Bệnh nhân kể đã phát hiện khối cứng ở phần đầu dương vật của mình ba tháng nay, khối to dần kích thước, mỗi khi dương vật cương lên thì đau tức, khó chịu và dương vật bị cong lệch sang một bên. Bệnh nhân lo mình bị khối u ở dương vật nên tới khám.
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị xơ cứng vật hang hay còn gọi là bệnh Peyronia. Đây là tình trạng xơ hóa của các mô sẹo tại bao trắng của vật hang, dẫn tới sự co cứng lại của bao trắng vật hang, kết quả là dương vật bị cong veo và có thể gây đau khi dương vật cương cứng.
Bệnh được mô tả lần đầu bởi Francois Gigot de LaPeyronie, một phẫu thuật viên người Pháp vào năm 1743, trên một bệnh nhân nam có nhiều tổ chức sẹo giống "tràng hạt" dọc theo dương vật và gây cong dương vật khi cương. Tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 0.3 - 13.1% và bệnh thường gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi.
1. Nguyên nhân nào gây bệnh Peyronia?
Nguyên nhân của bệnh Peyronie hiện nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu cho rằng bệnh có thể là kết quả từ các chấn thương lặp đi lặp lại. Ví dụ như dương vật có thể bị tổn thương trong quá trình quan hệ tình dục, hoạt động thể thao hoặc do gặp tai nạn. Trong quá trình các chấn thương hồi phục, mô sẹo cũng có thể hình thành một cách vô tổ chức gây phát triển độ cong ở dương vật.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng bệnh Peyronie có thể do một số bệnh tự miễn gây ra. Thông thường, hệ thống miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi bị nhiễm trùng bằng cách xác định và tiêu diệt các vi khuẩn, virus và các chất lạ có thể gây hại khác khi chúng xâm nhập.
Khi mắc bệnh tự miễn dịch, hệ miễn dịch có thể nhầm lẫn và tấn công các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, do đó bệnh Peyronie có thể phát triển nếu các mô của bao trắng vật hang bị các tế bào miễn dịch tấn công, gây ra tình trạng viêm và tạo sẹo.
2. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Peyronie
Các chấn thương nhỏ ở dương vật không phải lúc nào cũng dẫn đến bệnh dương vật cong. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác nhau có thể góp phần làm tích tụ mô sẹo trong quá trình có thể tự chữa lành vết thương như:
- Yếu tố di truyền: Nếu cha hoặc anh em đang có bệnh dương vật cong, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh;
- Rối loạn mô liên kết: Những bệnh nhân bị rối loạn mô liên kết có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Tuổi tác: Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo độ tuổi, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng tăng
- Lối sống không lành mạnh: Lạm dụng bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích
- Mắc các bệnh lý toàn thân: Đái tháo đường, bệnh tim mạch, huyết áp, rối loạn chuyển hóa, các bệnh tự miễn…
3. Biểu hiện và triệu chứng bệnh Peyronia
Bệnh nhân có bệnh lý Peyronie có thể có các triệu chứng sau:
- Đau tại dương vật khi cương
- Cong dương vật, góc cong có thể thấy rõ khi dương vật cương tối đa
- Sờ thấy mảng xơ của dương vật tại vị trí cong nhất khi dương vật ở trạng thái mềm. Vị trí thường xuất hiện mảng xơ là đường giữa mặt lưng của bao trắng vật hang và làm cho dương vật cong lên trên. Mảng xơ đôi khi có thể phát triển vòng quanh chu vi của cân trắng. Hiếm thấy mảng xơ nằm ở mặt bụng dương vật.
- Biến dạng hình đồng hồ cát tại vị trí mảng xơ
- Rối loạn cương dương do không đạt đủ độ cương cứng
- Khó khăn khi giao hợp do dương vật cong khó đưa vào dương vật.
4. Điều trị bệnh Peyronia
Bác sĩ có thể yêu cầu theo dõi diễn tiến bệnh mà chưa cần điều trị nếu:
- Độ cong dương vật không nghiêm trọng (< 30 độ)
- Không đau khi quan hệ tình dục
- Chỉ đau nhẹ khi cương cứng
- Vẫn có thể cương cứng bình thường
Nếu các triệu chứng nặng hoặc xấu đi, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Thuốc:
Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giúp làm giảm độ cong, kích thước sẹo và tình trạng viêm ở dương vật. Các loại thuốc này có thể uống hoặc tiêm trực tiếp vào phần sẹo ở dương vật.
- Các loại thuốc uống bao gồm:
- Vitamin E;
- Potassium para-aminobenzoate (Potaba);
- Tamoxifen;
- Colchicine;
- Acetyl-L-carnitine.
- Các loại thuốc tiêm bao gồm:
- Verapamil;
- Interferon alpha 2b;
- Steroid;
- Collagenase (Xiaflex).
- Phẫu thuật:
Được chỉ định khi sự biến dạng ở dương vật quá nghiêm trọng, gây khó chịu hoặc khó khăn trong hoạt động tình dục. Có các phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh Peyronia như: khâu gấp nếp vật hang, rạch/cắt mảng xơ và vá che phủ, đặt vật hang nhân tạo.
- Một số phương pháp khác:
- Liệu pháp ion hóa sử dụng một dòng điện yếu để tiêm verapamil và dexamethasone qua da;
- Sử dụng sóng âm thanh cường độ cao để phá vỡ các mô sẹo (điều trị sóng xung kích);
- Sử dụng các thiết bị để kéo dài dương vật (điều trị kéo dương vật);
- Sử dụng các thiết bị chân không.