Cắt giảm yêu cầu CFS: Cách nào để quản lý chất lượng mỹ phẩm nhập khẩu?

19-07-2020 09:30 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Có nên cắt giảm yêu cầu CFS (Giấy chứng nhận lưu hành tự do) trong quá trình công bố mỹ phẩm nhập khẩu. Và nếu cắt giảm CFS thì giải pháp nào để quản lý chất lượng mỹ phẩm... là những vấn đề được đưa ra trao đổi tại Hội thảo về “Quản lý CFS mỹ phẩm trong bối cảnh hiện nay và đề xuất giải pháp” do Cục Quản lý Dược phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

CFS là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu. Tuy nhiên, do nhiều quốc gia có chính sách khuyến khích xuất khẩu nên việc cấp CFS được tiến hành khá đơn giản mà không đi kèm với việc kiểm tra chất lượng hàng hóa...

Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm ngày càng tăng

Theo một số liệu thống kê cho thấy, gần đây, số người sử dụng mỹ phẩm đã tăng lên 30%. Số người không sử dụng mỹ phẩm đã giảm từ 24% năm 2016 xuống còn 14% trong năm 2019. Điều đó cho thấy, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người dân Việt Nam ngày càng tăng và số lượng mỹ phẩm nhập khẩu Việt Nam cũng như các CFS công bố mỹ phẩm nhập khẩu ngày càng gia tăng nhiều hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, các DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp CFS dẫn tới mất cơ hội kinh doanh hoặc bị chậm so với thị trường, không theo kịp xu hướng...

Đánh giá về một số tác động chính sách CFS với mỹ phẩm, bà Trần Thị Xuân Hằng - chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Mỗi nước có một mẫu CFS khác nhau, một số quốc gia không có thông tin nhà sản xuất mà chỉ có thông tin công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Một số mẫu CFS không có tên, chữ ký cũng như dấu của cơ quan, tổ chức CFS. Quy định này là một bất cập hiện nay của các DN khi phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc xin cấp CFS để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam.

Cần tăng cường công tác thanh kiểm tra chất lượng mỹ phẩm.

Cần tăng cường công tác thanh kiểm tra chất lượng mỹ phẩm.

Cắt giảm CFS sẽ giúp đơn giản thủ tục hành chính

Phân tích việc bỏ quy định về yêu cầu CFS trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, bà Hằng cho biết, Nhà nước sẽ không phải bố trí nhân lực (tiền lương, thời gian) để kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ và tính pháp lý của CFS như hiện nay. Do loại bỏ yêu cầu giấy chứng nhận lưu hành tự do trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nên thủ tục hành chính về công bố sản phẩm mỹ phẩm sẽ đơn giản hơn và tiến hành nhanh hơn. Điều này cũng giúp DN tiết kiệm thời gian dành cho cấp CFS là 32.000- 315.000 tuần, chi phí mà các DN tiết kiệm được do không phải xin cấp CFS khoảng 96-560 tỷ đồng/năm. Hơn nữa, do chi phí để nhập khẩu Việt Nam giảm thì người dân có khả năng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn và thời gian tiếp cận nhanh hơn.

Những quan ngại khi bỏ CFS

Có thể nói, CFS là công cụ để nước nhập khẩu sản phẩm có thể kiểm tra mức độ chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu nước họ cũng như tăng độ tin cậy. Bởi khi một sản phẩm, hàng hóa có CFS thì sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp đánh giá kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và sản phẩm đó được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại nước đó. Tuy nhiên, việc bãi bỏ CFS trong hồ sơ công bố mỹ phẩm mà không có tài liệu nào chứng minh sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp kiểm tra đánh giá của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu và đã được cho phép sản xuất, buôn bán và tiêu dùng tại đất nước đó sẽ rất khó bảo đảm chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu...

Theo bà Trần Thị Xuân Hằng - Vụ Pháp chế, việc không có giấy chứng nhận CFS không chỉ tăng nguy cơ mỹ phẩm nhập khẩu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà còn phát sinh chi phí để khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng...

Giải pháp nào?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo, yêu cầu về CFS đã không còn có ý nghĩa quản lý thực tiễn vì không giúp quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm. Việc quản lý mỹ phẩm cần tập trung vào hậu kiểm theo đúng tinh thần của Asean và châu Âu, đồng thời nghiêm khắc xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn và chất lượng sản phẩm.

Nên chăng CFS chỉ nên giữ tư cách là một tài liệu tăng thêm giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc đánh giá tính an toàn của sản phẩm chứ không nên là một tài liệu bắt buộc. Nếu doanh nghiệp nộp CFS trong thành phần hồ sơ thì cơ quan nhà nước sẽ áp dụng cơ chế ưu đãi phù hợp... Những sản phẩm không có CFS sẽ được coi là rủi ro cao hơn và sẽ được áp dụng biện pháp thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa chặt hơn, ví dụ tần suất lấy mẫu kiểm tra hàng hóa trên thị trường cao hơn, kiểm nghiệm nhiều chỉ tiêu hơn so với những sản phẩm có CFS... Như vậy, sẽ phù hợp với nhu cầu của các DN mà vẫn bảo đảm việc kiểm soát về an toàn, chất lượng từ phía Nhà nước.


Dương Sơn
Ý kiến của bạn