Hà Nội

Cát căn giải nhiệt, khắc phục tiêu chảy

12-09-2021 08:29 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Cát căn là vị thuốc của y học cổ truyền được làm từ sắn dây. Thuốc dẫn vào kinh dương minh, có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, thăng đề, vị khí; được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.

Ứng dụng của vị thuốc cát căn

Cây sắn dây có tên khoa học là Pueraria thosonii Benth, thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây mọc hoang hoặc được trồng ở khắp nơi để lấy củ ăn, chế bột sắn dây và làm thuốc chữa bệnh.

Tên dùng trong đơn thuốc: Phấn cát căn (bột sắn dây sống), can cát căn (sắn dây khô), ổi cát căn (sắn dây nướng), sinh cát chấp (nước sắn dây sống).

Bộ phận dùng: Rễ củ được dùng làm thuốc, ngoài ra hoa của cây cũng được dùng để làm thuốc.

Bào chế: Lấy nước lã rửa sạch củ, thái miếng mỏng dùng sống. Hoặc giã lấy nước cốt hay nướng để dùng. Hoặc mài củ tươi lấy bột.

Cát căn – giải cơ, thoái nhiệt, trị tiêu chảy - Ảnh 1.

Cây sắn dây.

Tính vị quy kinh: Vị cay, ngọt, tính bình. Vào hai kinh vị, bàng quang.

Công dụng: Thuốc dẫn vào kinh dương minh, giải cơ, thoái nhiệt, thăng đề, vị khí.

Chủ trị:

1. Tà ở kinh dương minh, chỉ nóng không lạnh hoặc gáy sau lưng cứng đờ hoặc thái dương và dương minh cùng hợp bệnh làm cho gáy lưng cứng đờ đều có thể dùng được.

2. Bệnh thái dương do hạ nhầm mà gây nên những chứng tiêu chảy hiệp nhiệt hoặc sởi muốn mọc không mọc được, phần cơ nóng mãi không lui.

3. Người bị tỳ hư kiêm cơ nhiệt tiêu chảy có thể dùng cát căn nướng.

Ứng dụng:

1. Cát căn dùng sống giải cơ nhiệt sinh tân dịch; dùng nướng kích thích vị khí mà đi lên. Thoái nhiệt nên dùng sống, chỉ tả (cầm tiêu chảy) nên dùng nướng.

2. Hoa cát căn có công dụng giải độc rượu. Nước cát căn sống giải được ôn độc.

 Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng hoặc sốt nóng mà sợ lạnh cần thận trọng khi sử dụng.

Liều dùng: 4 gam – 12 gam.

Các bài thuốc có vị cát căn

Cát căn – giải cơ, thoái nhiệt, trị tiêu chảy - Ảnh 3.

Vị thuốc cát căn giải cơ, thoái nhiệt.

1. Bài thuốc: Cát căn hoàng cầm hoàng liên thang

 Xuất xứ bài thuốc: Thương hàn luận

Thành phần bài thuốc: Cát căn 12 gam, hoàng cầm 12 gam, hoàng liên 4 gam, chích cam thảo 4 gam.

Cách dùng: Đun cát căn trước, rồi cho các vị thuốc sắc sau, bỏ bã chia đều 3 lần trong ngày, uống ấm.

Tác dụng: Giải biểu, thanh nhiệt.

Chủ trị: Bài thuốc thường dùng chữa chứng tả lỵ mới mắc còn biểu chứng. Chữa bệnh thuộc kinh dương minh, nóng nhiều, đi kiết lỵ hoặc suyễn thở, ra mồ hôi, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch sác và người uống rượu bị nhiệt suyễn.

Về lâm sàng có tác giả báo cáo dùng bài thuốc chữa bệnh thương hàn thời kỳ đầu có kết quả tốt.

Lưu ý: Không dùng bài thuốc này với chứng tả lỵ thuộc chứng hư.

2. Bài thuốc: Bạch địa căn

Thành phần bài thuốc: Bạch chỉ có hàm lượng 250 mg, địa liền có hàm lượng 10 mg, cát căn có hàm lượng 250 mg

Dạng bào chế: Thuốc được bào chế dạng viên nén hoặc viên nang cứng.

Tác dụng chỉ định: Bạch chỉ có tác dụng tán hàn, giải biểu, giảm đau, trừ phong thấp, giải độc. Đây là vị thuốc có công dụng tốt trong giảm đau, kháng khuẩn.

