Hà Nội

Cấp cứu vì tự ý dùng thuốc chữa táo bón

27-02-2018 15:43 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - 10 ngày nay, ông An bị táo bón. Nghĩ ngày hè nóng bức, đổ mồ hôi nhiều nên cơ thể thiếu nước dẫn đến táo bón, ông đã uống rất nhiều nước mà tình trạng không được cải thiện.

10 ngày nay, ông An bị táo bón. Nghĩ ngày hè nóng bức, đổ mồ hôi nhiều nên cơ thể thiếu nước dẫn đến táo bón, ông đã uống rất nhiều nước mà tình trạng không được cải thiện. Đang bức xúc thì có ông bạn đến chơi, nghe ông An than phiền về việc táo bón, ông bạn cười, bảo:

- Giờ nhiều loại thuốc chữa táo bón tốt lắm, mà sao ông lại để chuyện này lâu đến vậy. Tôi sẽ ghi cho ông loại thuốc mà thỉnh thoảng tôi vẫn dùng khi bị táo bón nhé.

Nói rồi ông bạn viết tên thuốc nhuận tràng bisacodyl 5mg, còn hướng dẫn uống ngày 1 viên, nếu muốn đi đại tiện ngay thì uống 2 viên. Vài ngày đầu uống thuốc, chỉ sau 30 phút là thuốc tỏ ra hiệu nghiệm, ông An thích quá nên sáng nào cũng uống 1 viên. Nhưng sau 1 tuần uống thuốc như vậy, ông An thấy mệt xỉu, bụng hơi đầy, ăn kém ngon. Nghiêm trọng hơn, thỉnh thoảng ông lại lên cơn tim đập thình thịch, sau đó thoáng ngất rồi lại tỉnh.

Ông An đi khám bệnh, được bác sĩ cho đo điện tâm đồ 24 giờ (ghi Holter điện tim) thấy ông có những cơn loạn nhịp tim nặng kiểu xoắn đỉnh. Kiểm tra nồng độ kali/máu của ông rất thấp... Đây là những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim nặng và gây ra ngất xỉu. Hỏi ra mới biết là do ông dùng thuốc không đúng.

TS. Nguyễn Đức Hải (Bệnh viện 108) cho biết: “Do ông An bị mắc bệnh rung nhĩ và suy tim, đang được điều trị bằng thuốc lợi tiểu furosemide và cordaron, đã làm cho nồng độ kali máu thấp, ông lại dùng thêm thuốc nhuận tràng cũng làm mất thêm kali nữa. Việc tự ý dùng thuốc như vậy là rất nguy hiểm, nhất là đối với người cao tuổi mắc các bệnh về tim mạch, bởi nó không chỉ làm trầm trọng thêm bệnh đang mắc mà có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính (như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường), khi mắc thêm một bệnh gì đó mà phải dùng các loại thuốc khác để điều trị thì hết sức thận trọng. Tốt nhất là phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa” - TS. Hải cho biết.

Cũng may, sau khi được bù đầy đủ kali và hướng dẫn cách sử dụng thuốc, ông An đã được ra viện và cũng được thêm bài học về việc sử dụng thuốc.


Việt Hà
Ý kiến của bạn
Tags: