Hà Nội

Cắt phăng mái tóc 50cm, trốn gia đình... xung phong vào tâm dịch

26-08-2021 15:35 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhìn mái tóc dài hơn 2 gang tay vừa được đồng nghiệp cắt giúp, nữ điều dưỡng Ngô Thị Như rớm nước mắt tiếc nuối chia tay 1 phần thanh xuân gắn bó với mình...

Nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, trong sâu thẳm trái tim điều dưỡng Như và các đồng nghiệp đều thúc giục tiếng gọi lên đường sẵn sàng vì tiền tuyến chống dịch.

Nữ điều dưỡng chia sẻ, công việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất áp lực, vất vả, thời gian gấp gáp, phải khoác trên mình đồ bảo hộ nhiều giờ đồng hồ liên tục, mồ hôi đầm đìa... thì mái tóc ngắn là lựa chọn tốt nhất.

Điều dưỡng trẻ trước và sau khi cắt tóc để vào tâm dịch.

BS. Lê Thúy An cũng là một trong số 24 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên BV Tai Mũi Họng TW vừa rời Hà Nội vào TP.HCM tăng cường cho Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19. Chị An tâm sự, chị chẳng ngại khó khăn, vất vả nhưng chỉ canh cánh nỗi lo cho các con ở nhà.

"Bạn lớn nhà mình lên lớp 3 đã hiểu chuyện, bạn bé nói còn chưa sõi. Thương lắm! Nhưng mình cũng hiểu rằng, lúc này, Tổ quốc và nhân dân đang cần. Mình vào giúp miền Nam chống dịch là góp phần bảo vệ đất nước và gián tiếp bảo vệ chính gia đình mình.

Được sự động viên và ủng hộ của cả gia đình nên chúng tôi cũng vững tin hơn và yên tâm lên đường. Với sự quyết tâm và chiến lược phù hợp, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh và mình sớm được trở về với gia đình và các con" - BS. An chia sẻ.

Cắt phăng mái tóc 50cm, trốn gia đình... xung phong vào tâm dịch - Ảnh 2.

Các thầy thuốc quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Được biết, đây là lần thứ 2 đoàn nhân viên y tế BV Tai Mũi Họng TW chi viện cho miền Nam ruột thịt. Trước đó, ngày 11/8, đoàn công tác thứ nhất gồm 30 chuyên gia, y bác sĩ của bệnh viện cũng đã lên đường vào TP. HCM hỗ trợ. 

BS. Nguyễn Thành Quân – Trưởng Đoàn công tác số 2 thể hiện quyết tâm: Với tinh thần "chia lửa cho tiền tuyến", các chiến sĩ áo trắng đều quyết tâm hết sức mình vượt qua mọi thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ việc cứu chữa người bệnh, góp một phần nhỏ bé trong cuộc chiến chống dịch.

Động viên các chiến sĩ áo trắng trước giờ lên đường, PGS.TS. Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc BV Tai Mũi Họng TW dặn dò và đề nghị đoàn công tác luôn tuân thủ các quy định, quy trình về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, vừa phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ vừa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại phía Nam. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, giữ gìn sức khỏe, cống hiến hết mình, quyết tâm góp phần cùng TP.HCM và các tỉnh miền Nam đầy lùi dịch bệnh, sớm chiến thắng trở về.

"Trốn" gia đình tình nguyện vào tâm dịch

Vì không muốn gia đình lo lắng nên vợ chồng anh Thành, chị Huệ quyết định không thông báo cho gia đình 2 bên về việc xung phong vào TP.HCM chống dịch. Khi vào đến nơi, “sự việc đã rồi”, anh/chị mới điện thoại về gia đình, động viên bố mẹ yên tâm và giữ gìn sức khỏe.

Đó là câu chuyện của 2 vợ chồng điều dưỡng anh Tạ Văn Thành (sinh năm 1989) đang làm việc tại Khoa Nhi và chị Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1996) làm việc tại Trung tâm Thần Kinh, BV Bạch Mai.

Cả 2 đã cùng xung phong đi chống dịch, sẵn sàng dấn thân vào nguy hiểm vì sức khoẻ của cộng đồng.

Anh Thành và Chị Huệ cho biết, mặc dù bản thân đã trải qua nhiều chuyến làm việc công tác xa nhà nhưng đây là lần đầu tiên cả 2 vợ chồng cùng tham gia một chuyến công tác khó khăn nhất, một trận chiến lịch sử mà cả thế giới đang phải đối mặt. Khi xác định lên đường, hai vợ chồng cũng biết những nguy hiểm, khó khăn vất vả sẽ phải trải qua nhưng với tinh thần “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, 2 anh chị vẫn quyết tâm cùng nhau xông vào tâm dịch.

Anh Thành có chia sẻ thêm, ngay khi nhận được tin cán bộ y tế vào chi viện cho Miền Nam, 2 vợ chồng tĩnh lặng nhìn nhau, như đã bàn trước đều đồng lòng nhắn tin xung phong tại khoa mình đang làm việc để xin đi chi viện. Lòng tự nhủ bản thân mình là một nhân viên Y tế nếu được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé giúp được đồng bào chống lại đại dịch, cảm giác thật khó tả vừa tự hào vừa lo lắng.

Cắt phăng mái tóc 50cm, trốn gia đình... xung phong vào tâm dịch - Ảnh 4.

Sợ gia đình bố mẹ không đồng ý cho con đi vào chỗ nguy hiểm, gian khổ nên anh chị quyết định không thông báo trước cho bố mẹ mà để vào đến TP.HCM sẽ gọi điện về cho gia đình. Thông báo đi từ buổi sáng thì đến trưa lên đường luôn, anh chị chỉ có đúng nửa ngày để chuẩn bị hành lý, đồ dùng cá nhân và bàn giao công việc cho đồng nghiệp ở lại.

Chị Huệ nhớ lại: Khi vào đến TP. HCM, anh chị mới dám gọi điện về cho ông bà, bố mẹ hai bên. Ngoài sự ngỡ ngàng, thương con cháu của cả gia đình thì cả nhà "nhìn nhau" (qua điện thoại) bật khóc. Nhưng rồi gia đình cũng chia sẻ và dặn dò anh chị cẩn thận, giữ sức khoẻ, để công tác tốt, chăm sóc cho những người bệnh, sớm trở về bên gia đình.

Ở nơi không còn biết hôm nay là ngày nào, tháng nào, nơi tất cả các nhân viên y tế đang nỗ lực cao nhất để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần thì niềm vui của anh chị là khi người bệnh được hồi phục và xuất viện. Chị Huệ chia sẻ: “Khi thấy mỗi bệnh nhân khỏe lên từng ngày, chị mừng lắm, cứ như người thân của mình vừa thoát khỏi cửa tử vậy”.

Sau một ngày làm việc vất vả với nhiều áp lực, thời gian nghỉ ngơi gọi điện hỏi thăm những người thân trong gia đình là giây phút khiến chị được thư giãn, thoải mái và lấy lại động lực cho một ngày làm việc tiếp theo để chung sức đẩy lùi dịch bệnh, gia đình sớm được đoàn tụ"!.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bảo đảm chống nhiễm khuẩn khi lấy mẫu xét nghiệm và điều trị bệnh nhân COVID-19.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn