Cấp thiết nâng cao chất lượng y tế vùng miền núi phía Bắc

20-10-2014 14:00 | Thời sự

Trước thực trạng đáp ứng, tiếp cận dịch vụ y tế hết sức khó khăn của vùng miền núi phía Bắc, tại Hội nghị “Tăng cường chất lượng y tế các tỉnh miền núi phía Bắc” vừa được Bộ Y tế triển khai tại TP. Điện Biên Phủ

Trước thực trạng đáp ứng, tiếp cận dịch vụ y tế hết sức khó khăn của vùng miền núi phía Bắc, tại Hội nghị “Tăng cường chất lượng y tế các tỉnh miền núi phía Bắc” vừa được Bộ Y tế triển khai tại TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định sẽ ưu tiên đầu tư thích đáng cho y tế cơ sở tại các vùng cao.

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, mạng lưới y tế tại vùng núi phía Bắc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong số hơn 2.560 trạm y tế xã có tới 78 trạm chưa có cơ sở hoặc nhà tạm và trên 2.200 trạm đã xuống cấp, cần cải tạo và nâng cấp. Tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ, số giường bệnh trên 1 vạn dân đều đạt mức thấp hơn so với bình quân chung cả nước, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ mắc HIV/AIDS hay mức độ ốm đau chung trong dân cư... lại cao hơn. Đặc biệt, số bác sĩ làm việc tại các trạm y tế xã chỉ đạt 64%, thấp hơn so với bình quân của cả nước là 77%. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trong vùng. Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, tỷ suất tử vong dưới 1 tuổi và 5 tuổi, tử vong bà mẹ còn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, người dân trong vùng còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế như: đường sá giao thông của người dân tới cơ sở y tế quá xa, đi lại vất vả, điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thấp; nhiều tập quán, hủ tục lạc hậu...

Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc vùng cao huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: PV

Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc vùng cao huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: PV

Điểm đáng chú ý nữa, hơn 95% dân số trong vùng có BHYT, đa số là BHYT hộ nghèo nhưng do kỹ thuật y tế chưa phát triển, giá dịch vụ ở nhiều tỉnh còn thấp (khoảng 70 - 80% của khung giá) dẫn đến nhiều tỉnh có số kết dư quỹ BHYT lớn, thậm chí kết dư tới 50% như Sơn La, Lạng Sơn... Điều này vừa ảnh hưởng đến khả năng cân đối thu chi, tái đầu tư phát triển cơ sở y tế ở địa phương, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi thụ hưởng của người bệnh.

Đầu tư, hỗ trợ phải ngay từ tuyến xã

Trước thực trạng công tác y tế còn nhiều khó khăn tại miền núi các tỉnh phía Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, với đặc thù như vậy thì việc đầu tư cho y tế các tỉnh miền núi phía Bắc phải tập trung ngay từ tuyến xã, từ y tế thôn bản. Trong đó cần phải chú trọng xây dựng các trạm y tế xã có khả năng cung ứng dịch vụ tại chỗ cao hơn, thậm chí phải như một phòng khám khu vực để có thể đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con các dân tộc. Vấn đề đảm bảo công bằng y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nên việc đẩy nhanh phát triển, nâng cao chất lượng y tế vùng núi phía Bắc là công việc cần thiết và cấp bách. Bộ Y tế sẽ tập trung hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, Bộ Y tế sẽ cố gắng huy động các nguồn kinh phí để tới đây xây dựng cho 15 tỉnh miền núi phía Bắc mỗi địa phương 5 trạm y tế đạt Chuẩn quốc gia. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ ban hành tiêu chí mới về trạm y tế đạt Chuẩn quốc gia nhằm tập trung đầu tư, trước mắt ưu tiên các trạm y tế xã thuộc vùng núi cao, vùng khó khăn để bảo đảm đủ điều kiện cần thiết khám chữa bệnh ban đầu và chăm sóc sức khỏe người dân.

Đối với lĩnh vực dự phòng tại khu vực này, Bộ trưởng cho rằng, cần tinh gọn các đầu mối ở tuyến tỉnh bằng hình thức sáp nhập để hình thành Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh nhằm giảm bớt dàn trải về nhân lực, vật lực. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình đưa bác sĩ luân phiên từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới, chương trình đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện khó khăn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đầu tư cho y tế cơ sở vùng cao không chỉ giảm áp lực quá tải cho tuyến dưới mà quan trọng nhất là đảm bảo công bằng hơn trong tiếp cận y tế của người dân khắp các vùng miền, dân tộc. Song, muốn đạt được mục tiêu này thì ngoài vấn đề kinh phí, các địa phương cần có sự phối hợp và có những chính sách đồng bộ khác, nhất là chính sách đào tạo, thu hút nhân lực để giúp cho công tác y tế ngày càng được nâng cao.

Anh tuấn

 


Ý kiến của bạn