Sự việc bắt đầu từ tối muộn ngày 25/4, khi hơn 10 nhân viên của một cơ quan ở Hàng Trống, Hà Nội bị rút tiền khỏi tài khoản Agribank với số tiền từ 10-24 triệu đồng/người. Những khách hàng này nằm trong danh sách 400 người nghi bị hack tài khoản. Theo kết quả xác minh ban đầu, có 12 khách hàng bị mất tiền. Đến thời điểm này Agribank đã hoàn trả đầy đủ số tiền bị rút từ tài khoản của một số khách hàng có thẻ giao dịch tại ATM thuộc phạm vi quản lý của Agribank. Đối với các chủ thẻ bị lợi dụng rút tiền bằng thẻ giả tại ATM của tổ chức tín dụng khác, Agribank vẫn đang phối hợp thu thập chứng từ và sẽ phản hồi đến khách hàng khi nhận được kết quả. Tuy nhiên, từ sự cố lần này các chuyên gia nhận định có khả năng trong quá trình sử dụng, thẻ của khách hàng đã bị đánh cắp thông tin dữ liệu tại cây ATM và vụ việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo mật thông tin và trách nhiệm của ngân hàng trong những vụ việc như thế này?
Các vụ việc mất tiền trong ngân hàng xảy ra không chỉ trong ngân hàng nhỏ mà còn ngay cả ngân hàng lớn như Eximbank, Vietcombank, BIDV và mới đây nhất là Agribank. Như vậy, liên tiếp đã xảy ra nhiều vụ mất tiền tại các ngân hàng khác nhau hoặc không giao dịch cũng bị mất. Có vụ việc chỉ mất vài chục triệu, cũng có vụ là đến cả trăm triệu, thậm chí lên đến cả tiền tỉ trong tài khoản ngân hàng của khách hàng. Điều này đang khiến người dân hoang mang trước nguy cơ mất cắp tiền khi sử dụng dịch vụ thẻ ATM tại các ngân hàng.
Theo các chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin, trong trường hợp này, rất có thể kẻ gian dùng chiêu skimming để đọc trộm dữ liệu, ăn cắp thông tin thẻ tại máy ATM. Theo đó, các đối tượng phạm tội sẽ đặt skimming tức là các máy ở cây ATM để khi người dân vào giao dịch thì máy skimming sẽ đọc trộm dữ liệu thông tin của thẻ tín dụng, sau khi lấy trộm được thông tin, các đối tượng phạm tội sẽ làm thẻ tín dụng giả để trộm cắp... Điều này đã gây tâm lý lo lắng cho không ít chủ thẻ vì cầm tiền cũng sợ mất mà gửi vào tài khoản nếu mất không biết họ sẽ xử lý thế nào, không biết có lấy lại được không?
Bảo vệ quyền lợi khách hàng là điều cốt lõi tạo nên giá trị lâu bền với mọi ngân hàng. Nâng cao nhận thức cho khách hàng là việc mà các ngân hàng luôn quan tâm. Thế nhưng, việc đảm bảo sự an toàn trong giao dịch hay vấn đề bảo mật ngân hàng chưa thực sự tốt. Thực tế cho thấy, các ngân hàng nói riêng và các tổ chức tại Việt Nam nói chung chưa thực sự sẵn sàng đầu tư lớn cho việc bảo mật hệ thống, nâng cấp an ninh, website, phần mềm. Trong vụ việc lần này, tuy rằng cả khách hàng và ngân hàng đã giải quyết thỏa đáng song sự việc một lần nữa tạo nên sự không yên tâm cho khách hàng gửi tiền tại các ngân hàng và yêu cầu cấp thiết phải “vá” lỗ hổng bảo mật, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.