Cấp thuốc tự điều trị không phải là thuốc dự phòng sốt rét

10-10-2018 15:11 | Tin nóng y tế

SKĐS - Hiện nay các địa phương tại nước ta đang triển khai chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét. Trước đây với chiến lược cũ, việc phòng bệnh cá nhân bằng thuốc được thực hiện phổ biến gọi là điều trị dự phòng hay uống thuốc phòng. Trong chiến lược mới, biện pháp điều trị dự phòng không thực hiện mà chuyển sang biện pháp cấp thuốc tự điều trị để mang lại hiệu quả tốt hơn và chủ động ngăn ngừa sốt rét kháng thuốc. Vì vậy cần lưu ý cấp thuốc tự điều trị không phải là thuốc điều trị dự phòng sốt rét.

Điều trị dự phòng sốt rét

Điều trị dự phòng sốt rét trước đây là một biện pháp bảo vệ cá nhân được ứng dụng một cách khá phổ biến nhưng hậu quả dẫn đến là ký sinh trùng sốt rét nhanh chóng kháng lại thuốc sử dụng. Biện pháp này thực hiện bằng cách định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần cho đối tượng cần được bảo vệ uống thuốc sốt rét để có một lượng thuốc thường trực trong máu nhằm sẵn sàng tiêu diệt những ký sinh trùng sốt rét đột nhập vào cơ thể từ muỗi Anopheles truyền bệnh cho nên thường gọi là uống thuốc phòng sốt rét.

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét cũ, việc uống thuốc phòng sốt rét được thực hiện cho các đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét tạm thời như: Phụ nữ có thai sống trong vùng sốt rét lưu hành uống thuốc chloroquine phosphate viên 250mg (chứa 150mg base) với 2 viên mỗi tuần trong suốt thời kỳ mang thai. Khách du lịch, người đến công tác có thời hạn trong vòng 6 tháng phải uống thuốc phòng sốt rét hàng tuần trong suốt thời gian ở vùng sốt rét và uống thêm 4 tuần sau khi ra khỏi vùng sốt rét bằng thuốc mefloquine viên 250mg với liều lượng theo nhóm tuổi; có thể uống thuốc chloroquine phosphate viên 250mg khi vào vùng có ký sinh trùng sốt rét còn nhạy cảm với thuốc này theo nhóm tuổi. Người mới đến định cư trong vùng sốt rét uống thuốc phòng trong vòng 6 tháng đầu bằng thuốc mefloquine hàng tuần theo nhóm tuổi, có thể uống thuốc chloroquine phosphate viên 250mg khi vào vùng có ký sinh trùng sốt rét còn nhạy cảm với thuốc này theo nhóm tuổi. Một nhược điểm của biện pháp là ký sinh trùng sốt rét sẽ tăng sức chịu đựng dẫn đến tình trạng kháng thuốc nên hiện nay không được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện áp dụng.

Cấp thuốc tự điều trị sốt rét không phải là thuốc điều trị dự phòng sốt rét (ảnh minh họa).

Cấp thuốc tự điều trị sốt rét không phải là thuốc điều trị dự phòng sốt rét (ảnh minh họa).

Cấp thuốc tự điều trị

Trong chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét hiện nay, việc điều trị dự phòng bằng thuốc như trên được loại bỏ trước tình hình ký sinh trùng sốt rét đã và đang có dấu hiệu kháng thuốc lan rộng. Thay vào đó là ứng dụng biện pháp cấp thuốc tự điều trị cho các đối tượng như: Người đi từ vùng không có sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành trên 1 tuần. Người sống trong vùng sốt rét lưu hành có các hoạt động đi rừng, ngủ rẫy, khai thác lâm thổ sản ở lại đêm; người qua lại biên giới vùng sốt rét lưu hành. Biện pháp này chỉ áp dụng cho những huyện thuộc vùng sốt rét lưu hành tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ không nằm trong vùng sốt rét kháng thuốc đã xác định. Nhân viên y tế từ tuyến xã, phường, thị trấn trở lên mới được cấp thuốc tự điều trị cho các đối tượng cần thiết; đồng thời phải tư vấn, hướng dẫn, dặn dò kỹ cho họ biết cách sử dụng thuốc và theo dõi sau khi trở về. Thuốc sốt rét được cấp để tự điều trị là Dihydroartemisinine-Piperaquine với biệt dược là Arterakine, CV Artecan uống trong 3 ngày, liều lượng uống theo nhóm tuổi hay cân nặng như: Dưới 3 tuổi tương ứng 15kg, uống giờ đầu 1/2 viên, 8 giờ sau uống 1/2 viên, hai ngày sau uống mỗi ngày 1/2 viên. Từ 3 đến dưới 8 tuổi tương ứng 15 đến dưới 25kg, uống giờ đầu 1 viên,  8 giờ sau uống 1 viên, hai ngày sau uống mỗi ngày 1 viên. Từ 8 đến dưới 15 tuổi tương ứng 25 - 40kg, uống giờ đầu 1 1/2 viên, 8 giờ sau uống 1 1/2 viên, hai ngày sau uống mỗi ngày 1 1/2 viên. Từ 15 tuổi trở lên tương ứng trên 40kg, uống giờ đầu 2 viên,  8 giờ sau uống 2 viên, hai ngày sau uống mỗi ngày 2 viên. Lưu ý hạn chế cấp thuốc tự điều trị cho những đối tượng không cần thiết để tiến tới không cấp thuốc tự điều trị cho các vùng không cơ nguy cơ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Như vậy, việc cấp thuốc điều trị dự phòng sốt rét trước đây hoàn toàn khác hẳn với cấp thuốc tự điều trị hiện nay. Thuốc điều trị dự phòng thực hiện cho các đối tượng chưa bị mắc sốt rét để chủ động phòng ngừa với khả năng tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét khi chúng xâm nhập vào cơ thể qua muỗi truyền bệnh đốt hút máu. Còn cấp thuốc tự điều trị thực hiện cho các đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét và khi bị mắc sốt rét với triệu chứng hoặc biểu hiện nghi ngờ thì có ngay thuốc để tự điều trị kịp thời trước khi trở về nhà hay đến cơ sở y tế nhằm chủ động hạn chế sốt rét ác tính dẫn đến tử vong. Những đối tượng được cấp thuốc tự điều trị phải hiểu rõ vấn đề này để thực hiện, chỉ sử dụng thuốc khi nghi ngờ bị mắc bệnh, không được dùng khi không có dấu hiệu mắc bệnh như cách dùng thuốc điều trị dự phòng trước đây. Cơ sở y tế cấp thuốc tự điều trị phải có danh sách đối tượng được cấp để theo dõi, giám sát; nếu thuốc chưa được sử dụng thì dành lại cho những đợt sau, hạn chế cấp thuốc dễ dàng nhằm tránh lãng phí.


BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn