GS.TS Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ vô sinh trên thế giới nói trung và ở Việt Nam nói riêng khá cao. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là biện pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn được quan tâm nhiều hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến dưới đây là những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm mà có thể nhiều người chưa biết đến:
1. Trình độ kỹ năng chuyên môn
IVF là kĩ thuật với nhiều bước phức tạp yêu cầu bác sĩ thực hiện phải là người có chuyên môn, kinh nghiệm. Đặc biệt có rất nhiều trường hợp vô sinh hiếm muộn vì những lý do phức tạp đòi hỏi bác sĩ phải có quyết định chuẩn xác để đưa ra xem có cần thực hiện các kỹ thuật liên quan chuyên sâu hay không. Khi kĩ thuật được tiến hành chính xác vừa giúp tỷ lệ thành công cao mà giảm chi phí, thời gian cũng như tránh cho người mẹ gặp phải những rủi ro không đáng có.
2. Phòng LABO phải đạt chuẩn vô trùng
Tiêu chuẩn vô trùng có thể nói đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành bại của thụ tinh trong ống nghiệm. Thụ tinh trong ống nghiệm và kĩ thuật liên quan cần phải có một phòng LABO (phòng nuôi cấy khi thụ tinh trong ống nghiệm) đạt chuẩn vô trùng. Phòng nuôi cấy trứng non, nuôi cấy phôi đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt, trong đó cần thực hiện vô trùng, có nhiệt độ, độ ẩm thích hợp và cần có chất lượng không khí ở mức tối ưu nhất. Lý do là vì trứng non hay phôi cấy ở môi trường bên ngoài tử cung người mẹ rất dễ bị virus, vi khuẩn, bào tử nấm mốc… ở trong không khí tấn công. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, thậm chí ngưng phát triển.
3. Chăm sóc sức khỏe sau khi tiến hành IVF
Sau khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, vấn đề về dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi cần đặc biệt lưu ý. Cụ thể:
Về dinh dưỡng, mọi người cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu đạm từ thịt gà, thịt bò, thịt lợn, tôm, hàu, sữa… Đồng thời cung cấp nhiều chất xơ từ rau, uống nước hoa quả… tránh để bị táo bón hay tiêu chảy trong thời gian đầu. Ngoài ra, mọi người lưu ý tránh các thức ăn cay nóng, chất kích thích như bia, rượu, cà phê, tiêu, ớt… Không nên ăn quá mặn, đồ quá nóng hay quá lạnh…
Về vận động sau khi chuyển phôi, người vợ nên đi lại nhẹ nhàng. Trong khoảng thời gian phôi làm tổ, tốt nhất cần nghỉ ngơi, thư giãn để giúp tăng khả năng bám dính của phôi. Thời gian này cũng cần tránh quan hệ vợ chồng, vận động kích thích vì sẽ gây co bóp tử cung ảnh hưởng đến phôi thai.
Sinh hoạt: Chú ý giữ vệ sinh cơ thể, nên tắm bằng bước ấm. Giữ vùng kín luôn sạch sẽ bằng việc vệ sinh hàng ngày, thay đồ lót thường xuyên… Ngoài ra mọi người cần chú ý giữ tâm lý thoải mái. Có thể giải trí nhẹ nhàng bằng cách nghe nhạc nhẹ, xem phim, đọc sách báo…
4. Thời gian, độ tuổi làm thụ tinh ống nghiệm IVF
Tỷ lệ thành công càng cao khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF càng sớm. Việc tìm lại khả năng làm cha mẹ sẽ càng khó hơn trong trường hợp bị vô sinh hiếm muộn nhiều năm. Do đó, nếu sau 3 tháng không dùng các biện pháp tránh thai mà vẫn chưa có con, vợ chồng cần đi khám sớm để tìm nguyên nhân xử lý kịp thời.
Dù sinh tự nhiên hay là thụ tinh trong ống nghiệm đều phụ thuộc rất lớn về độ tuổi của người mẹ. Ở những cặp vợ chồng trẻ, tỷ lệ thành công thường cao hơn. Bởi theo sinh lý, số lượng và chất lượng trứng đạt tiêu chuẩn của người phụ nữ sẽ giảm dần theo thời gian, đặc biệt khi phụ nữ bước qua tuổi 35. Chất lượng trứng càng tốt, số phôi tạo thành càng nhiều thì cơ hội chuyển phôi của mẹ được nhiều lần hơn trong 1 chu kỳ kích thích trứng.
Giai đoạn quan trọng nhất với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chính là lần chọc hút trứng (sau khi tiêm thuốc kích thích rụng trứng). Trong suốt quá trình kích thích trứng, người mẹ sẽ biết được số lượng trứng mình có trong chu kỳ này là bao nhiêu. Tùy vào mỗi người mà số lượng trứng này là khác nhau.
Thông thường chỉ có khoảng 60-70% trứng trưởng thành sẽ tạo thành phôi trong IVF; khoảng 95% noãn thụ tinh với tinh trùng sau đó sẽ phát triển thành phôi ngày 2; 70-80% noãn thụ tinh phát triển đến phôi ngày 3 và ngày 5 khoảng 50%... Điều đó cho thấy, nếu nuôi cấy càng kéo dài, số phôi còn lại càng thấp.
5. Phụ thuộc sức khỏe của vợ chồng trước khi thực hiện IVF
Trước khi quyết định thực hiện IVF, các cặp đôi cần chuẩn bị sức khỏe tốt để có thể lực, tâm lý tốt. Trong thời gian lên kế hoạch chuẩn bị tiến hành IVF, vợ chồng nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Với người chồng cần ăn các thực phẩm chứa nhiều sắt, kẽm như thịt bò, sò huyết và tăng khẩu phần ăn khi gần đến ngày lấy tinh trùng.
Hai vợ chồng cũng nên tham gia các môn thể thao yêu thích và phù hợp để nâng cao thể lực thể chất và tinh thần. Tâm lý vui vẻ, thoải mái cũng rất quan trọng trước khi làm IVF. Vợ chồng không được quan hệ tình dục trước khi chuyển phôi 24 tiếng. Người vợ cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ khi chuẩn bị chọc hút trứng, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho việc chọc hút trứng thành công.
Video đang được quan tâm:
Hướng dẫn cách tập thở và vận động tại nhà nhằm nâng cao miễn dịch phòng ngừa COVID-19