Cặp vợ chồng chênh lệch 30 tuổi, sống cơ cực nhưng hạnh phúc: "Tất cả là duyên số"

23-06-2022 07:26 | Đời sống
google news

Suốt 14 năm qua, chị Phạm Thị Thêm (33 tuổi) chọn cách gắn đời mình với người đàn ông hơn chị gần 30 tuổi. Dù sống cơ cực nhưng hai vợ chồng luôn nương tựa lẫn nhau.

Vỡ oà niềm hạnh phúc được làm cha của người đàn ông vô sinh thứ phát 23 nămVỡ oà niềm hạnh phúc được làm cha của người đàn ông vô sinh thứ phát 23 năm

SKĐS - "Tôi cũng không biết nói gì hơn ngoài niềm hạnh phúc khi có con. Ngày vợ sinh, tôi không khóc mà một tay ôm con một tay siết thật chặt tay vợ vì mừng"- người đàn ông vô sinh thứ phát 23 năm lại được làm cha đã chia sẻ ...

Ước mơ của thời con gái

Trong buổi trò chuyện với PV, chị Phạm Thị Thêm (33 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đôi lần bật khóc. Không biết bố mình là ai, mẹ bỏ đi biền biệt, niềm an ủi lớn nhất đời là người chồng hơn chị 30 tuổi cùng hai đứa con. Mặc bao lời dị nghị từ xóm giềng, cặp vợ chồng đã vun đắp hạnh phúc trong suốt 14 năm qua, dẫu cuộc sống còn nhiều điều khó khăn.

Chị Thêm nói: "Tôi thiếu vắng tình thương cha mẹ khi còn nhỏ, ngoại là người nuôi tôi lớn khôn. Năm 19 tuổi, tôi đến chùa làm công quả thì gặp anh Võ Ngọc Hấn. Lúc đó, anh ấy đã 43 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Ban đầu, tôi vẫn xưng hô là chú - cháu với anh. Tôi âm thầm quan sát thì thấy Hấn là người đàn ông hiền lành, trầm tính và đặc biệt là không biết nhậu nhẹt. Tôi đem lòng cảm mến từ đó. Mọi người xung quanh cũng gán ghép chúng tôi, và thế là tình yêu bắt đầu".

Cặp vợ chồng chênh lệch 30 tuổi, sống cơ cực nhưng hạnh phúc: Tất cả là duyên số - Ảnh 1.

Chị Thêm bồi hồi kể lại những ngày đầu gặp chồng.

Ba tháng sau khi tìm hiểu, cặp đôi quyết định tiến đến hôn nhân. Chị Thêm cho biết: "Gia đình tôi cũng nghèo khó, nhưng suốt thời con gái tôi chỉ mong muốn có một đám cưới cho đàng hoàng. Tôi đã không biết mặt ba, mẹ lại bỏ đi, tôi mong anh mang trầu cau qua rước để danh chính ngôn thuận mà về nhà chồng. Thấy tôi lấy chồng lớn tuổi, bà ngoại cũng lo lắng. Tôi phải trấn an bà rằng đó là quyết định chín chắn nhất đời mình. Trước khi xuất giá, bà cũng dặn dò tôi rất nhiều, phải lễ phép, phải biết làm việc nhà..."

Đám cưới diễn ra với nhiều lời chúc phúc và cũng không ít lời đàm tiếu từ những người xung quanh. Chị Thêm dọn ra sống cùng chồng ở ngôi nhà gần bên ngoại. "Chồng tôi cũng khó khăn, ngày mới lấy nhau, chúng tôi vẫn phải đi nhặt ve chai để kiếm sống qua ngày", chị Thêm nghẹn ngào.

Cuộc sống đầy cơ cực

Chị Thêm lý giải, tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc đời mình đều dựa vào hai chữ "duyên số". Nhờ duyên số, chị mới đem lòng yêu thương và kết hôn cùng người đàn ông hơn mình gần 30 tuổi. Suốt 14 năm qua, cuộc sống của đôi vợ chồng đầy cơ cực, vất vả và nhiều thăng trầm.

