Dư luận rất bức xúc trước tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, đặc biệt là hoạt động khai thác cát sỏi trên các tuyến sông trên địa bàn Hà Nội gây nhiều tác hại lớn. Mặc dù vi phạm rõ mười mươi, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, đe dọa an toàn đê điều..., song việc xử lý của các cấp chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết liệt. Mùa mưa bão đang đến, ai dám đảm bảo cho sự an toàn của các tuyến đê?
Có cát là hút
Hiện trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu đoạn qua thành phố Hà Nội có 18 khu vực khai thác cát, trong đó có tới 13 khu vực không phép, sai phép. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, riêng tuyến đê hữu Hồng có 112 bãi (chiếm 56%), tập trung chủ yếu ở các huyện Từ Liêm (32 bãi), Thường Tín (18), Ba Vì (13), Phú Xuyên (10), quận Hoàng Mai (16), thị xã Sơn Tây (13)... Chỉ có 17/200 bãi được cấp phép, chiếm 8,5%. Gần đây, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất ven sông làm bãi chứa vật liệu xây dựng đối với 34 tổ chức, cá nhân tại các quận, huyện, thị xã: Đông Anh, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Sơn Tây, Long Biên, Hoàng Mai, phát hiện có 19 bãi (chiếm hơn một nửa số bãi được kiểm tra) chứa khoảng 161.000m3 cát đen không rõ nguồn gốc. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hợp đồng cho thuê đất trái phép bị hủy, nhưng một số tổ chức, cá nhân ở các xã thuộc huyện Thường Tín, Phúc Thọ vẫn sử dụng đất làm bãi chứa. Quá trình khai thác, tập kết vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp, cá nhân bất chấp quy định, vẫn chất cát sỏi cao như núi, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của kè, bờ sông. Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình trạng khai thác cát trái phép tại các sông thời gian qua khá phức tạp. Lợi dụng sự buông lỏng của các cơ quan chức năng, "cát tặc" lén lút thực hiện hành vi trái phép. Đây là nguyên nhân chính gây ra hàng loạt vụ sụt, sạt bờ, bãi sông trong thời gian qua. Đặc biệt, hoạt động khai thác cát trái phép gây sạt lở các vị trí K12 460 đến K13 300 xã Đặng Xá, K17 900 đến K18 900 xã Phù Đổng, K18 400 đến K20 600 xã Lệ Chi, K20 500 đến K22 458 xã Trung Mầu, đều thuộc huyện Gia Lâm, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các kè Sen Hồ, Lời, Đổng Viên, Thịnh Liên và làm mất một số diện tích đất sản xuất của địa phương. Có thể thấy, rất nhiều tàu hút cát làm việc hết công suất tại địa bàn các xã Phù Đổng, Yên Viên, Dương Hà (huyện Gia Lâm); Xuân Thu, Trung Giã (huyện Sóc Sơn); Thượng Cát, Vạn Phúc (huyện Thanh Trì)...
Thấy tàu nhưng khó xử?!
Tuy nhiên, để thống kê được hết số tàu khai thác trái phép cũng như bãi chứa, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn lại là một việc không dễ. Một cán bộ UBND huyện Sóc Sơn cho biết, cơ quan quản lý chỉ có thể thống kê số tàu thuyền do địa phương quản lý, trong khi đó tàu thuyền từ Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam đến Sóc Sơn khai thác trái phép lại thoắt ẩn, thoắt hiện. Còn theo phản ánh của người dân địa phương, việc khai thác cát, sỏi trái phép diễn biến phức tạp, không theo quy hoạch đã làm sạt lở hàng chục ngàn mét vuông đất sản xuất nông nghiệp. Nhân dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền xã, huyện kiểm tra, xử lý nhưng mọi việc rồi "đâu lại vào đấy". Nhiều năm nay, chúng ta vẫn tuyên truyền, ra quân xử lý, nhưng thực tế chỉ làm cao điểm trước mỗi mùa mưa bão. Việc khai thác cát sỏi không tuân thủ quy hoạch đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới đê điều, dòng chảy và các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhưng đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt vài ba triệu đồng/vụ, không đủ sức răn đe.
Để giải quyết tận gốc "cát tặc" và hoạt động bến bãi chứa vật liệu xây dựng hoạt động trái phép, chính quyền các địa phương cần yêu cầu chủ bến bãi ký cam kết không thu mua cát không có nguồn gốc và nếu phát hiện xử lý thật nghiêm; hủy bỏ các hợp đồng thuê đất làm bến bãi trái phép; các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép...
Hoàng Nga