Hơn 50 năm theo nghề, Lân Bích - Minh Ðức luôn giữ cho mình hình ảnh đẹp cả trên phim ảnh lẫn ngoài đời. Họ lung linh tỏa sáng dần lên trong mắt người hâm mộ. Lân Bích - Minh Ðức là cặp uyên ương hiếm có gắn bó với nền điện ảnh cách mạng Việt Nam từ những bộ phim đầu tiên cho đến nay. Họ xứng đáng được người mến mộ tặng danh hiệu “Cặp đôi hoàn hảo” trong làng điện ảnh nước nhà.
Tôi chơi thân với cậu em họ anh Lân Bích từ khi còn học ở PT3 (Trường THPT Việt Đức, Hà Nội ngày nay). Anh coi tôi như em trai, thậm chí khi anh đóng phim Cô gái công trường, vào vai một tên cao bồi Sở Khanh, anh cho chúng tôi đến hiện trường xem anh đóng. Anh khiêm tốn tham vấn ý kiến chúng tôi xem đóng có đúng cao bồi chuyên đi lừa con gái nhà lành không. Anh nghĩ, tôi là “dân chơi” phố cổ Hà thành chính gốc nên am hiểu lối sống của đối tượng “cặn bã” - sản phẩm của xã hội thị dân thành phố. Tôi cũng tỏ ra “sành điệu”, tháo luôn đôi giày uy ních thời thượng, đánh xi bóng lộn, đưa cho anh cùng câu nói khích lệ: “Anh thay đôi mõm ngóe bằng đôi gót cá sắt này sẽ chuẩn 100%”. Thời đó, diễn viên điện ảnh xứng đáng được cánh trẻ chúng tôi tôn sùng như thần tượng.

Vợ chồng NSƯT Lân Bích – Minh Đức và đồng nghiệp trẻ.
NSƯT Lân Bích tham gia hoạt động nghệ thuật cách mạng từ rất sớm. Năm 1950, anh đã tốt nghiệp Thủ khoa Trường Âm nhạc Việt Nam, cùng lứa với những tên tuổi lẫy lừng của nền âm nhạc nước nhà như NSND Trọng Bằng, NSND Tân Huyền… Năm Lân Bích 20 tuổi đã được cử làm Trưởng đoàn văn công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh có mặt khắp nơi, từ Yên Bái sang lòng chảo Điện Biên, dưới các chiến hào “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, ôm cây đàn ac-cooc (đàn gió) trước ngực, say sưa vừa kéo đàn vừa hát phục vụ bộ đội chủ lực, dân công mở đường chiến dịch. Ròng rã cả năm trời dưới mưa bom, bão đạn trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn cho đến khi tướng giặc Đờ Cát kéo cờ trắng đầu hàng - Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng - cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tưởng rằng sẽ cùng đoàn quân chiến thắng Về lại Thủ đô thì anh nhận quyết định tiếp tục trụ vững tại núi rừng Tây Bắc, sát cánh cùng lực lượng Công an vũ trang tiêu diệt các nhóm thổ phỉ đang quấy nhiễu, phá hoại cuộc sống thanh bình của nhân dân. Vừa ổn định với công việc mới thì không may trong một lần đi công tác, anh bị tai nạn giao thông, chiếc xe công vụ Lô-mô-tô-ba chở anh và đồng đội bị lật xuống đèo Hút Gió (nằm giữa Hòa Bình - Mộc Châu). Anh thoát chết nhưng bị trọng thương, gãy 4 xương sườn, phải đưa về Bệnh viện Quân đội 108, Hà Nội chữa trị. Quả là “Ngựa tái ông…”, cũng chính vì thế nên anh mới có cơ hội bén duyên với bộ môn nghệ thuật thứ 7 và gắn bó với nó cho đến ngày nay.
Lân Bích có mặt ngay từ bộ phim truyện đầu tiên của nền Điện ảnh cách mạng với phim Chung một dòng sông. Lân Bích cùng NSND Trần Phương vào vai hai tên cảnh sát Sài Gòn, để hoàn thành “tròn vai”, Lân Bích và Trần Phương giả làm công an vũ trang vào tận Vĩnh Linh (Quảng Trị) thuộc vĩ tuyến 17. Hai anh cùng phải chơi bóng chuyền với bọn lính ngụy Sài Gòn nhằm tìm hiểu tâm lý, tính cách, lối sống bọn ngụy quân. Các anh thành công. Các anh “diễn” như… không diễn.
