Hà Nội

Catalonia quyết tuyên bố độc lập: Tây Ban Nha 'cận kề' nguy cơ nội chiến?

10-10-2017 09:23 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo kế hoạch, 18 giờ ngày 10/10 (theo giờ địa phương), Chủ tịch vùng Catalonia, Tây Ban Nha ông Carles Puigdemont có bài phát biểu quan trọng trước Nghị viện, theo đó ông sẽ đơn phương tuyên bố vùng Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Tuyên bố mới nhất trên được đưa ra một ngày sau khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ra lệnh đình chỉ phiên họp dự kiến vào ngày 9/10 của cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia với việc Thủ hiến Puigdemont sẽ đơn phương tuyên bố độc lập.

Trước đó, hôm 1/10, bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo vùng Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Kết quả trưng cầu ý dân có trên 42% cử tri Catalonia đi bỏ phiếu và khoảng 90% trong số đó đồng ý ly khai.Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân này là hành động vi hiến, đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của Liên minh châu Âu (EU). EU và nhiều thành viên khác của EU cũng phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu ý dân của vùng Catalonia.

Một người dân Catalonia ủng hộ độc lập.


Chính trường Tây Ban Nha diễn biến hết sức phức tạp trong tuần qua, khi chính quyền trung ương Tây Ban Nha cương quyết giữ thái độ cứng rắn, không chấp nhận đàm phán và đe doạ sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn cản ý định ly khai của vùng Catalonia. Các sinh hoạt và hoạt động vùng Catalonia bị xáo trộn trước kịch bản vùng này đòi độc lập. Nhiều tập đoàn lớn ở Barcelona dọa sẽ dời trụ sở nếu như vùng lãnh thổ này tách khỏi Tây Ban Nha. Cùng thời điểm, dư luận tại Catalonia cũng như trong nội bộ lãnh đạo vùng này cũng xuất hiện nhiều chia rẽ. Hôm Chủ nhật 8/10, đúng 1 tuần sau cuộc trưng cầu ý dân, gần 1 triệu người đã đổ xuống các đường phố ở thủ phủ Barcelona biểu tình phản đối việc vùng Catalonia ly khai và kêu gọi bảo vệ sự thống nhất của nhà nước Tây Ban Nha. Nhiều chính trị gia tên tuổi tại Catalonia cũng lên tiếng phản đối ý định đơn phương ly khai. “Vùng Catalnonia chỉ có thể tuyên bố độc lập trên nền tảng một cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp, trong khi sự kiện bỏ phiếu hôm 1/10 là bất hợp pháp”, bà Ada Colau, Thị trưởng thành phố Barcelona tuyên bố hôm 09/10. Bà Ada Colau cảnh báo nếu chính quyền Trung ương Madrid kích hoạt điều 155tước đi một phần hoặc toàn bộ quyền tự trị của Catalonia, thì đó sẽ là một cuộc khủng hoảng chính trị thực sự.

Hệ lụy nguy hiểm

Sức ép gia tăng từ phía người dân và từ chính nội bộ cũng như chính quyền trung ương Tây Ban Nha đang đẩy Thủ hiếnCatalonia ông Carles Puigdemont đứng trước một tình thế rất bất lợi.Nếu ông Puigdemont không dám tuyên bố Catalonia độc lập như các lời quả quyết những ngày qua thì uy tín của ông này cũng như sức mạnh của phong trào ly khai chắc chắn sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng nếu đơn phương tuyên bố Catalan độc lập thì chắc chắn chính quyền Catalonia và cá nhân ông Puigdemont sẽ phải hứng chịu phản ứng quyết liệt từ phía chính quyền trung ương Tây Ban Nha.

Chia rẽ chính trị đang xuất hiện tại Tây Ban Nha.

Một khi lời tuyên bố độc lập được đưa ra, chính quyền Tây Ban Nha có thể ngay lập tức áp dụng điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha, tước bỏ quyền tự trị của vùng Catalonia và trực tiếp nắm quyền kiểm soát khu vục này. Thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng, Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy có thể yêu cầu Nghị viện nước này ban bố tình trạng khẩn cấp theo điều 116 Hiến pháp và khi đó, tình thế chính trị tại Catalonia chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ.

Trong một diễn biến mới nhất, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria khẳng định, chính phủ sẽ đưa ra bất cứ biện pháp nào cần thiết trong trường hợp chính quyền vùng Catalonia tuyên bố đơn phương độc lập.    Theo bà Soraya Saenz de Santamaria một tuyên bố độc lập sẽ không có bất cứ tác động nào và Madrid sẽ hành động ở tất cả các cấp để ngăn ngừa điều này xảy ra.    “ Người đứng đầu vùng Catalonia  đang tiến về phía vực thẳm”.

Giới phân tích cho rằng giải pháp duy nhất hiện nay là vùng Catalania và chính quyền trung ương Tây Ban Nha đàm phán. Tuy nhiên, mọi việc trở nên bế tắc khi Madrid tuyên bố điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đối thoại là Catalonia phải từ bỏ mọi ý định tuyên bố độc lập.

Hiện mọi ánh mắt đang đổ dồn vào EU, nhưng khối này vẫn tiếp tục giữ thái độ không can dự, khi cho rằng đây là công việc nội bộ của Tây Ban Nha và cần phải giải quyết trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp Tây Ban Nha. Vì thế, một kịch bản mới đang được cân nhắc, đó là Catalonia vẫn tuyên bố độc lập nhưng lùi hiệu lực của tuyên bố này đến vài tháng sau để mở đường cho các cuộc đối thoại. Từ nay đến đó, chính trường Tây Ban Nha dự báo sẽ tiếp tục nổi nhiều cơn sóng lớn.


N.Minh
Ý kiến của bạn