Cắt bỏ 2 khối u buồng trứng lớn khỏi mẹ bầu, thai nhi vẫn an toàn

03-08-2022 08:49 | Camera bệnh viện

SKĐS - Các bác sĩ cho biết, nếu không phẫu thuật kịp thời, khối u có thể bị xoắn nặng hơn, dẫn đến hoại tử buồng trứng, vỡ u nang buồng trứng, sảy thai, nguy hiểm tới tính mạng cả sản phụ và thai nhi.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật tách bỏ thành công khối u lớn tương đương thai 7 tháng cho sản phụ đang mang thai tuần thứ 14 đồng thời vẫn giữ được thai an toàn.

Ngày 27/7/2022, khoa Phụ ngoại, phụ nội tiết của bệnh viện đã tiếp nhận người bệnh P.T.N (sinh năm 1992) trú tại Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều vùng hạ vị, bụng chướng căng, vật vã, kích thích, đồng thời người bệnh N. đang mang thai được 13 tuần 4 ngày, dọa sẩy thai.

Qua khám lâm sàng các bác sĩ sờ thấy có khối u chiếm gần hết ổ bụng, mềm và không rõ ranh giới, phổi không có rals. Người bệnh N. được chỉ định khám cận lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Trên hình ảnh siêu âm cho thấy hai bên buồng trứng đều có khối u. Đặc biệt, buồng trứng bên trái có khối u xoắn, kích thước to choán gần hết ổ bụng, dịch bên trong đồng nhất, khối này lớn đè đẩy các tạng xung quanh. Khối u buồng trứng phải có kích thước nhỏ hơn.

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, các bác sĩ quyết địnhmổ nội soi cấp cứu ngay trong đêm để loại bỏ khối u, cứu thai nhi. Ngay lập tức, người nhà bệnh nhân N. được giải thích tình trạng bệnh và ekip phẫu thuật được huy động, chuyển người bệnh vào phòng mổ.

BSCKII Nguyễn Tiến Công – Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi đã phẫu thuật nội soi cấp cứu cho người bệnh, lấy được khối u buồng trứng trái xoắn có kích thước 30x35 cm (tương đương thai 7 tháng tuổi) và khối u buồng trứng phải có kích thước 3x4cm. Ekip phẫu thuật cũng đã hút từ khối u buồng trứng trái ra được 4,5 lít dịch dạng thanh dịch. Cả 2 khối u đều có dạng thanh dịch.

Cắt bỏ 2 khối u buồng trứng lớn khỏi mẹ bầu, thai nhi vẫn an toàn - Ảnh 1.

Hình ảnh khối u buồng trứng xoắn có kích thước 30x35cm được lấy ra bằng phương pháp mổ nội soi.

Được biết, trước đó chị N. đã có tiền sử kinh nguyệt không đều và phát hiện khối u buồng trứng từ tháng 12 năm 2021, tuy nhiên chưa can thiệp để xử lý khối u. Khi xuất hiện triệu chứng đau bụng nhiều, chị N. đã được gia đình đưa đến khám và nhập viện tại một Trung tâm y tế huyện. Tại đây, các bác sĩ siêu âm thấy có khối u to bất thường nên đã chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều trị.

Theo BSCKII Nguyễn Tiến Công, trường hợp sản phụ N. tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi mang trong mình khối u lớn, chèn ép lên nhiều tạng trong cơ thể. Nếu không phẫu thuật kịp thời, khối u có thể bị xoắn nặng hơn, dẫn đến hoại tử buồng trứng, vỡ u nang buồng trứng, sảy thai, nguy hiểm tới tính mạng cả sản phụ và thai nhi.

Quá trình phẫu thuật nội soi bóc tách khối u cần phải hết sức cẩn trọng, đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao, nếu không có thể khiến sảy thai trong quá trình phẫu thuật, kèm theo đó là tình trạng mất máu, nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, sau hơn 1,5 giờ, ca mổ đã thành công tốt đẹp, bảo tồn được thai nhi và sức khỏe sản phụ ổn định.Với ưu điểm phẫu thuật lấy khối u bằng phương pháp nội soi, người bệnh được gia tăng khả năng hồi phục cũng như rút ngắn thời gian phải ở tại bệnh viện điều trị.

Cắt bỏ 2 khối u buồng trứng lớn khỏi mẹ bầu, thai nhi vẫn an toàn - Ảnh 2.

