Hà Nội

Cặp đôi Putin - Medvedev lại tiếp tục chèo lái nước Nga

09-05-2012 21:37 | Quốc tế
google news

Viện Duma Quốc gia (Hạ viện Quốc hội Nga) đã chấp thuận đưa ông Dmitry Medvedev vào cương vị đứng đầu Chính phủ. Trước đó, Tổng thống vừa nhậm chức Vladimir Putin đã đề nghị các đại biểu Quốc hội phê chuẩn ứng viên do ông đề cử.

Viện Duma Quốc gia (Hạ viện Quốc hội Nga) đã chấp thuận đưa ông Dmitry Medvedev vào cương vị đứng đầu Chính phủ. Trước đó, Tổng thống vừa nhậm chức Vladimir Putin đã đề nghị các đại biểu Quốc hội phê chuẩn ứng viên do ông đề cử. Tân Thủ tướng Dmitry Medvedev được sự ủng hộ của 299 đại biểu Duma Quốc gia, 144 nghị sĩ bỏ phiếu chống, không có phiếu trắng.

Nếu nhớ rằng Đảng “Nước Nga thống nhất” có 238 ghế và Liên minh Dân chủ tự do có 56 ghế trong Viện Duma Quốc gia, từ trước đã đưa ra lời hứa ủng hộ sẽ thấy dù đại biểu của các đảng khác quyết định ra sao chăng nữa thì ông Dmitry Medvedev cũng chắc chắn trở thành Thủ tướng Chính phủ Nga. Dù vậy, trước khi tiến hành bỏ phiếu đã diễn ra những cuộc tham vấn của ông Medvedev với các đảng Nghị viện, sau đó là tranh luận tại phiên họp toàn thể của Viện Duma Quốc gia. Theo luật, để trở thành Thủ tướng, ông Medvedev cần nhận được sự đồng thuận của 226 trong tổng số 450 đại biểu của Duma. Tuy nhiên, Đảng Cầm quyền Nước Nga thống nhất của ông Medvedev đã chiếm tới 238 số ghế trong Hạ viện.
 Ông Medvedev đã hoàn tất việc hoán đổi quyền lực với ông Putin.

Trước các hạ nghị sĩ, ông Putin đã giới thiệu ông Medvedev như một chính khách giàu kinh nghiệm, người đứng sau tất cả cuộc cải cách quan trọng tại Nga nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, hoàn thiện hệ thống tư pháp và thi hành pháp luật nhằm bảo vệ nhân dân, sự thật và công lý. Về phần mình, khi trả lời câu hỏi của đại diện 4 đảng phái trong Duma Quốc gia (Đảng Nước Nga thống nhất; Đảng Dân chủ tự do; Đảng Cộng sản và Đảng Chỉ nước Nga) ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, ông Medvedev cam kết rằng nếu được bầu làm Thủ tướng, ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng thêm sức cạnh tranh cho nền kinh tế Nga. Cựu Tổng thống cũng cho hay, ông sẵn sàng đối thoại cởi mở với tất cả các đảng phái chính trị đối lập khác trong nước. Với việc được Duma Quốc gia phê chuẩn trở thành Thủ tướng, ông Medvedev đã hoàn tất việc hoán đổi quyền lực với người đồng minh thân cận - Tổng thống mới nhậm chức Vladimir Putin.

Phát biểu trước cử tọa Nghị viện, ông Dmitry Medvedev khẳng định rằng ở cương vị mới ông sẽ tiếp nối những cải cách đã bắt đầu triển khai. “Tôi muốn nhấn mạnh ngay lập tức, tất cả những gì Chính phủ cần làm và sẽ thực hiện là tiếp nối chiến lược hiện đại hóa vốn đã bắt đầu và hiện đang được thực thi trong đất nước chúng ta. Tất cả những gì đã tuyên bố trong những năm trước đều cần phải được thực hiện thành công”.  Thủ tướng cam đoan rằng, ông sẽ huy động mọi nỗ lực để bảo tồn động lực tích cực trong  những hướng phát triển then chốt về xã hội và kinh tế của nước Nga.

Tiến độ hiện đại hóa còn chậm chạp là lý do cơ bản khiến Đảng Cộng sản Nga từ chối ủng hộ ứng viên Dmitry Medvedev. Đó là tuyên bố của nhà lãnh đạo Cộng sản Gennady Zyuganov. Chống lại ứng viên Medvedev còn có cả Đảng Nước Nga công bằng do ông Sergei Mironov đứng đầu. Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên viên, như vậy không có nghĩa là ở Nga đang nóng lên một cuộc khủng hoảng chính trị. Ông Dmitry Medvedev có khả năng tiến hành cuộc đối thoại cân bằng cùng với tất cả các lực lượng chính trị trong nước để tìm ra những điểm chung.
 
Chuyên viên Vilen Ivanov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu xã hội - chính trị (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nhận xét: “Hiện diện của phái đối lập luôn là chuyện bình thường trong một xã hội dân chủ. Với lực lượng này cần tìm ra cách thức nào đó để đồng thuận về những quyết định quan trọng. Vì thế, nếu bây giờ ông Medvedev thực hiện bước đi có tính đến quan điểm của phái đối lập trong kế hoạch hoạt động, chẳng hạn như không đưa vào thành phần Chính phủ mới những nhân vật tai tiếng, thì đó sẽ là một trong những tiền đề cho thành công tương lai của ông ở cương vị Thủ tướng Nga”.

Về thành phần nội các mới, ông Dmitry Medvedev đã cho người ta hiểu rằng trong Chính phủ do ông đứng đầu sẽ chỉ giữ 1/5 số quan chức của nhiệm kỳ trước. Ai ở lại và những gương mặt mới nào xuất hiện trong Chính phủ Nga sẽ được rõ trong tuần tới.

       Lê Sơn (Theo Ruv)

 


Ý kiến của bạn