Địa liền có tác dụng ôn trung tán hàn trừ thấp.

Cát căn có tác dụng giải nhiệt, thoái nhiệt, giải cơ, thăng đề vị khí.

Bạch địa căn hỗ trợ giảm sốt, giảm triệu chứng đau đầu, mệt mỏi do cảm cúm.

Liều dùng: Mỗi lần uống 3 viên, ngày uống 3 đến 4 lần và uống liên tục trong 1 tuần.

Lưu ý: Bạch địa căn hỗ trợ điều trị cảm cúm. Thuốc chỉ có tác dụng giảm triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi.

3. Bài thuốc: Cát căn thang 

Cát căn – giải cơ, thoái nhiệt, trị tiêu chảy - Ảnh 4.

Bột sắn dây.

Xuất xứ: Kim quĩ yếu lược.

Thành phần bài thuốc: Cát căn 12 gam, cam thảo nướng 06 gam, đại táo 12 gam, ma hoàng 08 gam, quế chi 06 gam, bạch thược 06 gam, sinh khương 08 gam,

Cách dùng: Đun cát căn và ma hoàng trước, cho các vị thuốc sắc sau, bỏ bã, chia đều 3 lần trong ngày, uống ấm.

Tác dụng: Giải biểu, phát hãn, thăng tân, thư cân.

Chủ trị: Trị bệnh thái dương gây ra chứng kính (không có mồ hôi, tiểu ít, khí xông lên ngực, cấm khẩu không nói được). Ứng dụng hỗ trợ chữa cảm mạo, cúm, viêm não Nhật Bản mới phát. Viêm ruột cấp tính, lỵ trực khuẩn giai đoạn đầu.

4. Bài thuốc: Thăng ma Cát căn thang 

Xuất xứ: Tiểu nhi phương luận

Thành phần bài thuốc: Thăng ma 6 gam - 8 gam, thược dược 8 gam - 12 gam, cát căn 8 gam - 10 gam, chích cam thảo 2 gam - 4 gam.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia đều 3 lần uống trong ngày.

Tác dụng: Giải cơ, thấu chẩn.

Chủ trị: Bài thuốc thường dùng hỗ trợ chữa bệnh sởi, trẻ em khó mọc hoặc mọc không đều, phát sốt, sợ gió, ho, mắt đỏ, chảy nước mắt, lưỡi đỏ, rêu trắng, mạch phù sác.

Lưu ý: Theo cổ phương các vị thuốc liều lượng đều bằng nhau, tán bột hoặc sắc uống.

5. Bài thuốc: Sâm tô ẩm

 Xuất xứ: Hòa tễ cục phương

Thành phần bài thuốc: Đẳng sâm 12 gam, tô diệp 12 gam, cát căn 12 gam, tiền hồ 12 gam, bán hạ 12 gam, bạch linh 12 gam, trần bì 08 gam, cam thảo 08 gam, cát cánh 08 gam, chỉ xác 08 gam, mộc hương 08 gam.

Cách dùng: Tán bột mỗi ngày uống 8 gam đến 12 gam. Gia sinh khương 7 lát, đại táo 1 quả. Có thể dùng sắc uống ngày 1 thang, chia đều 3 lần.

Tác dụng: Ích khí, giải biểu, lý khí, hóa đàm.

Chủ trị: Hỗ trợ chữa bệnh nhân khí hư ngoại cảm phong hàn, bên trong có đàm thấp sốt, sợ lạnh, đau đầu, nghẹt mũi, ho nhiều đờm, ngực đầy tức, rêu trắng, mạch nhược.

Theo sách Hòa tễ cục phương: Thuốc dùng cho những người bị tứ thời cảm mạo, người sốt, đau đầu, ho có đờm, nói khó khăn, chảy nước mũi, vùng thượng vị bị đầy tức, nôn mửa và ói nước. Thuốc cũng được dùng cho những người bị ho có đờm khi bị cảm thời tiết, mà những ngày thường vị tràng yếu.

Thuốc được ứng dụng để chữa viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, ngộ độc rượu, chứng khí uất, suyễn, nôn ọe.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội


ThS. BS. Trần Thị Tới
Phó ban Chuyên môn Trung ương Hội Đông y Việt Nam
Ý kiến của bạn