Cập nhật thông tin sử dụng thuốc chứa cefmetazol đường tiêm tĩnh mạch và tiêm truyền tĩnh mạch

27-07-2018 16:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Để thống nhất về chỉ định, liều dùng và cách dùng thuốc chứa cefmetazol đường tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền tĩnh mạch, đảm bảo mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả, Cục Quản lý Dược vừa có công văn thông báo đến các Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh dược phẩm trên địa bàn về việc cập nhật thông tin hướng dẫn sử dụng đối với thuốc chứa cefmetazol đường tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền tĩnh mạch...

Đồng thời tăng cường thực hiện việc theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc trong quá trình sử dụng, lưu hành…. và gửi báo cáo ADR (nếu có) về các cơ quan liên quan; Theo dõi, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc chứa cefmetazol đường tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền tĩnh mạch, đặc biệt là các doanh nghiệp cung ứng thầu cho bệnh viện để sau 6 tháng kể từ ngày ký công văn này, việc kê đơn, sử dụng thuốc phải tuân thủ hoàn toàn theo chỉ định, liều dùng và cách dùng đã cập nhật theo công văn này.

 

 

Đối với các cơ sở đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, các thuốc chứa cefmetazol đường tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền tĩnh mạch đã được cấp phép lưu hành trên thị trường, cần cập nhật ngay, bổ sung thông tin chỉ định, liều dùng, cách dùng trên nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng qui định; Đối với thuốc đang chờ xét duyệt, Cục quản lý dược chỉ xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc sau khi cơ sở đăng ký thuốc nộp tài liệu cập nhật các nội dung theo yêu cầu vào các phần liên quan của hồ sơ và được thẩm định đạt yêu cầu.

Theo đó, đối với tất cả các thuốc chứa cefmetazol đường tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền tĩnh mạch, thông tin trên nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng yêu cầu thay dổi nội dung các mục: Chỉ định, liều dùng và cách dùng theo đúng các  thông tin được cung cấp dưới đây:

 

 

Chỉ định

Cefmetazol được chỉ định cho các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn còn nhạy cảm với thuốc như: Nhiễm khuản thứ phát của viêm bàng quang, viêm thận, bể thận, viêm phúc mạc, viêm túi mật, viêm đường mật, viêm tuyến Bartholin và phần phụ, nhiễm khuẩn tử cung, viêm kết mạc, viêm mô quanh xương hàm, viêm xương hàm.

Liều dùng

Đối với người lớn, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền nhỏ giọt tĩnh mạch liều 1-2 g mỗi ngày, chia làm hai lần.

Với trẻ nhỏ, liều thông thường hàng ngày 25-100mg/kg, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền nhỏ giọt tĩnh mạch, chia làm 2 đến 4 lần.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn dai dẳng hoặc nặng, tăng lên 4 g cho người lớn, 150mg/kg ở trẻ em mỗi ngày, chia làm 2 đến 4 lần.

Cách dùng

Hòa tan vào 10ml nước cất hoặc dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dung dịch glucose dẳng trương, tiêm tĩnh mạch chậm.

Ngoài ra, thuốc này cũng có thể dược dùng truyền nhỏ giọt tĩnh mạch. Mỗi 1g khi cho truyền nhỏ giọt tĩnh mạch nên được hòa tan từ từ trong dung dịch natri clorid 0,9% khi sử dụng. Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch bắt buộc phải pha thuốc trong dung dịch đẳng trương.


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn