“Cát tặc” lại lộng hành: Mùa mưa bão thêm lo

14-07-2015 21:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau một thời gian dài tạm lắng, thì nay, tình trạng khai thác cát trái phép đang có diễn biến phức tạp trở lại. Mặc dù đã được các cơ quan liên quan vào cuộc xử lý...

Sau một thời gian dài tạm lắng, thì nay, tình trạng khai thác cát trái phép đang có diễn biến phức tạp trở lại. Mặc dù đã được các cơ quan liên quan vào cuộc xử lý, tuy nhiên “cát tặc” đã sử dụng những mánh khóe mới rất tinh vi để đối phó. Đáng lo ngại, trong thời điểm mùa mưa bão đang cận kề,  việc bơm, hút cát trái phép sẽ gây ra nguy cơ sạt lở đất ở các vùng ven sông, đe dọa đến hệ thống đê điều cũng như nhà cửa của người dân xung quanh khu vực này.

Dùng nhiều thủ đoạn để khai thác cát trái phép

Thông tin từ Công an huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội cho biết, ngày 7/7, tổ công tác đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, môi trường, công an huyện phối hợp với các đơn vị chức năng, đã tuần tra và phát hiện 01 tàu mang số hiệu TQ-0779H đang khai thác cát trái phép trên khu vực sông Hồng, thuộc địa phận xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 5 công nhân đang có hành vi dùng gầu múc cát dưới lòng sông Hồng lên đổ vào khoang của tàu hàng mang số hiệu VP - 0263, neo đậu cạnh đó là tàu hàng mang số hiệu HD - 1515 đang đợi để lấy cát. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận được ông Lương Quang Tạo (SN 1966, trú tại Ngọc Hội, Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) thuê vận hành tàu, khai thác cát bán cho các tàu hàng. Quá trình tổ công tác kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được giấy phép khai thác cát. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng huyện Phúc Thọ cũng đã liên tiếp phát hiện và xử lý 6 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng.

Cơ quan công an kiểm tra các phương tiện khai thác cát.

Cơ quan công an kiểm tra các phương tiện khai thác cát.

Về thực trạng khai thác cát tại địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội, ông Nguyễn Việt Liên - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, thực tế cho thấy, khu vực giáp ranh đã bị các đối tượng lợi dụng để khai thác cát vượt quá phạm vi cho phép. Mặc dù lực lượng chức năng trên địa bàn đã kiên quyết xử lý, nhưng vẫn có một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa công ty, trà trộn, lén lút, lợi dụng vào ban đêm, dùng nhiều thủ đoạn để trốn tránh lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nhằm khai thác cát trái phép trên sông Hồng... Hàng năm Nhà nước đầu tư ở địa phận huyện Phúc Thọ hàng chục tỷ đồng, chỉ cần một vài hiện tượng khai thác cát, nếu không cẩn thận sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống tuyến đê kè trọng điểm.

Những hệ lụy khôn lường

Liên quan đến thực trạng khai thác cát đang có những diễn biến phức tạp, Đại tá Khuất Duy Kiều - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Hà Nội cho biết, có hai vấn đề nổi lên  trong thời gian qua là khai thác cát trái phép và sai phép. Trong đó, khai thác trái phép thường diễn ra khi vắng các lực lượng chức năng và thường xảy ra vào ban đêm. Khai thác sai phép thường tập trung vào các công ty được cấp phép hoặc lợi dụng danh nghĩa thanh, thải, chỉnh, trị luồng. Có công ty đủ thủ tục, có công ty chưa đủ thủ tục nhưng vẫn lợi dụng việc mình được Bộ Giao thông vận tải có dự án để xin làm thủ tục cấp phép hoạt động. Có những đơn vị chưa đủ điều kiện để hoạt động nhưng vẫn hoạt động dẫn đến tình trạng khai thác không đúng với vị trí mà mình được cấp phép, xảy ra ở các tỉnh giáp ranh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên. Hiện tại, công an thành phố đã có những chủ trương quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép và sai phép này nhưng gặp nhiều khó khăn như: công an thành phố chưa có bến thủy để tạm giữ các phương tiện vi phạm nên chưa có điều kiện để cơ quan thực thi này giải quyết triệt để. Vì không có nơi tạm giữ nên xử lý, giải quyết còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan có thẩm quyền cấp phép chưa làm hết chức năng. Sau khi giải quyết các thủ tục thì thiếu kiểm tra, giám sát về các hoạt động cấp phép...

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở nơi có tuyến đường sông thì chưa chỉ đạo quyết liệt, thiếu phối hợp nhịp nhàng với phòng ban và các cơ quan chức năng. Cụ thể như các bến vật liệu xây dựng, nhiều bến chưa đủ điều kiện, không phép nhưng vẫn đưa vào hoạt động. Những bến vật liệu xây dựng này chính là nơi dung túng chứa chấp cho những đối tượng khai thác cát trái phép, tiện đâu là họ đưa lên bến bãi đấy.

Theo PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi cho biết, việc khai thác cát có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và các hoạt động khác trên dòng sông. Cụ thể khi lấy cát vượt quá lượng cát từ thượng du chuyển về sẽ xuất hiện xói lòng sông hoặc lở bờ. Cùng đó, khai thác cát thường không rải đều, mà tập trung vào một số điểm thuận tiện vận chuyển, do đó một vài nơi trên sông Hồng, sông Đuống cao độ đáy sông đã hạ thấp xuống -15m - 20m,  gây sạt lở mạnh bờ sông. Do điều tiết của hồ chứa, những năm gần đây, hạ du sông Hồng hầu như không có lũ. Trong thời gian tới, nếu xảy ra lũ lớn, chắc chắn sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa an toàn của hệ thống đê điều. Do vậy, các ngành chức năng (tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng và chính quyền địa phương...) cần phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt việc khai thác cát. Cần quy định trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương nếu xảy ra khai thác cát vượt quá giới hạn cho phép, gây hậu quả cho môi trường sinh thái sông Hồng.

Tuấn Kiệt

 


Ý kiến của bạn