Cậu bé Hoàng Phú Thiện, 5 tuổi, ngụ ấp Chợ, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, con của anh Hoàng Phú Lộc và chị Phạm Thị Thu, mắc bệnh tự kỷ từ nhỏ. Ấy vậy mà, ngay từ khi mới lên 2 tuổi, bé Thiện đã làm cho người thân, hàng xóm phải nể phục vì trí thông minh khác thường của mình. Không chỉ đọc, viết lưu loát, bé Thiện còn có khả năng vẽ tranh, thậm chí đọc cả tiếng Anh.
Lúc đầu sự việc bé Thiện có khả năng khác thường ít ai tin, đặc biệt là các thầy cô giáo Trường mầm non Tân Tiến, nơi Thiện “học”. Ai cũng cho rằng, với một cậu bé thường xa lánh bạn bè, mắc bệnh tự kỷ, thì không thể nào lại thông minh đến thế. Tuy nhiên, khi phát hiện ra khả năng của bé Thiện, mọi người đều phải ngạc nhiên, trầm trồ, thán phục.
Cô Giang Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Tiến (xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước) cho biết, bé Thiện được gửi vào trường từ năm ba tuổi, lúc đầu ai cũng nghĩ bé là một bé trai bình thường, nhưng khi đi vào lớp, Thiện chỉ chơi một mình, ở một góc lớp. Khi trao đổi với bố mẹ bé, trường được biết là Thiện bị bệnh chậm phát triển về trí tuệ. Nhưng điều lạ là tại sao cháu lại thông minh khác thường so với các trẻ khác. Khi cô giáo mở chương trình trình chiếu powerpoint, lập tức bé Thiện đứng lên đọc được tất cả các chữ trên bảng. Mở màn hình bằng tiếng Anh, Thiện cũng đọc rất thành thạo bảng chữ cái và các từ chỉ các loại cây, hoa quả...
Chị Thu cho biết: Ngay từ nhỏ, bé Thiện chỉ lủi thủi một mình, suốt ngày ôm lấy sách, viết; hết đọc sách đến viết chữ, vẽ tranh. Bé Thiện chậm nói, mãi tới 28 tháng tuổi mới bắt đầu nói từng tiếng một. Nhưng từ khi biết nói, bé đã biết đọc ngay, không chỉ đọc tiếng Việt mà ngay cả các bảng chữ cái tiếng Anh, Thiện cũng đọc khá rành rọt.
“Thấy bé có biểu hiện khác thường, gia đình tôi bàn nhau gửi cháu vào trường mầm non với hy vọng cháu sẽ thay đổi, có thể hòa nhập với cộng đồng. Một thời gian, thấy bé không thay đổi nhiều nên vợ chồng tôi đưa con đến Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh khám bệnh. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 chẩn đoán bé bị bệnh tự kỷ, trí tuệ chậm phát triển. Bác sĩ khuyên gia đình cần can thiệp âm ngữ và sử dụng hình ảnh để tăng cường giao tiếp, can thiệp tâm vận động để cải thiện rối loạn điều hòa cảm giác, cải thiện hành vi không phù hợp, giúp trẻ hòa nhập xã hội..." - chị Thu nói.
BS Trần Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: Với biểu hiện lủi thủi một mình, suốt ngày ôm lấy sách, viết, hết đọc sách đến viết chữ, vẽ tranh… có thể cháu Thiện bị tự kỷ chứ không phải chậm phát triển trí tuệ. Nếu chậm phát triển trí tuệ thì trẻ học tập kém, khó có khả năng vẽ tranh, đọc tiếng Anh… Bệnh tự kỷ là một nhánh bệnh của chứng rối loạn phát triển lan tỏa phức tạp, bệnh nhi dù chậm phát triển trong giao tiếp về mặt ngôn ngữ, xã hội; nhưng ở một số lĩnh vực nhất định lại có thể phát triển vượt trội.