Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã đề cập nhiều đến các tác dụng không mong muốn trên gan của paracetamol. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bệnh nhân (hoặc người nhà) không cập nhật thông tin, vẫn dùng thuốc “vô tư” dẫn đến hậu quả “bệnh chồng thêm bệnh”…
Suýt nguy vì suy gan vẫn uống paracetamol
Bà Nguyễn Thị H. (Yên Bái, 75 tuổi) bị áp-xe gan, đã điều trị và hút dịch tại bệnh viện. Khi bệnh tạm ổn, bà được điều trị ngoại trú. 15 ngày sau, khi vẫn đang điều trị bệnh gan thì bà lại bị cảm cúm. Gia đình cho bà dùng 2 liều thuốc “viên hoa cà hoa cải” chữa cảm cúm chứa paracetamol. Ngày hôm sau, bà có biểu hiện chóng mặt và buồn nôn liên tục, chán ăn, ăn gì cũng muốn nôn... Bà H. ngay lập tức được đưa đi cấp cứu.
Sau khi làm các xét nghiệm về chức năng gan, bà H. được bác sĩ chẩn đoán: ngoài bệnh áp-xe gan chưa ổn định, bà còn bị viêm gan cấp do paracetamol khiến chỉ số men gan của bà lên cao hơn rất nhiều lần so với bình thường. Các chỉ số về chức năng khác của gan đều rối loạn; kết quả siêu âm gan của bà H. cho thấy có hiện tượng nhu mô gan không đồng đều. Bà phải điều trị tích cực. 1 tuần sau đó, các chỉ số mới hạ thấp dần về mức an toàn, chức năng gan đã có dấu hiệu hồi phục…
Theo PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc - nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), paracetamol được xem là loại thuốc tương đối an toàn (nếu dùng đúng liều chỉ định). Khi vào cơ thể, paracetamol sẽ được hấp thu vào máu và chuyển hóa qua gan thành nhiều chất, trong đó có một chất rất độc cho gan, đó là chất N-acetylbenzoquinonimin. Khi lượng paracetamol vượt ngưỡng chịu đựng của gan, chất độc hại cho gan tăng lên làm nguy hiểm cho gan. Đặc biệt là ở một số yếu tố nguy cơ như: người suy gan, nghiện rượu mạn tính có thể gây ra viêm gan trong khi sử dụng paracetamol (ngay cả ở liều điều trị), người cao tuổi, người suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai, bệnh nhân dùng các thuốc có khả năng gây tăng men gan... có nguy cơ gặp độc tính cao hơn.
Đối với người bình thường, khi dùng quá liều paracetamol, tức là từ 10g với liều duy nhất ở người lớn và 150mg/kg khối lượng cơ thể trong một liều duy nhất ở trẻ em (tùy theo khả năng nhạy cảm của bệnh nhân) có thể dẫn đến tăng men gan.
Hơn nữa, paracetamol có mặt trong nhiều loại thuốc, kết hợp dưới nhiều dạng bào chế khác nhau, dẫn đến nguy cơ quá liều không chủ đích khi dùng đồng thời nhiều chế phẩm cùng chứa hoạt chất này. Do đó, cần đọc kỹ thành phần của thuốc trước khi uống để tránh tích lũy paracetamol gây quá liều.
Các triệu chứng chính khi quá liều
PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc cho biết, khi bị quá liều paratecamol người bệnh sẽ thấy buồn nôn, nôn, chán ăn, xanh xao và đau bụng thường xảy ra trong vòng 24 giờ. Tiếp đó, khi xét nghiệm máu thấy tình trạng tăng men gan nhanh chóng, có thể dẫn đến hoại tử hoàn toàn và không thể hồi phục, suy giảm chức năng tế bào gan, nhiễm toan chuyển hóa và hội chứng não - gan bao gồm cả tình trạng hôn mê và tử vong. Đồng thời, có thể ghi nhận sự gia tăng transaminase gan, lactat dehydrogenase, bilirubin và giảm prothrombin xuất hiện trong vòng 12 - 48 giờ sau khi uống.
Các biện pháp cần làm khi dùng thuốc quá liều
Cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt. Tại đây có thể sử dụng các thuốc giải độc đặc hiệu của paracetamol như N-acetylcystein tĩnh mạch hoặc đường uống, nếu có thể trước giờ thứ mười sau khi ngộ độc. Cũng cần tiến hành nhanh chóng các biện pháp điều trị triệu chứng.
Paracetamol không được khuyến cáo dùng trong các trường hợp đau do viêm vì thuốc hầu như không có tác dụng chống viêm. Một số trường hợp hiếm gặp xuất hiện dị ứng trên da và giảm tiểu cầu. Hai chống chỉ định chính của paracetamol là quá mẫn với thuốc và suy giảm chức năng tế bào gan.
Không được dùng paracetamol quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Trong các trường hợp đau đầu, đau răng, đau do ngã, chấn thương... bắt buộc phải uống paracetamol thì phải dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4 giờ.
Khi dùng thuốc, không uống bia, rượu và các loại thuốc có nguy cơ độc hại cho gan (thuốc chữa lao) vì sẽ làm tăng độc tính của paracetamol trên gan.