Chị kể: "Năm đầu tiên về sống, tôi đã cấn bầu đứa con gái. Vợ chồng tôi nghèo tới mức phải để dành 10.000 đồng mỗi ngày chờ đến ngày sanh con. Hằng ngày, anh ấy đi nhặt ve chai, mủ nhựa. sắt vụn... rồi đi bán vé số. Dù trời nóng bức, mưa lớn hay mấy hôm mệt mỏi trong người, anh cũng không bao giờ nghỉ làm ở nhà. Nhờ trời thương, đứa con gái đầu tiên cũng ra đời một cách khỏe mạnh".

Chị Thêm nhớ lại, năm bão số 1 đổ bộ vào miền Tây, cả hai vợ chồng đều không thể ra ngoài đi làm, đành nhịn đói ở trong nhà. Khi gió rít bên ngoài từng cơn, cành cây đập vào vách tôn, chị sợ vô cùng. Tuy nhiễn, nỗi sợ đó không lớn bằng cơn đói cồn cào cả ruột gan.

Cặp vợ chồng chênh lệch 30 tuổi, sống cơ cực nhưng hạnh phúc: Tất cả là duyên số - Ảnh 2.

Con trai được bố mẹ đẩy đi nhặt ve chai cùng.

Những ngày khó khăn đó, vợ chồng đành ôm nhau cố nhắm mắt để ngủ cho qua ngày. Đó là lần mà chị Thêm thấy cuộc đời mình rơi vào bế tắc. "Tôi còn nhớ 8 năm trước, tôi sinh đứa thứ 2. Chúng tôi ở trong một căn trọ ngột ngạt, bốn bề là vách tôn dựng đứng. 10h30 tối, tôi đột nhiên trở dạ nhưng không kịp vào bệnh viện. Đứa bé ra đời ngay trong căn trọ ọp ẹp đó, chính bố là người cắt dây rốn", chị Thêm nhớ lại.

Hai đứa con ra đời đồng nghĩa với việc vợ chồng phải "đánh vật" với vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Mỗi tháng, cả hai đều phải trả 1 triệu đồng tiền trọ, bao gồm cả điện nước. Cuộc sống ngày càng khó khăn, hiện tại, vợ chồng chị Thêm phải dọn vào nhà bà con sinh sống.

Chị nói: "Dẫu cuộc sống có muôn vàn khốn khó nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định của mình. Tôi nhớ có lần anh ấy bị tai nạn xe chấn thương phải nằm ở nhà suốt 7 tháng. Tôi đành phải để đứa con lớn ở nhà chăm sóc ba, con trai theo mẹ bán vé số. Tôi cũng tủi thân, chạnh lòng vì hoàn cảnh của mình lắm chứ. Tuy nhiên, tôi may mắn có được người đàn ông không nhậu nhẹt, chí thú làm ăn. Chúng tôi đã vượt qua những lời đàm tiếu để sống hạnh phúc bên nhau".

Những cơn gió mùa hè làm căn phòng vỏn vẹn vài mét vuông của chị Thêm càng ngột ngạt. Trong căn phòng đó, cả nhà 4 người cùng nấu ăn, tắm giặt, ngủ nghỉ. Một ngày lao động kéo dài từ sáng sớm đến tận tối mịt, thời điểm ấy, cả hai mới được ngả lưng. Nhưng trong 14 năm qua, chị luôn cảm thấy mình hạnh phúc vì đã có sự lựa chọn đúng đắn. "Người đàn ông cạnh bên mình phải luôn là điểm tựa", chị Thêm nói chắc nịch.

Câu chuyện về những cặp vợ chồng gác lại niềm riêng, "lao" vào cuộc chiến với COVID-19Câu chuyện về những cặp vợ chồng gác lại niềm riêng, 'lao' vào cuộc chiến với COVID-19

SKĐS - Các y, bác sĩ đã tạm gác lại mọi công việc riêng tư, quên đi hạnh phúc của riêng mình, tạm xa con nhỏ, hoãn lại đám cưới để dấn thân vào trận chiến với COVID-19, giành giật sự sống cho bệnh nhân từ "cửa tử".

khám phá ẩm thực Hải Phòng


theo ttvn.toquoc.vn
Ý kiến của bạn