Câu chuyện cổ tích của bé gái chào đời nặng 2500g

26-12-2018 14:20 | Camera bệnh viện

SKĐS - Mang thai lần đầu với nhiều bỡ ngỡ, đến tuần thai thứ 25 thì chị có biểu hiện cạn ối sớm, thai suy dinh dưỡng, chậm phát triển. Từ đó đến nay vợ chồng trẻ đã trải qua nhiều cảm xúc thất vọng, lo lắng và như câu chuyện cổ tích đủ 38 tuần vợ chồng chị đã đón bé gái trào đời từ tay các bác sĩ trong hạnh phúc vỡ oà.

Ngày 15 tháng 12 năm 2018, niềm hạnh phúc vô bờ đã đến với vợ chồng anh Phí Văn Hoan và chị Đoàn Thị Vui, ở Tân Thành, Dương Kinh, Hải Phòng khi anh chị đón đứa con gái đầu lòng sau ca sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

Chị Vui cho biết: chị mang thai lần đầu, đến tuần thai thứ 25 thì có biểu hiện cạn ối sớm, thai suy dinh dưỡng, chậm phát triển. Được bác sĩ sản khoa giải thích, chị biết cạn ối sớm là một hiện tượng bất thường trong sản khoa có thể gây ra nhiều nguy cơ như: suy thai, thiểu sản phổi, thận, gây dị tật, biến dạng thai nhi… Hoang mang, thất vọng, lo lắng, nhưng niềm khát khao được làm mẹ luôn cháy bỏng hơn bao giờ hết chị mong muốn giữ được đứa con đầu lòng thành quả hạnh phúc của anh chị, chị Vui đã đến Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện là người trực tiếp khám và điều trị bằng phương pháp truyền ối, đây là một phương pháp hiện đại điều trị cho các thai phụ cạn ối mà các nước phát triển đang thực hiện. Sau 14 ngày điều trị với 03 lần bơm ối dưới hướng dẫn của hệ thống siêu âm sản khoa 5D hiện đại, mức ối của chị Vui đã trở về bình thường, em bé tiếp tục phát triển.

Đủ 38 tuần, ngày 15 tháng 12 năm 2018 chị Vui có dấu hiệu chuyển dạ, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm đã quyết định mổ lấy thai, ca mổ diễn ra thuận lợi, anh chị Hoan – Vui đã đón nhận bé gái đầu lòng nặng 2500gram, hoàn toàn khỏe mạnh trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình.

Sau khi được cấp cứu kịp thời, chị Vui sinh con ở tuần 38 trong niềm vui vỡ òa. Ảnh: BVCC

Theo các chuyên gia sản khoa, cạn ối (thiểu ối) là khi lượng nước ối giảm so với lượng nước ối bình thường tính theo tuổi thai và ở dưới đường percentile thứ 5. Tỷ lệ thiểu ối khoảng 0,4 - 3,9%. Thường thai phụ được khuyến cáo uống nhiều nước, tăng cường dinh dưỡng để khắc phục tình trạng thiểu ối... tuy nhiên hiệu quả không cao. Truyền ối là kỹ thuật được mô tả lần đầu điều trị cho các trường hợp thiểu ối nặng nhằm giảm nguy cơ thiểu sản phổi của thai tại Nhật Bản (Nakayama et al, 1983). Từ đó đến nay, truyền ối được xem như một trong các kỹ thuật can thiệp bào thai để điều trị bệnh lý thiểu ối. Tuy nhiên, đây là phương pháp đòi hỏi kỹ thuật thực hiện yêu cầu độ vô khuẩn và chính xác cao nên không phải bệnh viện nào cũng áp dụng được.

Đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã thực hiện 10 ca truyền ối, trong đó 4 ca sinh thành công với 4 trẻ khỏe mạnh bình thường, 6 ca còn lại thai nhi phát triển bình thường đang chờ đến ngày sinh.

Theo các chuyên gia sản khoa, thường các bà mẹ cạn ối sớm khi chưa đến kỳ sinh có thể được điều trị bằng cách truyền dung dịch sinh lý đường tĩnh mạch nhằm tăng cường tuần hoàn tử cung rau; thai phụ được khuyến cáo uống nhiều nước, tăng cường dinh dưỡng... tuy vậy hiệu quả không cao.

Nếu các phương pháp này không cải thiện, thường sẽ phải chấm dứt thai kỳ sớm, khi đó, tiên lượng sống của bé hoàn toàn phụ thuộc vào tuổi thai, sự phát triển các cơ quan, khả năng điều trị sơ sinh …

Chính vì thế, phương pháp truyền ối bằng cách truyền chậm một lượng dung dịch sinh lý vào buồng ối thai nhi giúp tăng thể tích ối đem lại hiệu quả chắc chắn và rõ rệt. Đây là phương pháp đòi hỏi kỹ thuật thực hiện yêu cầu độ vô khuẩn và chính xác cao nên không phải bệnh viện nào cũng áp dụng được.


Lê Trần
Ý kiến của bạn