Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh nhân là bà Nguyễn Thị T., 81 tuổi, phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình, nhập viện tại khoa Ngoại thần kinh và Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình với chẩn đoán ung thư tuyến giáp, thể trạng già yếu.
Theo nhận định của các bác sĩ, bệnh nhân có khối u vùng cổ, to lên rất nhanh, đã đi khám và được chẩn đoán là ung thư tuyến giáp. Thăm khám lúc vào viện cho thấy, bệnh nhân có khối u tuyến giáp rất lớn chèn ép, gây xẹp gần hết khí quản, xâm lấn bao quanh bó mạch động tĩnh mạch cảnh, thực quản, mặt trước cột sống… khiến bệnh nhân có cơn khó thở liên tục, có thể ngừng thở bất cứ lúc nào. Nếu không được can thiệp bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Phẫu thuật cho bệnh nhân
Xác định đây là ca phẫu thuật là rất khó với nhiều nguy cơ nên kíp mổ chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch can thiệp và điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm rất kỹ, các xét nghiệm máu, miễn dịch, chụp cộng hưởng từ vùng cổ, chụp cắt lớp đa đầu dò, dựng hình mạch máu xem tình hình xâm lấn của khối u. Bệnh nhân cũng được các bác sĩ đầu ngành chuyên khoa Ung bướu, Thần kinh, mạch máu Bệnh viện đa khoa tỉnh hội chẩn để giải quyết bài toán lấy bỏ tối đa u, giải phóng khí quản nhưng phải bảo tồn được mạch máu, thần kinh và không gây tổn thương các cơ quan lân cận.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân có khối u xâm lấn khí quản, bó mạch cảnh (tắc toàn bộ 1 đoạn tĩnh mạch cảnh gốc trái), thần kinh quặt ngược bên trái, thực quản mạch, cột sống... Với sự nỗ lực của toàn bộ kíp mổ, bệnh nhân đã được lấy gần như toàn bộ khối u khỏi cơ thể, chỉ để lại một phần nhỏ do dính vào mạch máu, khí quản, thần kinh, thực quản, cột sống. Các bác sĩ đã giải phóng, lấy được huyết khối của tĩnh mạch cảnh, trong quá trình phẫu thuật lượng máu của bệnh nhân mất ít, không phải truyền máu.
Trước mổ bệnh nhân có biểu hiện khó thở rất nhiều, nhưng 3 giờ sau khi tiến hành phẫu thuật, đường thở được giải phóng, khí quản không bị chèn ép và tự thở bình thường. Ba ngày sau mổ, bệnh nhân được rút ống dẫn lưu, có thể nói bình thường, hết khó thở, các chỉ số ổn định. Các bác sĩ cho biết, sau mổ khi có kết quả giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch khối u, bệnh nhân sẽ được lên kế hoạch điều trị bằng các phương pháp khác tiếp theo.
Theo TS.BS Trương Như Hiển, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh và Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị T. được đánh giá là một ca rất khó. Đây là trường hợp rất phức tạp do các yếu tố như khối ung thư phát triển nhanh, rất to và chèn ép, xâm lấn vào những cơ quan quan trọng xung quanh. Khi mổ, ngay cả khâu đầu tiên là gây mê, đặt ống nội khí quản cũng rất khó do bệnh nhân dùng thuốc giãn cơ. Trong quá trình mổ lấy u cũng rất khó khăn do u của bệnh nhân bao trọn toàn bộ động tĩnh mạch cảnh, một mạch máu rất quan trọng cũng như dính trên nhiều phần khác ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Ngoài ra, khối u của bệnh nhân bị mủn, nát, nếu không cẩn thận bệnh nhân sẽ chảy máu nhiều nên đòi hỏi phải rất kỹ càng, chi tiết, khối u phải được phân tích rất kỹ trước mổ, giúp bác sĩ lên kế hoạch chuẩn bị mổ tốt nhất.
BS Hiều cho hay, với các khối u to và xâm lấn các bộ phận quan trọng của cơ thể là một trong những yếu tố nguy cơ khi tiến hành các phẫu thuật, thủ thuật. Do đó, bác sĩ Hiển khuyến cáo, nếu người dân có biểu hiện có u vùng cổ, tuyến giáp… to lên nhanh, ấn vào đau, tính di động kém, kèm các biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, nói khàn, khó thở… cần nghĩ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và xác định sớm, từ đó các bác sĩ sẽ có những can thiệp kịp thời tốt nhất cho người bệnh.