Khẩn trương cấp điện trở lại
Ngay sau khi nước lũ rút, Tổng Công ty Điện lực miền Trung huy động nhân lực tại chỗ khắc phục lưới điện, sớm đóng điện phục vụ khách hàng. Đến chiều 3/12, toàn bộ các phụ tải ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã cơ bản được khắc phục, chỉ còn 8 xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang ngập nước nên chưa thể khắc phục.
Đợt mưa lũ những ngày qua làm hơn 170.000 khách hàng ở 3 tỉnh Nam Trung bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa và một phần tỉnh Quảng Nam bị mất điện. Mưa lớn, ngập lụt diện rộng khiến toàn bộ các phụ tải phải ngắt điện để đảm bảo an toàn.
Trong các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng đợt lụt lần này thì Phú Yên bị thiệt hại nặng nhất với gần 80.000 khách hàng bị mất điện. Theo Công ty Điện lực Phú Yên, nước lũ về bất ngờ khiến 1 máy biến áp bị hư hỏng, hơn 10 trụ điện bị ngã đổ và khoảng 3.000 công tơ điện bị ngập nước, hư hỏng. Công ty Điện lực Phú Yên phải huy động toàn bộ nhân lực, khu vực nào khắc phục khu vực đó. Đến thời điểm này, tỉnh Phú Yên vẫn còn 1 phần của 8 xã, phường vẫn bị mất điện do nước lũ chưa rút hết.
Nhờ có lực lượng ứng trực theo phương châm "4 tại chỗ" nên các đơn vị ngành điện đã chủ động cắt điện, đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Đến sáng 3/12, 100% các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa đã khôi phục xong các sự cố điện.
Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng Công ty Điện lực miền Trung chủ động phương án "4 tại chỗ - bong bóng khép kín phòng COVID-19" vừa tuân thủ nguyên tắc phòng dịch, vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng xung kích tham gia khắc phục sự cố.
Theo ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tổng Công ty Điện lực miền Trung: "Chúng tôi huấn luyện phương án bong bóng khép kín, tức là các đội xung kích đó đã được cô lập. Toàn bộ phương tiện, dụng cụ và lương thực thực phẩm chủ động, không bị ảnh hưởng dịch bệnh ở địa phương cũng như không đem dịch bệnh cho địa phương mình đến công tác".
Dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ
Ngày 3/12, tại các rốn lũ hạ du sông Kôn, thuộc huyện Tuy Phước (Bình Định) lũ tuy đã rút nhưng thiệt hại về dân sinh ước tính rất lớn.
Qua thống kê sơ bộ, lũ đã cuốn hỏng 5 đê chống sạt vùng hạ du sông Kôn, sông Hà Thanh; làm sụt lún 2 chân cầu Đại Hàn gây chia cắt giao thông từ xã Phước Lộc đi Phước Hiệp. Mưa lũ làm sập nhiều nhà dân, cuốn trôi hàng ngàn gia súc, gia cầm cùng tài sản khác của người dân, hàng ngàn mét kênh mương, đường giao thông, bờ sông…bị sạt lở.
Trong các ngày 2 - 3/12, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đến các vùng ngập lụt nặng để thăm hỏi, kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục, sớm ổn định đời sống cho người dân. Các tổ chức từ thiện cũng đã liên hệ và trao tặng nhiều suất quà cho người dân bị thiệt hại nặng.
Tại tỉnh Phú Yên, các lực lượng bộ đội, xung kích địa phương nỗ lực dọn dẹp, khắc phục nhà cửa, công trình bị sạt lở, cuốn sập cho người dân vùng ngập lụt nặng hạ du sông Ba. Ước tính huyện Sơn Hòa (Phú Yên) bị thiệt hại 81 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về dân sinh là rất lớn, hàng ngàn ha sắn, mía, lúa, bắp người dân bị cuốn phá. Đặc biệt, bà con Sơn Hòa vừa thu hoạch vụ lúa hè thu, chưa kịp bán lúa thì lũ về gây ngập, hư hại hết. "Trước mắt, huyện huy động nguồn lực cứu trợ bà con để sớm khắc phục các thiệt hại, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, địa phương tổ chức tiêu độc, khử trùng toàn bộ các vùng ngập lụt để đảm bảo trước mắt nguồn nước cho người dân sử dụng", ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Phim TRI ÂN TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH_TP.HCM