'Cát lợn' được trả giá 500 triệu đồng, nhà khoa học nói 'không có giá trị'

29-05-2022 17:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Vật thể lạ giống "cát lợn" được người dân ở Phú Yên tìm thấy và rao bán hàng trăm triệu đồng.

"Cát lợn" chỉ là đồ bỏ đi

Ngày 28/5, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (trú TP Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết hiện gia đình đang chờ đoàn khách từ TPHCM đến nhà xem "cát lợn" nặng 1,1kg và thống nhất giá cả để mua bán.

Chị Hiền cho hay, "cát lợn" chị đang giữ được phát hiện vào 3 ngày trước (25/5), lúc này gia đình chị mua một con lợn rừng nái tại huyện Phú Hòa (Phú Yên) để mổ lấy thịt, khi làm sạch dạ dày của con lợn này thì phát hiện một vật cứng, nặng trong dạ dày.

Cát lợn được trả giá 500 triệu đồng, nhà khoa học nói không có giá trị - Ảnh 1.

Vật được cho là "cát lợn" được người dân tìm thấy ở Phú Yên.

Thấy vật thể lạ trong dạ dày, chị Hiền rửa sạch và quan sát nó giống "cát lợn" như thông tin mình đã đọc trên sách báo nên đã đưa vào bảo quản trong tủ lạnh. Sau đó, chị chụp hình và đăng lên mạng xã hội thì có nhiều người hỏi mua, giá cao nhất hiện tại là 500 triệu đồng. "Họ đã hẹn từ TPHCM ra để xem "cát lợn" và thống nhất giá cả", chị Hiền nói.

Theo người bán con lợn nái, con lợn nái này là giống lợn rừng, được chị nuôi hơn 10 năm nay, nhưng đến nay nó đã già nên đã bán mổ lấy thịt. Vật được cho là "cát lợn" này có hình lưỡi liềm, mùi hương nhẹ, giống mùi thuốc bắc, bên ngoài có rất nhiều lông màu đen, cứng và cầm khá nặng tay.

TS. Nguyễn Quế Côi, nguyên cán bộ Viện Chăn nuôi cho biết, vật được tìm thấy này là một phần thức ăn xơ thô không tiêu hóa được cộng với dịch mật của con vật tạo thành.

Trong Đông y thì không có tài liệu nào nói về việc vật này có thể làm thuốc cả nên có lẽ nó không có giá trị về mặt y học để chữa bệnh. Thực tế, những con heo nuôi trong dân (không phải heo nuôi kiểu công nghiệp) vẫn thường xuất hiện những vật thể này trong bụng mà chính TS. Nguyễn Quế Côi cũng đã gặp nhiều lần, đa phần là người ta... vứt đi.

Lương y Vũ Quốc Trung, nguyên là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam thì khẳng định có thể có nhầm lẫn chứ trong Đông y chưa bao giờ ghi nhận có một loại thuốc nào là loại vật thể lấy ra từ con heo giống như mô tả.

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, trong Đông y có vị thuốc tên là ngưu hoàng. Hàng vạn con trâu bò thì có 1 con mà bên trong có một cái búi sỏi trong mật, có tác dụng tốt cho người bị tai biến mạch máu não. Nhờ vào tác dụng của thành phần này mà người ta điều chế ra viên uống an cung ngưu hoàng hoàn. Ngày nay y học phát triển, người ta có thể tổng hợp nhân tạo được chất này mà không cần đến việc phải tìm kiếm những con trâu bò quý hiếm như vậy nữa.

Chưa có nghiên cứu khoa học

TS. Nguyễn Quế Côi cho biết, cá mập hay cá nhà táng sống ở biển thi thoảng có những con trong bụng nó có những vật thể tương tự như thế này. Đây là một phần thức ăn không tiêu hóa được của cá mập, tồn lại một cục gọi là cục di thương, vật này có giá đắt hơn vàng được dùng để làm nước hoa cao cấp.

Ban đầu khi lấy ra từ bụng cá, cục này có mùi cực kỳ khó chịu, nhưng càng để lâu thì càng tỏa mùi thơm. Người ta chiết xuất chất trong vật thể này để điều chế ra nước hoa rất đắt tiền. Còn ở trong con lợn thì đến nay chưa có tài liệu nào ghi nhận, nếu nó không có giá trị gì trong Đông y để chữa bệnh thì chắc chắn nó cũng không có giá trị về mặt sử dụng. Việc người nào đó bỏ tiền triệu, thậm chí tiền tỉ ra để mua thì cũng nên cân nhắc.

TS. Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, trong các tài liệu ghi chép người ta có nghe nói đến loại long diên hương là một chất sáp màu xám được tạo thành trong hệ tiêu hóa của cá nhà táng. Sau khi cá thải ra biển, những tảng long diên hương có thể trải qua hàng nghìn năm nằm trong lòng biển sâu hoặc trôi dạt vào bờ biển.

Long diên hương được ví như trầm hương của biển khơi, trở thành thứ khiến giới sành nước hoa phải khao khát. Lý do là bởi bên trong long diên hương có chứa một loại hóa chất đặc biệt, có vai trò ổn định mùi, giúp các mùi hương khác trong nước hoa lưu lại lâu hơn. Ambrein, một thành phần hóa học của long diên hương, được sử dụng trong ngành công nghiệp nước hoa nhằm kích thích khứu giác và kéo dài mùi hương.

"Tuy vậy, việc tìm thấy các khối long diên hương cho đến nay còn rất mù mờ. Chưa có tài liệu nào mô tả chính xác khối long diên hương đó trông như thế nào, nặng bao nhiêu, màu sắc ra sao", TS. Sơn nói.

Theo từ điển mở Wikipedia, cát lợn còn gọi là trư cát, trư sa cát lợn hay trứng vàng, là một loại sỏi mật lành tính được tích tụ theo thời gian trong cơ thể lợn, được dân gian đánh giá là có giá trị đối với y học. Nhưng trên thực tế trong đông y không sử dụng bất cứ vị thuốc nào từ dạ dày của lợn, hiện chưa có tài liệu, bằng chứng, thông tin chính thống nào nói về giá trị kinh tế cũng như y khoa của cát lợn.
Món ăn thuốc bổ dưỡng từ bóng bì lợnMón ăn thuốc bổ dưỡng từ bóng bì lợn

SKĐS - Bóng bì lợn còn có tên trư phu, là món ăn rất quen thuộc với người dân miền Bắc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trưa 29/5: Thái Lan giám sát chặt đậu mùa khỉ; Triều Tiên học cách chống cịch của Trung Quốc | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn