Thông tin của Bộ Y tế chiều ngày 15/10 cho biết, đến nay tổng số vaccine COVID-19 đã tiêm trên toàn quốc là 260.552.191 mũi. Số mũi tiêm thực hiện trong ngày là 33.796 tại 14 tỉnh, thành đều tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, đến nay kết quả tiêm mũi 3 đạt tổng số có 50.898.027 mũi tiêm (78,3%), trong ngày có 14 tỉnh triển khai với 5.888 người được tiêm
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (58,3%); Phú Yên (60,7%); Đồng Nai (53,5%); Đồng Tháp (59,2%); Bình Phước (61,2%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,7%); Sóc Trăng (97,7%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 15.581.738 mũi tiêm, trong ngày có 14 tỉnh triển khai với 18.478 người được tiêm
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.124.162 trẻ (đạt tỷ lệ 59,8%) tăng 0,2%.
- 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,1%); Quảng Ngãi (38,4%); Phú Yên (22,5%); TP. Hồ Chí Minh (35,3%); Bà Rại - Vũng Tàu (24,1%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (97,3%); Lâm Đồng (91,7%); Sóc Trăng (99,3%).
Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau 6 tháng triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này trên cả nước, tổng số mũi tiêm là 16.769.060, trong đó mũi 1: 9.874.298 trẻ (đạt tỷ lệ 89,1%)
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệt tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP HCM (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)
Kết quả tiêm mũi 2: 6.894.762 trẻ (đạt tỷ lệ 62,2%)
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP HCM (34,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (98,4%); Cà Mau (94,1%).
Mặc dù, tình hình dịch COVID-19 hiện tại đã có dấu hiệu khả quan, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các quốc gia cần nắm bắt cơ hội, tiếp tục nỗ lực, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc đảm bảo mục tiêu trong tiêm chủng vaccine để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Đo dó, Hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh" với thông điệp "Thực hiện - 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Có những người đã tiêm 2-3 mũi vaccine COVID-19 nhưng sau 6 tháng không tiêm nhắc lại, trong khi lúc này nồng độ kháng thể giảm dần, vì thế nếu mắc COVID-19 rất dễ diễn tiến nặng.
"Do đó, người dân nên tiêm các mũi vaccine nhắc lại để tăng cường miễn dịch, đặc biệt là những người trên 60 tuổi có nhiều bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, phổi mãn tính, bệnh thận, người nhiễm HIV và ung thư..."- PGS.TS Trần Đắc Phu Phu khuyến cáo.