Sau 5 ngày điều trị tình trạng sức khỏe của sản phụ N và thai nhi phát triển tốt, đi lại bình thường và đã được xuất viện.

BS. Công cũng khuyến cáo, u xoắn buồng trứng là một loại biến chứng nguy hiểm nhưng không có bất cứ biện pháp phòng ngừa nào triệt để. Đối với phụ nữ nói chung nên thường xuyên đi thăm khám định kỳ, để tâm đến những biểu hiện đau bất thường của cơ thể. Đặc biệt, với những trường hợp phụ nữ có thai và tiền sử có u buồng trứng, nên để ý và theo dõi các vấn đề thai nghén cũng như u buồng trứng của bản thân. Khi có những dấu hiệu bất thường, đặc biệt là đau bụng hoặc có những triệu chứng như nôn, sản phụ cần tới những cơ sở y tế uy tín khám ngay để xác định những bất thường.

Nếu trường hợp có u buồng trứng hoặc u buồng trứng xoắn, cần phải can thiệp, các bác sĩ có thể điều trị bằng phương pháp mổ nội soi từ lúc thai nhi trên 12 tuần. Với phương pháp điều trị này, thai nhi sẽ có cơ hội được bảo tồn và giảm tình trạng sảy thai trên sản phụ có u buồng trứng.

U nang buồng trứng xoắn là gì?

U nang buồng trứng xoắn là một biến chứng nguy hiểm gặp trong bệnh u nang buồng trứng. Xoắn buồng trứng được miêu tả là khi buồng trứng bị xoắn xung quanh dây chằng cố định (buồng trứng).

Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện. Các khối u nang buồng trứng có hai dạng: Có cuống và không có cuống. Tình trạng u nang buồng trứng xoắn thường xảy ra với trường hợp các khối u có cuống dài, trọng lượng vừa phải, đường kính từ 8 - 10cm. Các u này dễ bị xoắn do nặng hơn, tuy nhiên, các u nang và nang hoàng tuyến sau nạo thai trứng cũng có thể bị xoắn.

Cắt bỏ 2 khối u buồng trứng lớn khỏi mẹ bầu, thai nhi vẫn an toàn - Ảnh 3.

Hình ảnh u nang buồng trứng xoắn.

U nang buồng trứng xoắn có thể gây ra những biến chứng gì?

Nếu u nang buồng trứng có cuống chỉ bị bị xoắn nhẹ thì sau đó sẽ trở về vị trí cũ. Nếu xoắn mạnh hơn, u nang sẽ không thể trở về vị trí ban đầu. Việc xoắn này có thể làm cắt nguồn lưu lượng máu nuôi cung cấp cho buồng trứng và ống dẫn trứng.

Nếu không được phẫu thuật kịp thời, u nang có thể bị hoại tử và vỡ do không được máu tới nuôi dưỡng. Điều này dẫn đến tình trạng viêm màng bụng (hay còn gọi là viêm phúc mạc), từ đó có thể dẫn tới tử vong.

Phòng ngừa u buồng trứng

Để phòng ngừa hiệu quả u buồng trứng xoắn, thai phụ nên chú ý hoạt động nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh, nên thực hiện một số biện pháp sau đây để hạn chế tình trạng xoắn u nang buồng trứng.

  • Nên lựa chọn thực phẩm tươi sống, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, không sử dụng các chất kích thích, đồ ăn chế biến sẵn.
  • Uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể, giảm thiểu sự tích tụ các chất độc hại.
  • Có thể tập luyện hàng ngày để tăng sức đề kháng của cơ thể.
  • Không nên tự ý sử dụng thuốc khi phát hiện có bất thường về sức khỏe trong quá trình mang thai.
  • Đặc biệt, cần giảm căng thẳng, lo âu, giữ cân bằng nội tiết tố, không cho khối u có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, u buồng trứng thường phát triển một cách âm thầm và khó nhận biết. Chính vì vậy, chúng ta cần theo dõi sức khỏe và khám định kỳ 3 đến 6 tháng/lần.

Thai phụ 28 tuần đã chuyển dạ, bác sĩ cấp cứu khâu vòng cổ tử cung giữ thai thành côngThai phụ 28 tuần đã chuyển dạ, bác sĩ cấp cứu khâu vòng cổ tử cung giữ thai thành công

SKĐS - Đó là trường hợp của chị N.T.H (38 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ), sinh con lần 3 khi tuổi đã khá cao nên quá trình mang thai của chị H cũng không mấy thuận lợi.


Dương Hải
Ý kiến của bạn