1. Vaccine COVID-19 có phát huy hiệu quả?
Các nghiên cứu mới từ các nhóm nghiên cứu ở Đức, Nam Phi, Thụy Điển và công ty dược phẩm Pfizer, cho thấy khả năng vô hiệu hóa virus của các kháng thể được tạo ra bởi hai liều vaccine Pfizer-BioNTech giảm từ 25 đến 40 lần.
Nhưng có một điểm sáng trong các nghiên cứu, virus đã không hoàn toàn thoát khỏi khả năng miễn dịch khi tiêm liều vaccine tăng cường thứ ba. Mũi tiêm tăng cường thứ ba dường như đã khôi phục các kháng thể về mức có khả năng bảo vệ chống lại các biến thể của SARS-CoV-2.
Hana El Sahly, giáo sư virus học phân tử và vi sinh vật học tại Đại học Y khoa Baylor ở Houston, cho biết: "Các chủng cho đến nay khác nhau tùy theo mức độ bị vô hiệu hóa bởi các kháng thể từ các loại vaccine, nhưng chúng vẫn đang được vô hiệu hóa. Biến thể Beta có liên quan đến việc giảm 10 lần lượng kháng thể, nhưng hai liều vaccine vẫn có khả năng bảo vệ chống lại nó".
Báo cáo của phòng thí nghiệm Pfizer cũng cho rằng các vaccine hiện có sẽ bảo vệ chống lại Omicron, nhưng nếu nhận được mũi tiêm tăng cường, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
2. Cần nhanh chóng hành động để ngăn chặn Omicron
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng những nghiên cứu này là từ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và không nhất thiết phản ánh những gì sẽ xảy ra với Omicron trong thế giới thực. Họ cảnh báo nhiều quốc gia thúc đẩy chiến lược tiêm vaccine tăng cường trong khi nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn để tiêm những liều vaccine đầu tiên.
TS. Soumya Swaminathan, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng, kết quả từ bốn nghiên cứu này rất khác nhau, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động trung hòa với Omicron từ 5 đến 40 lần. Các loại xét nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm cũng khác nhau và bao gồm một số lượng nhỏ các mẫu máu từ bệnh nhân.
Bà nhấn mạnh rằng khả năng miễn dịch không chỉ phụ thuộc vào các kháng thể trung hòa, hoạt động như một tuyến phòng thủ đầu tiên khi virus xâm nhập, mà còn phụ thuộc vào các tế bào B và tế bào T. Cho đến nay, các thử nghiệm cho thấy rằng những thành phần này - rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh trầm trọng và tử vong - ít bị ảnh hưởng hơn các kháng thể. Vì vậy, còn quá sớm để kết luận rằng việc giảm hoạt động trung hòa này sẽ dẫn đến việc giảm đáng kể hiệu quả của vaccine.
Tuy nhiên, liệu những vaccine thế hệ đầu tiên có đủ để ngăn chặn Omicron hay không, vẫn còn phải tiếp tục xem xét. Một nghiên cứu về vaccine Pfizer, Moderna và AstraZeneca, do bác sĩ người Đức Sandra Ciesek, người trực tiếp chỉ đạo Viện Virus Y tế tại Đại học Frankfurt cho thấy, mũi tiêm tăng cường dường như không hoạt động tốt theo thời gian.
Ciesek và nhóm của bà để các kháng thể của tình nguyện viên đã được tiêm vaccine Pfizer 3 tháng trước, tiếp xúc với virus Omicron, cho thấy giảm 37 lần khả năng của các kháng thể để trung hòa Omicron và Delta. Vì vậy, dữ liệu xác nhận rằng việc phát triển một loại vaccine phù hợp với Omicron là cần thiết.
Cả Pfizer và Moderna đều đang cập nhật lại vaccine của họ để phù hợp hơn với những thay đổi trong biến thể Omicron. Trong một thông cáo báo chí, hãng Pfizer cho biết họ có thể bắt đầu giao vaccine được cập nhật vào tháng 3 tới, trong khi chờ sự cho phép.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO kêu gọi các quốc gia nhanh chóng hành động để ngăn chặn Omicron không trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu ngay bây giờ.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Omicron có khả năng "tàng hình".