng, lúc đầu còn đạp xe đi bên trái đường, chỉ đến khi có người mắng vốn thì tôi mới nhận ra sai lầm để chọn lại con đường trở về trong sự an toàn.

Dịp tết năm nay, ngày làm việc cuối cùng tôi cũng phải trực. Đúng 6 giờ 30 tôi bước ra khỏi nhà, ùn tắc giao thông cũng giống hệt những thách thức y tế, đường phố không mang lại cho tôi cảm giác thú vị. Nhìn đoàn người nối đuôi nhau xếp hàng chờ 15 phút chưa qua được nút ngã tư đèn đỏ, tôi lại hình dung trong bệnh viện cả trăm người xếp hàng chờ đến lượt khám. Trong đoàn người ấy, chỉ cần một sự vô ý thức rất nhỏ sẽ ngay lập tức gây ra vụ lộn xộn lớn, nó không chỉ nhấn chìm mọi sự kiên của nhẫn bất cứ ai, mà còn đưa đám đông vào tình trạng mất kiểm soát hết sức nguy hiểm.

Đang mải suy nghĩ về tua trực thì điện thoại trong túi đổ chuông, tôi biết chắc sẽ là cuộc gọi liên quan đến chuyên môn. Đó là một bệnh nhân ho ộc ra máu, mỗi lần khoảng 150ml. Anh bác sĩ là Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội đã chỉ huy tua trực trong đêm điều trị tích cực và theo dõi sát, bệnh nhân tiên lượng xấu dần nên sẽ chuyển gấp đến khoa tôi đề phòng can thiệp cầm máu…

Đúng 7 giờ 30, cả khoa có mặt đông đủ. Ngồi giao ban được 15 phút thì chúng tôi phải vào ngay vị trí làm việc, vì bệnh nhân đã chờ rất đông từ trước đó. Phòng điện quang can thiệp cả buổi sáng dành cho bệnh nhân hẹp mạch vành đe dọa nhồi máu cơ tim. Tiến sĩ Giang là Phó Giám đốc Bệnh viện, Tiến sĩ Đức phụ trách khoa, cùng tôi và 2 kĩ thuật viên sẽ căng sức làm cả buổi chiều. Có 1 bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối đang mong mỏi cái chết hơn là sự sống, 2 bệnh nhân xẹp thân đốt sống cấp phải đổ xi măng sớm giờ nào tốt giờ đấy. Bệnh nhân ho ra máu nguyên nhân do lao, chúng tôi quyết định trì hoãn đến cuối cùng để tránh lây cho bệnh nhân khác.

Lúc 18 giờ 30 phút, khi chúng tôi chưa kịp kết thúc thủ thuật đổ xi măng thân đốt sống cho một cụ già, thì bác sĩ dưới khoa chuyển bệnh nhân đến vì ho ra máu sét đánh liên tục 3 lần, tiên lượng dè dặt. Bắt tay làm thủ thuật, chúng tôi loay hoay 30 phút không đặt nổi cái kim vào lòng động mạch vì thành mạch máu đã bị xơ vữa toàn bộ. Nhìn bệnh nhân lưng còng như con tôm, chúng tôi biết sẽ là trở ngại lớn vì cấu trúc giải phẫu biến đổi rất khó lường.

Nhưng khó khăn chính chúng tôi đang đối mặt không phải là vấn đề chuyên môn. Nằm trên bàn mổ, bệnh nhân nắm tay chúng tôi cầu xin bác sĩ cứu mạng vì gia đình quá nghèo, đang nuôi 2 con đi học đại học nên không còn tiền chữa bệnh. Đây không phải là tình huống mới gặp, nó đã thành mãn tính đè lên trách nhiệm của chúng tôi trong nhiều năm qua, đặc biệt với những bệnh nhân ở nông thôn.