Năm 1960, Minh Đức trúng tuyển khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh & Sân khấu Việt Nam, chung lớp với NSND Trà Giang, cố NSND Lâm Tới, NSƯT Tuệ Minh… Nhiều bộ phim Minh Đức tham gia thời đó đã làm nên tên tuổi chị: Khói Trắng, Đường về quê mẹ, Người cộng sản trẻ tuổi… Bộ phim đầu tiên Lân Bích - Minh Đức đóng cặp đôi vợ chồng trên màn ảnh là phim Khói Trắng (đạo diễn NSƯT Nguyễn Tiến Lợi) quay năm 1960. Đó là câu chuyện kể về nhà máy xi măng Hải Phòng thời đánh Mỹ - tất cả thực hiện khẩu hiệu: Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Tình yêu bắt đầu từ… phim, hay như người ta nói “phim giả, tình thật”. Lân Bích kể: “Nhờ phim Khói Trắng mà chúng tôi nên vợ, nên chồng. Thực ra khi đóng chung, chúng tôi đã có cảm nhận cả hai thuộc về nhau, “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Chúng tôi còn ngại ngần thì bạn bè đã hiểu, “vun vào”, tạo hậu thuẫn, giúp chúng tôi vượt qua tình bạn để đến một tình yêu. Khi đoàn làm phim “đóng máy” cũng là lúc đám cưới của hai người tổ chức theo đời sống mới ngay tại Trụ sở xưởng phim truyện số 4 phố Thụy Khuê. Chỉ có bánh kẹo, thuốc lá cuốn Lạng Sơn, chè Thái nhưng vui, ấm áp tình bạn bè, đồng nghiệp.
Sau đó, đôi vợ chồng Lân Bích - Minh Đức sát cánh bên nhau đóng nhiều vai vợ chồng trong phim: Trong phòng trực chiến, Cách mạng, Giao thời, Người đàn bà yếu đuối, Đại gia đình, Phiên chợ số, Tóc rối, Vật chứng mỏng manh và Cô gái xấu xí dài trên 100 tập… Với lối diễn chân thật, thuần hậu, nhẹ nhàng, chồng tung vợ hứng ăn ý của vợ chồng NSƯT Lân Bích - Minh Đức khi vào vai ông bố bà mẹ trong phim, thật khó có người thay thế. Bởi vậy, “cặp đôi hoàn hảo” ngoài đời vẫn đắt sô vào vai “cặp đôi hoàn hảo” trên phim trường.
Lân Bích tâm sự: “Nhiều tháng dài 2 vợ chồng ít có cơ hội ngồi với nhau trong ngôi nhà quạnh hiu để ăn chung với nhau bữa cơm gia đình cơm dẻo, canh ngọt đúng nghĩa. Cả hai đều quay cuồng như chong chóng với lịch làm phim dày đặc. Lân Bích - Minh Đức nghỉ hưu từ 20 năm nay, đã bước sang tuổi xế chiều, đóng phim chẳng phải để kiếm tiền, cũng không mê tìm danh vọng - mà thực ra họ đã có đủ cả - hạnh phúc nhất của họ là con cái trưởng thành, đều công ăn việc làm ổn định: Cậu cả - kỹ sư hạt nhân; cô con gái thứ 2 là Phó Giám đốc truyền hình Cáp SNTV; cô thứ 3 - giảng viên âm nhạc tận bên Mỹ xa xôi; cậu út - phi công lái máy bay cho Hãng hàng không Việt Nam Airlines. Lân Bích nói vui: “Chúng tôi không đứng trước ống kính nữa thì chết còn sướng hơn”. NSƯT Minh Đức tự hào, khâm phục nói về người chồng rất mực yêu thương, chung thủy của mình: “Khó mà hình dung nổi, ông già tuổi bát tuần như ông nhà tôi lại dẻo dai, bền bỉ đến thế. Sáng làm cố vấn nội dung nghệ thuật cho kênh TH Cáp SNTV, chiều chạy sang dạy cho lớp sinh viên điện ảnh Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh, tối qua tận quận 9 đóng phim”.
Yêu, say nghề, song ông bà cũng nhận thấy sự bất cập, để công việc cuốn đi làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, mà ở tuổi lên ông, lên bà rất cần sự ổn định. Minh Đức cười thổ lộ: “Giờ chúng tôi hết dám đóng phim chung nữa, phải thay nhau ở nhà giữ “lửa” cho gia đình. Bếp lạnh tanh, trong khi chúng tôi cứ theo đoàn đóng vai vợ chồng trong phim, lại quên đi “tổ ấm” gia đình của mình. Chúng tôi quyết định ngừng diễn chung để giữ cho bếp nhà luôn “đỏ lửa”.
Dung Nhi