Hà Nội

Cắt xén bữa ăn bán trú của học sinh: Xử lý những người liên quan thế nào?

20-12-2023 10:27 | Xã hội

SKĐS - Liên quan đến vụ việc 11 học sinh ăn chung 2 gói mì tôm tại Lào Cai gây bức xúc dư luận, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm những người có liên quan để tình trạng này không còn xảy ra.

Lo lắng về bữa ăn bán trú sau vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm

Là một phụ huynh có hai con đang trong độ tuổi đến trường, chị Phạm Minh Hường (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ rất lo lắng và phẫn nộ và không thể nghĩ rằng ở một ngôi trường dân tộc nội trú lại có hiện tượng nhẫn tâm cắt xén bữa ăn của học sinh như thế này.

"Thật bất an và lo lắng với những bữa ăn bán trú ở các trường vùng cao nói riêng và ở các trường có học sinh ăn bán trú nói chung. Nếu sự việc ở Lào Cai là đúng sự thật thì mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh về hành vi trên để đòi lại quyền lợi cho các em. Không thể để xảy ra thêm bất cứ một trường hợp nào tương tự nữa".

Cắt xén bữa ăn bán trú của học sinh: Xử lý những người liên quan thế nào?- Ảnh 1.

Hình ảnh bữa ăn được cho là thiếu khẩu phần của các em học sinh - Ảnh chụp màn hình VTV.

Sau khi xem những hình ảnh 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm nấu loãng chan với cơm tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, (tỉnh Lào Cai), cô Nguyễn Kim Dung - giáo viên một trường THPT tại Phú Thọ rất xót xa và cảm thấy xấu hổ thay cho những người làm nghề giáo. "Tôi không thể tưởng tượng học sinh vùng cao lại phải chịu cảnh này và cũng không thể tưởng tượng được việc nhà trường còn đưa cả rau thối hỏng vào bữa ăn hàng ngày của các em. Đây là việc làm thiếu đạo đức của một người thầy.

Những học sinh thuộc vùng khó khăn, đã phải ở nội trú, đã phải nhận hỗ trợ của Nhà nước vậy mà những người làm công tác ở ngôi trường này lại nỡ "nuốt chửng" cả thực đơn bữa ăn của học sinh. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị và nếu có sai phạm thì phải xử lý hình sự để không còn tình trạng này xảy ra".

Hành vi cắt xén bữa ăn của học sinh có thể bị xử lý hình sự

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Tạ Phương cho biết, khi phát hiện tình trạng cắt xén suất ăn của học sinh thì trước tiên, hiệu trưởng và ban giám hiệu phải chịu trách nhiệm sau đó đến các cán bộ, bộ phận nhà bếp… "Về vấn đề này, nếu tồn tại tiêu cực xảy ra thì cần sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý, giải quyết, làm rõ vai trò của từng người trong việc ăn bớt, cắt xén thức ăn của học sinh. Phải làm rõ trách nhiệm ai là người hưởng lợi số tiền chiếm đoạt, chiếm đoạt bao nhiêu để xem xét xử lý theo quy định pháp luật thì mới xác định được sai phạm có tổ chức hay không".

Theo luật sư Tạ Phương, việc cắt xén bữa ăn là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Có thể thấy hành vi này có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản. Nếu có căn cứ cho rằng, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thì có thể sẽ xử lý hình sự.

Căn cứ tại điều 360 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thì hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 6 tháng - cao nhất là 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Nếu có căn cứ cho rằng người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thì có thể sẽ xử lý hình sự.

Cắt xén bữa ăn bán trú của học sinh: Xử lý những người liên quan thế nào?- Ảnh 2.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, (tỉnh Lào Cai).

Căn cứ tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội tham ô tài sản thì người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng đến 500 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội theo quy định (trong BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017) mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mức phạt tù thấp nhất là 2 năm - cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản đối với cá nhân cắt xén tiền ăn của học sinh bán trú tại trường phổ thông dân tộc sẽ căn cứ vào số tiền mà người này có được từ tham ô tài sản của nhà nước.

Liên quan đến bữa ăn bán trú chỉ có 2 gói mì tôm chan cơm trắng phục vụ 11 học sinh tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, mới đây, Sở GD&ĐT Lào Cai vừa yêu cầu các trường lắp camera giám sát toàn bộ khu chế biến thức ăn, chia suất săn và khu vực ăn.

Trong công văn tăng cường công tác quản lý thực hiện chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên... do Sở GD&ĐT Lào Cai vừa ban hành, sở này cũng yêu cầu tạo tài khoản và công khai tài khoản truy nhập camera để cha mẹ học sinh, tổ chức đoàn thể, các cơ quan truy cập giám sát. Việc lắp đặt hoàn thành trước ngày 10/1/2024, bằng nguồn kinh phí tự chủ của nhà trường. Với các trường mầm non, tiểu học, THCS, Sở đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu nội dung này để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp để quản lý hiệu quả bữa ăn, suất ăn của học sinh bán trú.

Trước đó, như đã thông tin, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 đã bị tạm đình chỉ trong 15 ngày kể từ ngày 17/12 để làm rõ việc các em học sinh trường này phải ăn mì tôm chan cơm gây xôn xao dư luận.

Theo phóng sự của VTV24 phát tối 16/12, bữa ăn bán trú tại Trường Hoàng Thu Phố 1 có dấu hiệu bất thường, bị cắt xén. Mỗi mâm 11 học sinh chỉ được ăn sáng 2 gói mì tôm nấu loãng, pha với cơm, trong khi bảng thực đơn ghi mỗi học sinh được 1 gói mì tôm và 1 quả trứng. Với bữa trưa và tối, học sinh được ăn một ít giò thái nhỏ và canh rau, dù trên bảng ghi ngày 14-11, ngoài rau, thực phẩm cho 2 bữa còn có 14 kg thịt lợn và 11 kg xương. Thậm chí, rau ở bếp bị thối, học sinh được huy động xuống nhặt.

Vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm chan cơm: Mức hỗ trợ tiền ăn quy định thế nào?Vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm chan cơm: Mức hỗ trợ tiền ăn quy định thế nào?

SKĐS - Sau vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm chan cơm ở Lào Cai khiến dư luận bức xúc, nhiều người quan tâm học sinh bán trú tại các trường phổ thông dân tộc thời gian qua đã được nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, hỗ trợ gạo thế nào?

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn