Thông tin việc phát hành trùng lặp hàng trăm ngàn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên toàn quốc đang gây xôn xao dư luận. Giải pháp nào cho thực trạng này đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Tại tỉnh Bình Định, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, cơ quan BHXH và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra, rà soát việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT trên địa bàn tỉnh năm 2011 và 2012. Kết quả, tỉnh này có 12.705 thẻ cấp trùng, với số tiền đóng, hỗ trợ hơn 5,4 tỷ đồng. Theo ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định, đa số thẻ BHYT bị cấp trùng là do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Các thẻ bị cấp trùng chủ yếu ở nhóm đối tượng: người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, thân nhân quân đội và trẻ dưới 6 tuổi. Chỉ riêng đối tượng thuộc hộ nghèo, trong 3 năm (2010 - 2012), đã có 17.602 thẻ BHYT bị cấp trùng khiến ngân sách nhà nước “rót” nhầm hơn 3,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2011, số thẻ bị cấp trùng với đối tượng thuộc hộ nghèo lên đến 8.873 thẻ (cao gần gấp đôi so với năm 2010 và 2012). Ông Trần Văn Trung lý giải: “Năm 2011, danh sách trẻ em dưới 6 tuổi được cấp xã chuyển thẳng cho cơ quan BHXH cấp huyện mà không qua phòng LĐ-TB&XH, nên việc rà soát càng khó khăn. Cuối năm 2011, BHXH tỉnh Bình Định và Sở LĐ-TB&XH đã có rà soát, chấn chỉnh nên tình hình được cải thiện phần nào”.
![]() |
Theo Dự thảo sửa đổi Luật BHXH đang được lấy ý kiến đóng góp, UBND cấp xã sẽ là cơ quan đầu mối duy nhất có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT, vì đây là cơ quan hành chính cơ sở trực tiếp quản lý người dân. Trong thời gian chờ đợi Luật BHXH sửa đổi đi vào cuộc sống, các địa phương, cơ quan, ban ngành cần tăng cường phối hợp trong quy trình cấp thẻ để hạn chế tối đa việc cấp trùng thẻ. “Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan BHXH kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc để khắc phục những tồn tại trong công tác lập danh sách đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ, hạn chế đến mức thấp nhất sai sót”, ông Phan Như Hải - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Định khẳng định.
Còn ông Trần Văn Trung thì cho rằng, giải pháp căn cơ là phải có mã an sinh xã hội của từng người. Đồng thời, tiến hành xây dựng một phần mềm chuyên dụng để lọc dữ liệu, kiểm soát những thông tin trùng trong danh sách đối tượng được cấp thẻ. Hiện nay, hai việc này đang được ngành BHXH phối hợp với các ngành liên quan tiến hành đồng thời. “Số thẻ cấp trùng đã được thống kê đầy đủ, cơ quan BHXH sẽ tiến hành thu hồi thẻ trùng và hoàn trả tiền về ngân sách nhà nước, bằng cách khấu trừ vào các khoản hỗ trợ của năm sau. Theo đúng quy định, thẻ nào có mã quyền lợi tốt nhất sẽ được giữ lại. Việc cấp trùng thẻ không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT”, ông Trung cho biết thêm.
Để tìm hiểu giải pháp cho vấn đề cấp trùng thẻ BHYT, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Theo ông Thảo, khi phát hiện vấn đề trên, BHXH Việt Nam đã bổ sung phần mềm quản lý cấp thẻ BHYT nhằm kiểm soát việc phát hiện cấp trùng thẻ BHYT. Tuy nhiên, việc “lọc”, tìm ra đối tượng trùng lặp hiện vẫn thực hiện theo cách rất thủ công, mất nhiều thời gian. Ví dụ, cán bộ của cơ quan BHXH phải lọc lần lượt xem có bao nhiêu đối tượng trùng tên Nguyễn Văn A, rồi kiểm tra xem địa chỉ từng người ra sao, nếu địa chỉ không rõ ràng mà trùng ngày tháng năm sinh thì phải lọc tiếp đến tên bố, mẹ từng người... Mà khi BHXH phát hiện thấy sự trùng lặp trong cấp thẻ BHYT thì cũng không được tự ý “cắt” danh sách đó đi được, vì Luật BHYT quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp thẻ theo đề xuất của cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT. Vì vậy, sau khi thống nhất với các Sở LĐTB&XH, Sở Tài chính, BHXH phải tập hợp danh sách đối tượng trùng lặp để báo cáo UBND các địa phương. Quyết định của UBND về việc giảm số thẻ BHYT bị trùng sau đó, sẽ là căn cứ để trừ giảm số tiền đã cấp mua thẻ BHYT (500.000 đồng/thẻ theo cách tính của năm 2011 và 600.000 đồng/thẻ năm 2012). Việc thu hồi ngân sách liên quan đến việc cấp trùng 770.000 thẻ BHYT đang được thực hiện theo phương thức này.
Được biết, trong kiến nghị sửa Luật BHYT tới đây, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ đề xuất quy định mới, đó là giao trách nhiệm cho một cơ quan đầu mối đứng ra lập danh sách người được cấp thẻ BHYT (như giao trách nhiệm trực tiếp cho UBND các cấp). Đồng thời, đề xuất phương án đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình với sự xác nhận của UBND, thay bằng việc đăng ký từng cá nhân tham gia BHYT như hiện nay...
Nguyễn Trang - Phương Minh