Hà Nội

Cắt giảm thủ tục hành chính lĩnh vực ATTP: Tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng

15-03-2018 21:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Đây là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc về công tác triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP - thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 2/2/2018 của Đoàn công tác liên ngành Trung ương về ATTP tại Cục Hải quan, TP. Hải Phòng ngày 14/3.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Nghị định 15 được đánh giá là một cuộc “cách mạng” trong việc quản lý ATTP, thay đổi hình thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đồng thời Nghị định 15 đã “cởi trói” những thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo động lực phát triển, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp về quản lý chất lượng ATTP. Trong đó những thay đổi về thủ tục hành chính sẽ tiết kiệm về nhân công, chi phí.

Nếu như trước đây, 100% sản phẩm thực phẩm nhập khẩu phải tiền kiểm, dẫn đến thời gian thông quan lâu, lưu kho dài ngày gây khó khăn cho doanh nghiệp, thì nay với các sản phẩm này, cơ quan hải quan chỉ cần kiểm tra xác suất 1-5% trên lô hàng và hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây. Nhờ vậy đã giảm 90-95% thủ tục hành chính, không còn đại diện 3 bộ quản lý nhà nước về ATTP thường trực ở cửa khẩu mà chỉ có hải quan, giúp tiết kiệm 7,7 triệu ngày công và hơn 3.000 tỷ đồng.

Cắt giảm thủ tục hành chính lĩnh vực ATTP: Tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồngThay vì tiền kiểm 100% mẫu thực phẩm nhập khẩu, hiện nay việc tiền kiểm chỉ tiến hành theo xác suất khoảng 5% lô hàng.

Còn với các sản phẩm trong nước, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố và nộp một bản đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để hậu kiểm. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn của sản phẩm đó.

Để giám sát, cơ quan chức năng sẽ tăng cường khâu hậu kiểm, đề xuất nghiêm minh hơn trong xử phạt hành chính như phải tăng mức phạt, thậm chí rút giấy phép và xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm để tăng tính răn đe trong quá trình thực hiện.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kiên Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, từ ngày 2/2/2018, Nghị định 15 có hiệu lực, đi vào áp dụng ngay nhiều lô hàng thực phẩm chưa được thông quan do còn lúng túng vì chưa có những hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, việc thực hiện có nhiều vướng mắc, do chính bản thân doanh nghiệp, những đối tượng chịu ảnh hưởng của nghị định cũng chưa nắm rõ, nên việc chuẩn bị cũng có những khó khăn.

Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, Bộ Y tế và các bộ liên quan đã thành lập tổ phản ứng nhanh nhằm giải quyết ngay những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 15, đảm bảo sự nhanh nhẹn, thông thoáng nhất cho doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu sản phẩm thực phẩm.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn