Cấp hộ chiếu vaccine điện tử: 'Người dân chỉ cần đi tiêm và khai báo thông tin'

23-03-2022 09:24 | COVID-19

Theo Bộ Y tế, về quy trình, người dân chỉ cần đi tiêm chủng và khai báo thông tin chính xác. Các cơ sở tiêm chủng phải chịu trách nhiệm về việc rà soát các thông tin, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu triển khai hộ chiếu vaccine điện tử từ ngày 20/12/2021, theo đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5772 về biểu mẫu và quy trình cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết, trong tuần qua, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm chứng nhận điện tử tiêm vaccine COVID-19 tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện E.

Cấp hộ chiếu vaccine điện tử: 'Người dân chỉ cần đi tiêm và khai báo thông tin' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) trao đổi với phóng viên về hộ chiếu vaccine điện tử.

PV: Thưa ông, việc triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine COVID-19 hiện đang ở mức độ nào và khi nào thì triển khai rộng rãi?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Kết quả triển khai thí điểm chứng nhận điện tử tiêm vaccine COVID-19 tại 3 bệnh viện cho thấy, hệ thống đã sẵn sàng đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử.

Sau Hội thảo triển khai chứng nhận điện tử tiêm vaccine COVID-19 diễn ra chiều 22/3, chúng tôi có kế hoạch trong tuần tới sẽ triển khai trên toàn quốc.

Sau khi có Quyết định 5772, Bộ Y tế đã phối hợp tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để xây dựng các hệ thống cấp giấy chứng nhận hộ chiếu vaccine, cũng như chỉnh sửa một số chức năng chữ ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

Ý nghĩa thì hộ chiếu điện tử cũng như hộ chiếu vaccine giấy, nhưng về điện tử sẽ giúp cho người dân thuận lợi trong việc đi lại và giao thương quốc tế.

Hiện nay, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao thì biểu mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được công nhận với 17 quốc gia.

PV: Việc triển khai thí điểm tại 3 bệnh viện có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Theo kết quả, phản ánh của 3 đơn vị chúng tôi triển khai thì băn khoăn vấn đề là các cơ sở tiêm chủng phải có chứng thư số để chữ ký số. Thêm nữa, băn khoăn về việc hiện nay nhiều cơ sở tiêm chủng đang nhập thông tin tiêm chủng của cơ sở khác, do người ở cơ sở khác nhập.

Do vậy, trong quy trình cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế, cơ sở tiêm chủng nào chỉ ký số những dữ liệu do cơ sở đó nhập, còn thông tin do cơ sở khác nhập là không ký nên họ không chịu trách nhiệm.

Đây là hai vấn đề băn khoăn của 3 bệnh viện.

PV: Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu cấp hộ chiếu vaccine của người dân?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Sau khi Bộ Y tế ban hành Quyết định 5772, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của người dân là khi nào được cấp hộ chiếu vaccine, có người dân đến trực tiếp tại Cục Y tế dự phòng, Cục công nghệ thông tin để hỏi về việc này.

Chúng tôi đánh giá là từ ngày 15/3 chúng ta mở cửa du lịch quốc tế nên nhu cầu cấp hộ chiếu vaccine thời gian tới chắc chắn sẽ lớn.

PV: Xung quanh việc cấp hộ chiếu vaccine còn ý kiến cho rằng có những vướng mắc như cấp tại tuyến xã thì điểm tiêm cấp, bệnh viện cấp… với số lượng người đông cần cấp. Vậy, giải pháp là gì để tránh tình trạng quá tải, tập trung đông một chỗ?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Hiện nay, theo Quyết định 5772, các cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện ký số, tuy nhiên về giải pháp kỹ thuật chúng tôi sẽ xây dựng hai phương án: Một là, cho phép các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số.

Hai là, tùy tình hình thực tế của địa phương có thể giao cho cơ quan nào đó làm đầu mối. Ví dụ như Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật… để thực hiện ký số.

Thực chất, việc ký số này rất đơn giản và cho phép ký theo lô, có thể ký hàng ngàn người một lúc chứ không phải ngồi chọn từng người, từng người để ký. Chúng tôi đánh giá về mặt quy trình rất đơn giản, không có phức tạp.

Về quy trình, người dân chỉ cần đi tiêm chủng và khai báo thông tin chính xác. Các cơ sở tiêm chủng phải chịu trách nhiệm về việc rà soát các thông tin, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân.

PV: Khi một người dân có nhu cầu làm xác nhận hộ chiếu vaccine, thì quy trình xác nhận sẽ là như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Tôi nhắc lại rằng, theo quy trình hiện nay, người dân không phải làm gì cả, quá trình này thực hiện do các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng là đầu mối để ký số. Khi chúng tôi thực hiện triển khai cấp hộ chiếu vaccine thì tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng thì sẽ có một mã QR, sẽ được hiển thị trên ứng dụng PC COVID cũng như ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế phục vụ cho việc kiểm soát khi ta đi ra nước ngoài.

Với ứng dụng PC COVID, hiện nay, chúng tôi đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chức năng để hiển thị hộ chiếu vaccine. Người dân không phải làm gì cả nếu như đang có thông tin rồi thì sẽ có thêm chức năng hiển thị hộ chiếu vaccine, bản chất kết quả đầu ra là một mã QR, người dân sẽ sử dụng QR Code để đi nước ngoài, có ý nghĩa gần như thẻ xanh COVID, nhưng mã QR theo tiêu chuẩn quốc tế, khi đưa mã này ra thì quốc tế đọc được (nếu như cũng sử dụng do WHO, Liên minh Châu Âu ban hành).

PV: Xin cảm ơn ông!

Bà tưởng cháu bị hậu COVID-19, không ngờ phải phẫu thuật u nãoBà tưởng cháu bị hậu COVID-19, không ngờ phải phẫu thuật u não

Ngày 22/3, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận một bệnh nhi bị u não nghiêm trọng. Người nhà nhầm lẫn bé bị hậu COVID-19 nên đã trì hoãn việc thăm khám.

Thiên Bình
Theo VOV
Ý kiến của bạn