“Cát tặc” lộng hành với thủ đoạn mới

06-01-2015 21:39 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong khi trên địa bàn cả nước, nạn “cát tặc” đang hoành hành khiến các địa phương chưa tìm ra được giải pháp để ngăn chặn hữu hiệu thì xuất hiện hình thức “cát tặc” mới...

Trong khi trên địa bàn cả nước, nạn “cát tặc” đang hoành hành khiến các địa phương chưa tìm ra được giải pháp để ngăn chặn hữu hiệu thì xuất hiện hình thức “cát tặc” mới, chúng không thực hiện hành vi hút cát ở các con sông nữa mà di chuyển hẳn ra biển để hút cát. Mới đây, các đơn vị của Bộ Công an phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng loạt ra quân đã bắt giữ 9 tàu có tải trọng từ 500 - 1.200 tấn đang hút trộm hàng trăm mét khối cát dưới biển, tạm giữ gần 50 người tại hiện trường.

Ngăn chặn vụ hút cát trên biển thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ đoạn mới hình thức tinh vi

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết: Đây là vụ khai thác cát lậu lớn nhất ngoài khơi biển Bà Rịa – Vũng Tàu bị phát hiện. Với thủ đoạn mới, đường dây khai thác cát này hoạt động rất tinh vi, có rất nhiều đối tượng cảnh giới cả dưới nước lẫn trên bộ, khi có đoàn kiểm tra, lập tức bộ phận cảnh giới báo động ngay cho các phương tiện khai thác cát trái phép để họ rút phương tiện về nơi trú ẩn nên rất khó kiểm soát. Hàng ngày tại khu vực Cồn Ngựa có từ 12 - 15 tàu trọng tải từ 500 - 1.200 tấn gồm 3 khoang chứa cát, mỗi khoang bố trí 4 máy bơm loại lớn và ống hút cát thường xuyên hút cát trộm trong vòng bán kính 2km. Thời gian chúng hoạt động thường vào lúc triều cường lớn, lúc biển có sóng mạnh, hay chọn vào thời điểm có ít lực lượng chức năng tuần tra. Theo đánh giá, mỗi ngày, trung bình 1 tàu hoạt động từ 4 - 5 giờ, bơm hút được khoảng 800m3 cát, bán với giá 39.000 đồng/m3, thu được 31 triệu đồng. Số cát này được Công ty Đ.P.T trực tiếp mua để san lấp mặt bằng cho các công trình ở khu vực miền Đông, Tây Nam bộ và TP.HCM.

Cũng theo C49, đơn vị phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiếp tục điều tra làm rõ hoạt động khai thác cát trái phép của các chủ tàu và các đối tượng tiêu thụ cát ở vùng biển Cồn Ngựa, nơi giáp ranh giữa các tỉnh, thành Bà Rịa - Vũng Tàu - TP.HCM - Tiền Giang.

Trước đó, với kế hoạch đã được ban chuyên án vạch ra, ngày 29/12, hàng trăm cảnh sát của C49, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Cảnh sát đường thủy và các cán bộ, chiến sĩ Công an Bà Rịa – Vũng Tàu đã đồng loạt ra quân triệt phá vụ việc trên.

Các đối tượng bị tạm giữ lấy lời khai tại cơ quan công an.

Hợp thức hóa nguồn gốc cát khai thác lậu trên biển

Theo nhận định ban đầu của cơ quan điều tra, các đầu nậu đã ký hợp đồng với các đơn vị có mỏ tại Bến Tre, từ đó, “cát tặc” lấy giấy tờ hợp pháp của các công ty đó để hợp thức hóa nguồn gốc cát khai thác lậu trên biển, sau đó mang đi san lấp ở khu vực miền Đông, Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Việc khai thác cát biển trái phép tại khu vực Cồn Ngựa giáp ranh với khu vực Cửa Đại, tỉnh Tiền Giang sẽ làm thay đổi dòng chảy của các con sông hướng ra biển, dẫn đến tình trạng bồi lấp hoặc sạt lở hàng loạt bờ sông, bờ biển của nhiều địa phương liên quan. Đó là chưa kể đến việc cát biển sau khai thác được các chủ tàu bán cho các công ty hợp pháp, tiếp đó, các công ty này bán lại cho các công trình xây dựng sử dụng để san lấp mặt bằng hoặc trộn lẫn với cát sông để bán cho các công trình xây dựng, ảnh hưởng đến chất lượng của các công trình. Chính vì thế, liên quan đến vụ việc, hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ để tiến hành xử lý theo pháp luật.

Mới đây, tại Hà Nội, cơ quan chức năng kiểm tra 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, chỉ có 17/200 bãi được cấp phép; Kiểm tra việc sử dụng đất ven sông làm bãi chứa vật liệu xây dựng đối với 34 tổ chức, cá nhân tại các quận, huyện, thị xã: Ðông Anh, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Sơn Tây, Long Biên, Hoàng Mai, phát hiện 19 bãi (chiếm hơn một nửa số bãi được kiểm tra) chứa khoảng 161 nghìn mét khối cát đen không rõ nguồn gốc. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều hợp đồng cho thuê đất trái phép bị hủy nhưng một số tổ chức, cá nhân ở các xã thuộc huyện Thường Tín, Phúc Thọ vẫn sử dụng đất làm bãi chứa. Quá trình khai thác trộm, tập kết vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp, cá nhân bất chấp quy định, vẫn chất cát sỏi cao như núi, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của kè, bờ sông.  Cũng theo thống kê của Chi cục Ðê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, nguyên nhân chính gây ra hàng loạt vụ sụt, sạt bờ, bãi sông trong thời gian qua là do tình trạng khai thác cát trái phép đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các con sông và làm mất một số diện tích đất sản xuất của địa phương. Trước tình trạng cát tặc nói trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều và các công trình phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố.

An Biên - Toàn Vũ

 

 


Ý kiến của bạn