Hà Nội

Câu cá ..."Lộc", nghề độc ở phố

29-03-2014 13:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nghề câu cá... “lộc” nghe tưởng chuyện tầm phào của cánh xe ôm rỗi khách “chém gió” ở một quán trà đá vỉa hè hóa ra lại có thật.

Vào thời điểm khi lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán, vàng đang ở đỉnh cao đã có rất nhiều “đại gia” tìm đến thú chơi cá cảnh bạc tỷ, coi đó như một thứ phong thủy để “trấn” công việc làm ăn của mình mãi phát tài, phát lộc. Khi nền kinh tế sa sút, công việc làm ăn không thuận thì không ít “đại gia” lại đổ cho con vật trấn yểm này không hợp mệnh mình nên thẳng tay thả bỏ ra sông, ra hồ để... xua vận rủi. Và trong cái rủi lại có cái... hay.

Anh Hưng chăm chú theo dõi động tĩnh từ phao câu.

Anh Hưng chăm chú theo dõi động tĩnh từ phao câu.

Rủi người này thành vận may kẻ khác!

Nghề câu cá... “lộc” nghe tưởng chuyện tầm phào của cánh xe ôm rỗi khách “chém gió” ở một quán trà đá vỉa hè hóa ra lại có thật. Lạ nữa là chẳng phải ở đâu xa xôi mà ngay chính giữa chốn phồn hoa náo nhiệt Hà thành. Qua thông tin từ một số “cần thủ” tại Câu lạc bộ câu cá Hà Nội, tôi đã có được số của anh Hưng - một trong những người chuyên làm nghề câu cá... “lộc” và được anh mời tham gia một chuyến đi câu cá... “lộc” thực tế. Mấy ngày hôm nay, thời tiết Hà Nội không mấy dễ chịu, mưa phùn suốt mấy tuần, độ ẩm cao... Theo anh Hưng thì thời tiết này đến loại cá dễ cắn câu nhất như rô phi cũng chẳng muốn đi kiếm ăn chứ chẳng nói đến mấy loại cá cảnh phong thủy (cá nhà giàu - PV). Vừa giúp anh Hưng trộn mồi câu, thính câu..., tôi vừa tò mò hỏi anh Hưng loại cá mà các anh thường “săn” thuộc dòng giống gì mà “chảnh” ăn vậy. Vừa giã hạt ngô đã luộc chín trộn với thính gạo rang cùng tép khô, anh Hưng vừa giải thích: Loại cá trong nghề câu cá... “lộc” nhằm tới chính là những loại cá cảnh phong thủy mà trước đây chủ nhân của chúng là những người có tiền, thậm chí là những “đại gia” trong lĩnh vực nhà đất, chứng khoán, ngân hàng... thường mua về chơi. Ngoài các loại cá chép râu rồng, cá rồng, cá hải tượng... với giá trị từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng được các chủ gia “rước” về để cầu lộc, cầu tài, tuy nhiên, khi công việc làm ăn không mấy thuận lợi thì những con cá này lại bị coi là “tội đồ”, “khắc chủ”, gây ra vận rủi nên không ít các chủ gia thẳng tay đem thả... trôi sông, trôi hồ. Sau một tiếng cười dài đầy khoái chí, anh Hưng đưa cổ tay quệt quệt ngang mũi nói: Trong cái rủi lại có cái... hay. Mình đi “săn” lại những con cá bị hắt hủi này, nếu “trúng” được con cá có giá trị đem bán cũng được tiền triệu ấy chứ! Nhưng không phải dễ đâu, có khi ôm cần, phục mấy ngày chẳng được con nào. Nếu có cũng lại là mấy con cá “truyền thống” loại rô, trắm, trôi vớ vẩn...

Niềm vui đánh được cá chép râu rồng.

Niềm vui đánh được cá chép râu rồng.