Chúng tôi vừa an ủi để bệnh nhân yên tâm, vừa cố gắng giải quyết vấn đề sao cho chi phí gảm xuống thấp nhất có thể. Ví dụ như, một ống thông bơm chất keo vào lòng mạch đang bị chảy máu, bình thường chỉ sử dụng một lần rồi vất đi, thì chúng tôi phải tính toán để làm sao dùng được đến lần thứ 3, đây quả là một thử thách.

Đồng hồ chỉ sang con số 21 giờ 30 phút, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì ca can thiệp phức tạp sau 3 tiếng đã thành công ngoài sự mong đợi cả về chuyên môn lẫn chi phí cho người bệnh. Thu xếp xong đồ đạc, mọi người ra về trong mưa lạnh đêm cuối năm, nhưng chắc chắn con tim ai cũng cảm thấy ấm nóng vì công việc.

Bếp ăn bệnh viện 22 giờ đêm đã đóng cửa, tôi pha tạm gói mì tôm chống đói để tiếp tục cùng các đồng nghiệp trực xuyên đêm với những ca bệnh nặng và khó. Đầu tiên là cuộc hội chẩn chính xác một ca bệnh quá nặng và hiểm hóc, sau đó vận động gia đình đồng ý cho mổ thay vì xin về nhà chờ chết. Cứ liên tục như thế, đến 3 giờ sáng y tá phòng khám cấp cứu thông báo khẩn cấp có ca tai nạn giao thông rất nặng. Tất cả các vị trí trực đều nhanh chóng ập đến, từ sinh viên trực đến bác sĩ khoảng 20 người.

Nạn nhân bị gãy xương đùi, người đi đường nhiệt tình đưa vào viện nhưng không đúng cách nên bị sốc. Bệnh nhân đã ngừng tim từ lúc nào không biết. Bác sĩ hồi sức cấp cứu cố gắng đưa ống thở vào miệng nạn nhân để cung cấp ôxy. Bác sĩ ngoại khoa tiêm trực tiếp Adrenalin vào tim và ép tim ngoài lồng ngực. Điều dưỡng viên kinh nghiệm nhất đã đưa được cây kim vào tĩnh mạch, máu được lấy ra để xét nghiệm và dịch được truyền vào xối xả. Kíp chẩn đoán hình ảnh cũng nhanh chóng xác định nạn nhân không bị vỡ tạng trong bụng và không tràn máu màng phổi. Sau 30 phút cấp cứu thì tim bệnh nhân đã đập trở lại nhưng không còn rõ ràng, đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm được. Điều tồi tệ nhất với bệnh nhân là nhịp tim đập thoi thóp theo hệ thần kinh thực vật, trong khi điện não đồ đã trở thành đường thẳng. Trong tình huống này, chúng tôi biết bệnh nhân đã chết trước khi chúng tôi tiến hành cấp cứu, nhưng bác sĩ vẫn phải tiến hành mọi thứ có thể bởi họ được đào tạo để chữa bệnh cứu người. Trường hợp bác sĩ phải đứng nhìn bệnh nhân tử trong tay mình, thì đó là một thất bại vô cùng đau đớn.

Đúng 8 giờ sáng hôm sau, là thời gian để tôi bàn giao tua trực. Sau 24 tiếng làm việc không ngừng nghỉ, tôi và các đồng nghiệp chỉ muốn bò về nhà và leo lên giường. Bước chân ra ngoài hành lang bệnh viện, tôi đã thấy nhân viên y tế đẩy cáng bệnh nhân đi chụp chiếu, dây truyền dịch lắp trên tay, cả chục người nhà hớt hải ôm đống đồ đạc đi theo sau. Chứng kiến cảnh ấy, tôi biết các đồng nghiệp của tôi lại có một ngày trực tết bận rộn và vất vả.

Tôi sẽ trở lại bệnh viện vào 8 giờ sáng ngày mùng 3 tết để tiếp tục một phiên trực đầu năm mới mà tôi biết là sẽ vất vả hơn rất nhiều…


BS. Trần Văn Phúc (BV Saint Paul)
Ý kiến của bạn