Cắt cây trên đồi, người đàn ông bị đứt rời cẳng chân

11-06-2023 10:04 | Camera bệnh viện

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá vừa thực hiện ca phẫu thuật xuyên đêm nối thành công cẳng chân bị đứt rời cho nam bệnh nhân bị tai nạn lao động.

Bệnh nhân là ông L.V.T (58 tuổi, trú tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hoá). Trong lúc vận hành máy cắt cây trên đồi trồng keo, do bất cẩn, anh L.V.T bị máy văng vào và cắt đứt lìa đầu dưới cẳng chân phải. 

Sau đó, ông T. được đưa vào bệnh viện tuyến huyện sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá lúc 23h ngày 18/5/2023.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, ý thức lơ mơ, chân phải có vết đứt sắc gọn, đứt xương chày, xương mác và toàn bộ mạch máu, lộ cơ và xương dập nát, bàn chân phải lạnh, mất cảm giác, mất vận động, mạch mu chân không bắt được.

Cắt cây trên đồi, bệnh nhân bị đứt rời cẳng chân - Ảnh 1.

Chân phải bệnh nhân được sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.

Đánh giá đây là ca bệnh tổn thương rất phức tạp có nguy cơ cắt cụt chân phải cao, ê kíp phẫu thuật nhanh chóng hội chẩn các chuyên khoa liên quan. Sau 1 giờ vào viện, bệnh nhân nhanh chóng được làm đầy đủ các loại xét nghiệm cần thiết và chuyển về phòng phẫu thuật lúc 00h. 

Toàn bộ các bác sĩ của ê kíp nối chi thể khoa Chấn thương và Gây mê hồi sức được điều động khẩn cấp ngay trong đêm để phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Ê kíp các bác sĩ tiến hành truyền máu, cắt lọc, làm sạch vết thương, phẫu thuật xuyên đinh cố định xương, khâu nối động mạch chày trước, động mạch chày sau, tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch chày trước; nối gân gót, gân chày trước, các gân gấp, gân duỗi chung các ngón, nối dây thần kinh... bằng kính vi phẫu.

Cắt cây trên đồi, bệnh nhân bị đứt rời cẳng chân - Ảnh 2.

Sử dụng kính vi phẫu trong phẫu thuật chi thể đứt rời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.

Sau hơn 6 giờ phẫu thuật căng thẳng xuyên đêm, đến 6h00 phút sáng, ê kíp các bác sĩ đã phục hồi toàn bộ giải phẫu, khâu nối gân cơ, các mạch máu và thần kinh cho cằng chân đứt lìa của bệnh nhân.

Ngày thứ 7 sau mổ, toàn trạng bệnh nhân phục hồi tốt, lượng máu trở lại bình thường, huyết động ổn định. Tại chỗ vết mổ khô, chân nối của bệnh nhân phục hồi tốt, cẳng bàn chân phải hồng ấm có cảm giác, ngón chân cử động nhẹ nhàng và hồi lưu tốt, tiên lượng diễn biến thuận lợi.

Đến ngày 2/6 các bác sĩ tiếp tục thực hiện thêm 1 lần phẫu thuật vá da với diện tích 10cm2 tại phần chân nối bị khuyết da cho bệnh nhân. 

Hiện tại, sau 3 tuần điều trị, chân nối của bệnh nhân phục hồi tốt. Thời gian tới bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn các bài tập luyện phục hồi chức năng để đảm bảo phần chân nối có thể phục hồi lại gần như ban đầu các chức năng vận động.

BSCKII Hoàng Tuấn Long - Phó trưởng Khoa Chấn thương (Trưởng kíp phẫu thuật) cho biết, khu vực xảy ra tai nạn của bệnh nhân T. ở trên đồi cao, vắng người, địa hình hiểm trở, việc di chuyển bệnh nhân xuống dưới mặt đất khó khăn. Sau 6 tiếng đồng hồ kể từ thời điểm xảy ra tai nạn bệnh nhân mới được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. 

Để kịp thời cầm máu cấp cứu và tận dụng thời gian vàng trong nối chi thể cho bệnh nhân, sau khi nhận được thông báo từ Trung tâm Cấp cứu, ngay trong đêm, ê kíp các bác sĩ khoa Chấn thương và Gây mê hồi sức lập tức có mặt để phẫu thuật cho bệnh nhân.

Cắt cây trên đồi, bệnh nhân bị đứt rời cẳng chân - Ảnh 3.

BSCKII. Hoàng Tuấn Long - Phó trưởng Khoa Chấn thương – Trưởng kíp phẫu thuật thăm khám cho bệnh nhân.

BSCKII Hoàng Tuấn Long thông tin thêm, đứt rời tay hoặc chân là các tổn thương nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà còn ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh sau này. Vì vậy, việc triển khai và ứng dụng thành công kỹ thuật nối chi thể đứt rời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá mang lại kết quả rất tích cực, trao hy vọng cho nhiều trường hợp không may đứt rời chi thể trong quá trình lao động, sinh hoạt được phẫu thuật cấp cứu kịp thời ngay tại địa phương, giảm bớt di chứng nặng nề cho người bệnh, giúp họ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, phẫu thuật nối ghép mạch máu, thần kinh, chi thể đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, đôi tay thật khéo léo và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa. Bên cạnh đó, bác sĩ phẫu thuật còn phải am hiểu về quá trình đông máu, huyết động học, cấu trúc mạch máu,… để tránh các biến chứng có thể xảy đến trong quá trình phẫu thuật.

Chạy đua với thời gian nối lại cánh tay đứt rời cho bệnh nhânChạy đua với thời gian nối lại cánh tay đứt rời cho bệnh nhân

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vừa thực hiện nối vi phẫu thành công trả lại cánh tay nguyên vẹn cho bệnh nhân nữ (47 tuổi, trú Hà Tĩnh) bị đứt rời do tai nạn lao động.


Ngọc Hưng
Ý kiến của bạn