Địa điểm hôm nay tôi cùng anh Hưng “săn” cá... “lộc” chính là hồ Thủ Lệ (trên đường Kim Mã). Cũng theo lời của anh Hưng, không phải hồ nào ở Hà Nội cũng có loại cá... “lộc” bởi dù bị chủ hắt hủi, song những con cá vốn được coi là phong thủy này vẫn được chủ nhân của chúng chọn những hồ nước sạch, trong, đông người qua lại và được biết đến là những địa điểm “vàng” như hồ Giảng Võ, hồ Thủ Lệ, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu... và không phải hồ nào cũng được phép câu. Nếu để ý thì không ít trong các hồ này đều rất gần một quần thể đền chùa nào đấy ví như hồ Thủ Lệ sát vách đền Voi Phục, Hồ Tây thì trong quần thể nhiều đền chùa nổi tiếng Hà Nội... Phải chăng chủ nhân của chúng thả có chủ ý!!??

Nghề lắm công phu

Sau một hồi trộn thính câu và chuẩn bị mồi câu, anh Hưng chọn một vị trí thích hợp trong khuôn viên hồ Thủ Lệ và “đóng ổ” thính nhằm dụ cá vào. Quan sát các thao tác có thể thấy anh Hưng là một “cần thủ” rất chuyên nghiệp. Theo anh Hưng, câu cá... “lộc” cũng có nhiều điểm giống với đi câu cá thông thường - đó là phải chuẩn bị kỹ về mồi, về cần cho mỗi loại cá, song đối với câu cá... “lộc” thì đòi hỏi ở mồi câu khắt khe hơn rất nhiều, ngay cả tính kiên trì, độ lì cũng cần “bền” hơn và phải “cực son” may ra mới trúng được cá... “lộc”. Nói riêng về làm mồi câu, anh Hùng chia sẻ: Mỗi cần thủ có một bí quyết riêng làm mồi, làm thính riêng và chẳng ai giống ai. Bản thân những loại cá phong thủy này trước đó do được nuôi dưỡng trong những gia đình có điều kiện nên chúng “chảnh ăn” lắm, do vậy, mồi và thính phải làm rất cẩn thận, thực sự hấp dẫn thì may ra mới dụ được chúng vào ổ thính để “đánh”. Bản thân anh cũng có loại mồi câu của riêng mình sau khi tìm tòi trên mạng, qua kinh nghiệm bao nhiêu năm và học hỏi từ các bạn câu khác.

Một số nguyên liệu chuẩn bị làm ổ thính câu.

Một số nguyên liệu chuẩn bị làm ổ thính câu.

Đơn giản mồi để “đánh” cá chép râu rồng hoặc cá ngân long của anh bao gồm gần 17 thành phần, trong đó có những thành phần không thể thiếu như khoai lang Nhật, mè trắng, đậu phụng, bơ Na Uy, sữa bột cho trẻ em, viên C sủi vị chanh, tôm khô... Khoai lang nấu chín, nghiền nhuyễn, mè trắng và đậu phụng rang xay nhuyễn, tôm khô xay nhuyễn, viên C cũng nghiền nhuyễn rồi tất cả trộn lại thành một cục chất dẻo. Chưa hết, trước lúc câu phải trộn thêm ít trứng kiến. Trong các loại kể trên, bơ Na Uy là đắt nhất, một hộp nhỏ bằng hộp sữa chua cũng có giá khoảng 200 ngàn, tôm khô cũng không rẻ. Anh Long nói vui, đây là mồi “vạn năng”, chuyên câu các loại cá cỡ lớn. Cá chép râu rồng là loại thông minh nhất mà vẫn bị dính thì các loại cá khác coi như xong. Mỗi buổi câu, anh Hưng tốn khoảng 100 ngàn cho tiền mồi, tiền vé “lo lót” để được vào câu. Ngoài loại mồi tổng hợp trên còn có các loại khác đơn giản hơn như dế mèn, nhộng ong vò vẽ, giun, gan các loại động vật... và chúng cũng có giá vài trăm ngàn/kg. Ngoài ra, người đi săn cá... “lộc” cũng cần phải chuẩn bị cần, dây câu và lưỡi câu đúng chủng loại (thường là loại lưỡi nhỏ) bởi nếu dùng lưỡi chùm hoặc phi tiêu để đánh nếu có trúng cá... lộc thì khi “dong” được cá lên bờ, con cá đó sẽ dính thương tích rất nặng, có bán cũng chẳng ai mua. Cùng với đó cần tìm hiểu về điều kiện sinh thái của hồ như độ nông sâu, rắc thính trên mặt nước trước khi buông cần... Đang dở câu chuyện, theo phản xạ, anh Hưng đánh mắt về phía ổ thính, đồng thời hất hàm về phía tôi như ra tín hiệu cá đang vào ổ. Là dân không chuyên nên dù có nhìn chằm chằm vào cái phao to tướng đang nổi dềnh trên mặt nước tôi cũng chẳng phân biệt được cá đã cắn câu hay chưa. Thấy phao động dữ, tôi thắc mắc sao không giật, anh Hưng lắc đầu: Cá nheo đấy, không phải chép râu rồng đâu. Tôi hỏi sao anh biết, anh Hưng giải thích: Bọn nheo khi vào ổ thính thường vục đầu xuống sục mồi lên, phao có độ dềnh lên xuống rất rõ. Nhưng nếu là chép râu rồng thì chúng thường bơi lởn vởn quanh ổ thính khảo sát, nếu thấy mồi ngon, chúng đớp ngay và kéo phao tụt hun hút, khi đó, cần thủ chỉ việc nhả dây câu, dùng kỹ thuật “dong” cá đến khi cá mệt sẽ lấy vợt lưới vớt lên bờ. Anh Hưng cũng kể, tại hồ này, cuối dịp Tết vừa qua, một cần thủ ở Từ Liêm sau 3 ngày đặt ổ thính và ngồi phục đã may mắn đánh được con hải tượng gần 6 cân. Mấy tay chơi cá nghe tin đến trả hơn 30 “củ” (30 triệu - PV), tuy nhiên, cần thủ này không muốn bán lộc trời cho nên đã đem về nuôi. Cũng theo một cần thủ chuyên đi câu cá lộc cho biết: Trước đây, dân câu thường đánh được các loại cá chép lạ, chẳng hạn cá chép không vảy hoặc trên thân có chỗ có vảy, có chỗ không có vảy, hoặc thân thể loang lổ nhiều màu sắc. Nhiều người lần đầu nhìn loài chép này thấy lạ, thậm chí sợ hãi, cho đó là cá ma hoặc thần thánh, song thực tế, chúng hoàn toàn là cá bình thường. Theo anh Hưng, loài chép không vảy, thân thể loang lổ là loài chép được lai tạo giữa chép Hungari, chép Việt Nam và chép Indonesia. Được biết, vào năm 1972, các nhà khoa học Hungari đã tặng Viện Nghiên cứu thủy sản I (ở xã Đình Bảng, Bắc Ninh) 4 cặp cá chép có nguồn gốc từ Hungari. Loài chép này mình ngắn, nhẵn nhụi, không có vảy, lớn nhanh, ăn tạp, sống khỏe. Vì chép Việt màu hồng, chép Hungari màu đen nên khi bị đột biến sắc tố sẽ cho ra một loài có màu sắc loang lổ như vậy. Cũng chính từ màu cá chép sặc sỡ, lớn nhanh, sống khỏe nên vào những dịp lễ ông Công, ông Táo, người dân thường mua loại chép này về cúng, sau đó phóng sinh ra hồ, ao nên đối với dân chuyên câu cá... “lộc” thì đánh được những con cá này cũng coi như trúng lộc trời cho dù giá bán loại cá này thấp hơn nhiều nếu so với các loại cá phong thủy khác. 

Bài, ảnh: Vi Hoàng Minh

 


Ý kiến của bạn