Hà Nội

Cắt 'nghiện' cho da nhiễm corticoid khi trị nám

08-06-2022 06:37 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Lạm dụng corticoid trong điều trị nám có thể dẫn đến các bệnh ngoài da nghiêm trọng. Khi bị tình trạng này, bệnh nhân cần phải được điều trị sớm, đúng phác đồ may ra mới có hy vọng phục hồi được làn da.

1. Nguy cơ từ mỹ phẩm chứa corticoid trị nám da

Với nhu cầu tẩy nám, làm trắng mịn da nhanh của người tiêu dùng, trên thị trường có rất nhiều loại mỹ phẩm, kem trộn rất đa dạng để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hầu hết các sản phẩm có tác dụng làm trắng mịn nhanh đều có chứa thành phần corticoid.

Như chúng ta đã biết, corticoid có khả năng ức chế hệ miễn dịch, kháng viêm, được sử dụng trong khá nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh ngoài da.

Khi mỹ phẩm có trộn corticoid, người sử dụng sẽ cảm thấy làn da của mình được cải thiện hằng ngày, hết mụn, láng mịn và trắng sáng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, đây chỉ là hiệu quả tức thời do tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch, quá trình viêm và quá trình sản sinh sắc tố của corticoid.

Cắt cơn “nghiện” cho da lệ thuộc kem chứa corticoid - Ảnh 1.

Da nhiễm corticoid nặng khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Nếu dùng corticoid lâu dài, bệnh nhân sẽ gặp phải các nguy cơ:

- Da nhiễm khuẩn: Do khả năng ức chế của corticoid, nên các quá trình sinh lý bình thường trên da không hoạt động, da trở nên dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm… gây ngứa và mụn bùng phát

- Nám kháng trị: Thời gian đầu sử dụng kem có corticoid, tình trạng nám nhanh chóng mờ đi, nhưng khi ngừng thoa kem sẽ xuất hiện tình trạng nám kháng trị. Tức là tình trạng nám quay trở lại nặng hơn và khó điều trị hơn. Đây là do phản ứng dội ngược của quá trình sản sinh sắc tố melanin.

Khi sử dụng mỹ phẩm có corticoid, quá trình sản sinh sắc tố bị ức chế và làm mờ vết nám, trắng da, nhưng khi ngừng dùng, quá trình này hoạt động trở lại theo sinh lý bình thường, thậm chí hoạt động rất mạnh để đáp ứng lại nhu cầu trong thời gian bị ức chế dẫn đến mất kiểm soát. Lúc này, các loại mỹ phẩm hoặc thuốc đều khó có thể tác động để phục hồi lại được làn da cho bệnh nhân.

Hiện tượng này là do tác động ức chế hệ thống miễn dịch và kháng viêm của corticoid trong thời gian dài. Làn da đã không được bảo vệ và tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các loài vi khuẩn, nấm phát triển. Đến khi ngưng sử dụng sản phẩm, phản ứng viêm của cơ thể bắt đầu hoạt động trở lại và hoạt động vô cùng mạnh mẽ để chống lại các tác nhân này, gây nên các tình trạng trên.

- Ức chế vỏ thượng thận: Với người sử dụng corticoid ngoài da lâu ngày, trên diện rộng (tắm trắng hoặc sử dụng kem trộn trị nám làm trắng da cấp tốc) sẽ gây tác dụng toàn thân, ức chế vỏ thượng thận sản sinh cortisol (một dạng của corticoid).

Khi ngừng kem đột ngột, vỏ thượng thận sẽ cố gắng hoạt động trở lại để đáp ứng sinh lý của cơ thể. Tuy nhiên sau thời gian bị ức chế không không hoạt động, tuyến thượng thận phải cố gắng quá mức sẽ dẫn đến hội chứng suy vỏ thượng thận cấp. Những hậu quả của suy tuyến thượng thận cấp là vô cùng nguy hiểm.

2. Giải pháp nào cho làn da 'nhiễm corticoid'?

Tùy thuộc vào mức độ nhiễm corticoid sẽ có các bước phục hồi cho da khác nhau.

- Với tình trạng nhẹ, khi bệnh nhân sử dụng kem có corticoid ít, hàm lượng thấp, da mới có tổn thương nhẹ như ngứa ngáy, da có sần nhẹ... chỉ cần ngừng sử dụng các loại kem đang thoa ngay và đến gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán về tình trạng da và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc và điều trị.

Da nhiễm corticoid có khả năng phục hồi tốt, sau đó bệnh nhân tuyệt đối không sử dụng các loại kem bôi trị nám, trị mụn, làm trắng da có chứa corticoid.

Cắt cơn “nghiện” cho da lệ thuộc kem chứa corticoid - Ảnh 3.

Da teo, bào mòn do corticoid.

- Với tình trạng nặng (da "nghiện" corticoid) thì rất khó khăn trong điều trị. Giai đoạn này đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì, kết hợp cùng bác sĩ chuyên khoa da liễu. Thậm chí trong thời gian dài phải chấp nhận có làn da xấu, mất thẩm mỹ để điều trị. Bởi không kiên trì và tìm mọi cách sử dụng kem dưỡng, thuốc điều trị không đúng, sẽ càng khiến tình trạng da trở nên xấu hơn.

Trước hết bệnh nhân không nên ngừng kem bôi đột ngột mà cần giảm tần xuất và liều lượng sử dụng một cách từ từ. Từ 3 lần/ngày xuống 2 lần/ngày. Từ 2 lần xuống 1 lần. Rồi cách ngày… cho đến khi bác sĩ cho ngừng hẳn.

Ở cấp độ da nhiễm corticoid rất nặng, da bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Da đỏ, luôn bị đau rát, châm chích ngay cả khi không có yếu tố nào tác động đến; da khô, mụn mủ, đóng vảy bong tróc từng mảng, chảy dịch vàng, nhiễm trùng, hoại tử… Lúc này việc điều trị để có làn da lành lặn trở lại là vô cùng khó khăn.

Do vậy để tránh da "nghiện" corticoid, bệnh nhân không tùy ý sử dụng các loại kem bôi, kem trộn không rõ nguồn gốc để trị nám, tẩy trắng da. Nếu sử dụng bất kỳ loại kem nào mà xuất hiện bất thường trên da thì cần ngừng lại ngay và đến gặp bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

7 lợi ích của vitamin C.

ThS. Lan Anh
Ý kiến của bạn